Mạng xã hội, đặc biệt là các ứng dụng Facebook và Youtube được hàng tỷ người trên thế giới và hàng chục triệu người Việt Nam sử dụng. Bên cạnh những mục đích lành mạnh, mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ thực hiện những hành vi xấu, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trong đó tung tin giả là rất phổ biến.
Trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động cố tình tạo dựng và phát tán tin giả nhằm mục đích kích động, bôi nhọ chế độ với những luận điệu hết sức bịa đặt và phản động. Đáng tiếc, những luận điệu ấy vẫn được không ít người dân nghe, xem rồi tin và cả làm theo vì sự hiếu kỳ, sự thiếu hiểu biết, đôi khi còn vì lý do... thấy nhiều bình luận hay thì cũng bình luận và chia sẻ theo.
Điều đó cho thấy, đa số người tham gia mạng xã hội chưa hiểu rõ về tác hại của tin giả và những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia mạng xã hội. Chỉ đến khi bị lực lượng chức năng gọi hỏi, ra quyết định xử phạt hành chính... thì họ mới nhận ra hành vi của mình là sai trái.
Thượng tá Nguyễn Thành Phương - Trưởng phòng Bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh cho biết: "Ra quyết định xử phạt chủ các tài khoản Facebook vì đã tung tin thất thiệt, đặc biệt là những tin tức về dịch bệnh trong thời gian qua, chúng tôi rất buồn khi nghe người vi phạm trình bày rằng, họ đưa tin thất thiệt để mong nhiều người theo dõi Facebook của mình. Đại đa số đều nghĩ rằng, mạng xã hội là ảo nên sẽ không bị lực lượng công an tìm ra”.
Thực tiễn này cho thấy, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội về nhận thức, trách nhiệm cho các cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội. Tập trung giáo dục cho người dân cách thức nhận biết tin giả, nâng cao nhận thức của người tiếp nhận thông tin, biết sàng lọc các nguồn thông tin để tiếp nhận và chia sẻ lại trên các mạng xã hội; đồng thời, tránh tung tin thất thiệt vi phạm quy định pháp luật phòng, chống tin giả. Giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng.
Cùng với đó là nhiều nghị định liên quan đến quy định xử lý các hành vi vi phạm về tin giả... Điều này góp phần tạo hành lang pháp lý trong quản lý, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tin giả. Tuy nhiên, một phần là công tác giáo dục, phổ biến pháp luật nói chung và Luật An ninh mạng cũng như các quy định xử lý các hành vi vi phạm có liên quan vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản, đạt kết quả tốt nên những hành vi vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt vài triệu đồng là chưa đủ sức răn đe, cần chỉ rõ mặt, rõ tên, rõ địa chỉ của người vi phạm, cần đưa ra xét xử những người tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận để làm gương cho những kẻ khác.
Trước vấn nạn tin giả, các cơ quan truyền thông, báo chí cũng cần thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình. Báo chí phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, có mặt đưa tin kịp thời, có những bài viết dự báo, phản ánh, phân tích sự kiện trúng, đúng nhằm định hướng dư luận.
Công an là lực lượng nòng cốt, chủ lực trên lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự nhưng mọi cấp, mọi ngành và mỗi người dân cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chấp hành chủ trương chính sách, pháp luật, trong đó có phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tung tin xấu độc, sai sự thật, thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội.
Mạng xã hội là ảo nhưng luôn song hành, tác động trở lại cuộc sống đời thực. Mạng xã hội có lành mạnh sẽ góp phần xây dựng đời sống xã hội trong lành. Hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội (dù là ảo) nhưng sẽ bị phát hiện và xử phạt thật.
Tấn Đạt