CẢNH BÁO: Vay online 90 triệu, phải trả 200 triệu, người phụ nữ liên tục bị hăm dọa

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/8/2021 | 4:29:17 PM

Bằng cách đưa ra lãi suất hấp dẫn, app "Tiền đã về" cuốn người vay online vào vòng xoáy nợ nần, số tiền vay 90 triệu đã biến thành khoản nợ phải trả 200 triệu đồng.

Mỗi ngày chị N. nhận được hàng chục cuộc gọi và tin nhắn hăm dọa.
Mỗi ngày chị N. nhận được hàng chục cuộc gọi và tin nhắn hăm dọa.

VTC News nhận được đơn phản ánh của chị N.T.H.N (ngụ TP Huế) về việc ứng dụng (app) "Tiền đã về" cho vay nặng lãi với lãi suất quá cao khiến chị lâm vào cảnh khốn khó.

Cú click chuột dẫn vào vòng xoáy nợ nần

Theo đơn phản ánh của chị N., ngày 26/3/2021, do cần gấp 10 triệu đồng để trả tiền thuốc Nam điều trị bệnh cho bố mẹ nên chị tìm trên mạng và biết được app vay tiền nhanh "Tiền đã về". Theo hướng dẫn, chị nhập họ tên và số điện thoại để đăng ký.

Ngay sau khi nhập thông tin, chị được một số điện thoại lạ gọi đến và yêu cầu đồng ý kết bạn Zalo. Người yêu cầu kết bạn Zalo tên là Mi.



Chị N. rơi vào vòng xoáy nợ nần sau khi đăng nhập vào app vay tiền online "Tiền đã về". (Ảnh: độc giả cung cấp).

"Theo lời hướng dẫn của Mi, tôi click vào đường link http://www.tiencash.com để giải ngân. Ngày 28/3, sẽ có các app vào phê duyệt cho tôi vay bằng cách giải ngân. Vì lúc đó đang cần tiền gấp nên tôi đã bấm giải ngân mỗi app tầm 650.000 – 975.000 đồng trong thời hạn 7 ngày. Tôi bấm giải ngân khoảng hơn 10 app và tiền về tài khoản Techcombank như đăng ký ban đầu của tôi.

Sau 6 ngày, hàng loạt số điện thoại lạ gọi đến. Những số này chỉ gọi đến cho tôi, còn tôi gọi lại thì tắt máy và báo ngày trả khoản vay. Những số điện thoại này bắt tôi xác nhận kết bạn Zalo, mỗi số lấy một tên Zalo khác nhau như: Nhắc phí, Hướng dương, Đóng phí, Thu hồi nợ, Hoa sen, Khổng tước, Pizza…", chị N. thông tin trong đơn.

Đồng ý kết bạn Zalo, chị N. tá hoả khi nhận được bảng nợ từ những người này với lãi suất hơn 50%. Sau đó, có số điện thoại khác gọi đến cho biết là một app mới, thông báo chị được giải ngân và yêu cầu chị bấm để rút tiền về.

"Trong lúc loay hoay không sáng suốt, tôi lại vào bấm giải ngân để trả nợ cũ. Cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con, mỗi ngày lại tăng hạn mức từ 600.000 lên đến 10.000.000 đồng mỗi app. Đến bây giờ, con số tôi vay đã lên tận 200 triệu trong khi đó số tiền tôi nhận chỉ là 90 triệu đồng trong vòng 7 ngày. Cứ 10 triệu đồng, sau 7 ngày tôi lại phải giải ngân 2 - 3 app khác để trả 15 triệu đồng cho app đó. Tôi không còn khả năng để đứng vững nữa rồi", chị N. chia sẻ.

Theo chị N., kể từ ngày "dính" vào app vay tiền, cuộc sống của chị bị cuốn vào vòng xoáy app vay nặng lãi chỉ để trả số tiền vay của app khác. Mỗi ngày, chị nhận hàng chục cuộc gọi và tin nhắn của người lạ. Nếu không trả lời, đường dây này lập tức hù dọa sẽ báo cho người thân, bạn bè và đăng lên Facebook "bóc phốt".

Chị N. kể, không còn hù doạ, có lần chị đi công việc, để quên điện thoại ở nhà nên không nghe máy những "chủ nợ". Vài tiếng sau, thông tin vu khống chị làm giả dấu đỏ, chữ ký và lăng mạ vì không trả nợ số tiền 10 triệu đồng được đăng tải nhan nhản trên Facebook.

"Càng ngày càng nhiều số điện thoại lạ gọi tới hù dọa tôi một cách đáng sợ. Các cuộc gọi này buộc tôi lại phải lên app giải ngân tiếp để trả tiền cho app cũ. Tôi đắn đo không biết có nên báo cho công an hay không, vì tôi sợ lỡ công an không vào cuộc thì bên app sẽ gây áp lực cho tôi và gia đình.

