Hình thức khám bệnh từ xa ngày càng trở nên phổ biến hơn khiến các đối tượng lừa đảo đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), khám bệnh từ xa là giải pháp sử dụng nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông để giúp kết nối các cơ sở y tế với người bệnh nhằm mục đích chẩn đoán, tư vấn giải đáp thắc mắc, xử lý các tình huống khẩn cấp...
Tuy nhiên, nhiều kẻ lừa đảo đã sử dụng công nghệ AI để giả mạo giọng nói của các bác sĩ, các đơn vị bệnh viện nhằm chiếm đoạt tài sản của bệnh nhân.
Cụ thể, với sự trợ giúp của AI, chỉ cần sở hữu một đoạn băng, đoạn video có người nói bất kỳ, người khác có thể dễ dàng mô phỏng lại giọng nói của người đó và tạo ra các đoạn hội thoại với nội dung tùy ý. Sau đó, các đối tượng sẽ liên hệ với nạn nhân thông qua điện thoại hoặc để lại lời nhắn thoại qua: Email, tin nhắn Facebook... dụ dỗ nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân.
Tại một số nước trên thế giới như Mỹ, hình thức lừa đảo này cũng đang "nở rộ". Ông Scott MacLean - giám đốc thông tin của tổ chức y tế MedStar Health (Hoa Kỳ) mới đây đã nhấn mạnh vào sự gia tăng của hình thức lừa đảo qua giọng nói AI.
Ông cảnh báo rằng với sự phát triển vượt bậc cũng như sự tiếp cận dễ dàng đối với trí tuệ nhân tạo, việc đề cao cảnh giác khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng là vô cùng cần thiết.
Dựa vào một báo cáo hồi tháng 2/2024, MacLean đã chỉ ra rằng cùng với các vụ lừa đảo qua thư điện tử, những vụ lừa đảo bằng giọng nói AI đã tăng gấp 12 lần kể từ thời điểm ChatGPT ra đời.
Đây là thống kê đáng báo động. Các chuyên gia cũng như các tổ chức y tế cần phải nhận thức được vấn đề cũng như tìm ra phương hướng giải quyết nhằm giảm thiểu những rủi ro mà lừa đảo trực tuyến đem lại.
Trước tình trạng lừa đảo trực tuyến đang leo thang, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nâng cao khả năng bảo mật đồng thời phòng tránh những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng các phương pháp:
Xác định danh tính của người gọi: Phải nắm được danh tính của người gọi trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân nào. Dựa vào những thông tin mà người gọi cung cấp, người dân nên chủ động gọi đến các tổ chức uy tín để xác minh.
Sử dụng hệ thống bảo mật nhiều lớp: Hiện nay, tài khoản thuộc các nền tảng như Email, Yahoo, Facebook... đều yêu cầu thực hiện xác minh chính chủ bằng nhiều hình thức bảo mật như số điện thoại, vân tay, mã pin... Hãy đảm bảo tài khoản của bạn đáp ứng đủ các lớp bảo mật trên nhằm hạn chế tối đa việc bị xâm nhập bởi tin tặc.
Người dùng cũng cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân qua các hình thức trực tuyến như thông tin về địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân... cho những cuộc gọi, đoạn chat lạ. Nếu bắt buộc phải cung cấp, người dân nên trực tiếp đến các tổ chức, cơ quan để thực hiện các thủ tục.
Đồng thời, chủ động thu âm các cuộc gọi và tin nhắn thoại lạ: Việc ghi lại những cuộc gọi và tin nhắn thoại sẽ giúp ích cho quá trình điều tra và truy vết đối tượng trong trường hợp người dân bị lừa đảo;
Thường xuyên cập nhật các tin tức về các hành vi lừa đảo trực tuyến: Theo dõi các thông tin và xu hướng lừa đảo trực tuyến hiện nay qua các kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia để đề phòng cũng như biết cách xử lý khi gặp phải đối tượng lừa đảo.
(Theo VTV)