Từ hôm vay tiền đến giờ, không một ngày nào tôi được yên cả. Tôi biết mình sai, nhưng thật sự là không biết phải làm như thế nào mới thoát ra được. Ngày nào cũng vay 3 app này trả cho 1 app kia... Tôi không dám ngủ, sợ đến ngày mai họ sẽ điện thoại. Tôi không giải ngân họ cũng điện thoại nói, mà chưa hết ngày trả họ cũng ép tôi trả trước 8h sáng hoặc trước 2h chiều. Tôi càng ngày bị rơi vào khủng hoảng nhiều lúc muốn tự vẫn...", chị N nói.

Đến hiện tại, do không đủ khả năng chi trả số lãi suất "cắt cổ", cuộc sống trở nên khốn cùng, chị N. đã gửi đơn tố cáo đến Phòng An ninh điều tra Công an TP.HCM, để lực lượng chức năng vào cuộc xử lý.

Cần trình báo công an ngay khi dính "bẫy"

Trả lời VTC News, luật sư Hà Hải - Văn phòng Luật sư Hà Hải và cộng sự - cho biết, trường hợp của chị N. cho thấy có các dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng. Theo đó, đối với lãi suất, mức lãi suất cao nhất của Bộ luật dân sự (BLDS) là 20%/năm. Tuy nhiên, chị N. vay tổng số tiền là 90 triệu đồng, nhưng thực tế phải trả là hơn 200 triệu đồng. Như vậy, lãi suất cho vay đã gấp nhiều lần mức lãi suất cao nhất của BLDS...

Vụ việc còn cho thấy có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vay. Cụ thể, các app này thường yêu cầu quyền truy cập vào danh bạ và hình ảnh của người vay. Sau đó, sử dụng những thông tin này để đe dọa, uy hiếp những người vay bằng cách gửi những hình ảnh cắt ghép xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người vay rồi gửi cho người thân, đối tác kinh doanh của họ.

"Không ít người vì bị đe doạ mà có ý định tìm đến cái chết. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS, tội đe dọa giết người theo Điều 133 BLHS. Ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì các chủ sở hữu các app còn phải chịu trách nhiệm dân sự đó là trả toàn bộ số tiền lãi đã nhận vượt quá quy định pháp luật cho bên vay tiền", luật sư Hà Hải cho hay.

Mới đây, Công an TP.HCM cũng đã có khuyến cáo người dân không vay tiền qua các app hoạt động trái phép trên không gian mạng.

Theo Công an TP.HCM, thời gian qua xuất phát từ nhu cầu thực tế và cần thiết của xã hội về hoạt động cho vay, một số doanh nghiệp được thành lập hoạt động cho vay ngang hàng và đăng ký giấy phép kinh doanh để hoạt động cho vay.

Một số đối tượng đã lợi dụng tình hình trên để tạo các ứng dụng hoạt động trái phép và sử dụng thủ đoạn quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội, website với nội dung cho vay lãi suất thấp, không gặp mặt, thủ tục cho vay nhanh gọn, giải ngân từ 30 đến 60 phút và nhiều tiện lợi khác.

Công an TP.HCM khuyến cáo người dân cảnh giác, không nên vay tiền qua các app hoạt động trái phép. Nếu có nhu cầu vay tiền thì người dân nên liên hệ các tổ chức tài chính được nhà nước cấp phép hoạt động. Khi phát hiện những app cho vay tiền với lãi suất cao, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để xử lý.

(Theo VTC)

Các tin khác
Tang vật tuyên truyền Pháp Luân Công trái phép mà Công an thành phố Yên Bái thu giữ.

Công an thành phố Yên Bái vừa phối hợp với Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Yên Bái bắt quả 2 đối tượng đang có hành vi tuyên truyền, tán phát tài liệu có liên quan đến Pháp Luân Công, thu giữ hàng trăm ấn phẩm, tài liệu, đồ vật có liên quan.

Ông Trần Hùng (trái) và Nguyễn Duy Hải

Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố ông Trần Hùng, Tổ trưởng tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Đối tượng Dương Quang Cường và chiếc xe ô tô vi phạm bị tạm giữ.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Văn Chấn ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Trộm cắp tài sản" với một đối tượng đột nhập vào nơi tạm giữ phương tiện lấy xe vi phạm rồi bỏ chạy.

Biên bản xử phạt 3 trường hợp không khai báo y tế.

Ngày 16/8, Công an xã, Trạm y tế xã Yên Thắng, huyện Lục Yên đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã ra quyết định xử phạt đối với 3 công dân vi phạm các quy địnhphòng, chống dịch Covid-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục