Ngày 17/7, Tòa án Quân sự Trung ương xét xử phúc thẩm Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á trong vụ án tại Học viện Quân y và 6 bị cáo có kháng cáo.
Trước đó ở phiên sơ thẩm, Phan Quốc Việt bị tuyên án 15 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và 10 năm tù cho hành vi vi phạm đấu thầu, tổng hợp hình phạt là 25 năm tù.
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ nhận 15 năm tù; Hồ Anh Sơn, Thượng tá, cựu Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y, 12 năm tù.
4 người khác bị tòa xác định đã phạm tội "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", gồm Nguyễn Văn Hiệu, đại tá, cựu Trưởng phòng Trang bị Vật tư, 7 năm tù; Ngô Anh Tuấn, thiếu tá, Trưởng phòng Tài chính, 4 năm tù; Lê Trường Minh, thiếu tá, cựu Trưởng ban Hóa dược, 6 năm tù; Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, 6 năm tù.
Sau đó, các bị cáo trong vụ án kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; bị đơn dân sự là Công ty Việt Á kháng cáo xin xem xét lại phần trách nhiệm dân sự. Tòa án cũng triệu tập bà Hồ Thị Thanh Thủy - vợ bị cáo Việt, đến tham dự với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo hồ sơ vụ án, đầu tháng 2/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ có quyết định thành lập hội đồng, tổ thẩm định kinh phí và giao Học viện Quân y chủ trì; Hồ Anh Sơn là chủ nhiệm đề tài, với kinh phí 18,9 tỉ đồng, thực hiện trong 18 tháng. Sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ giao đề tài, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã nghiên cứu để tối ưu hóa.
Mặc dù Học viện Quân y chủ trì đề tài, nhưng chính Phan Quốc Việt đã chỉ đạo vợ là Hồ Thị Thanh Thủy mang bộ kit xét nghiệm Covid-19 do Thủy nghiên cứu ra Hà Nội để đánh giá chất lượng. Bộ kit xét nghiệm này được Thủy nghiên cứu, tối ưu từ các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ và một số nước khác, xây dựng quy trình sản xuất kit sử dụng gen đích để phát hiện ra virus.
Bộ kit xét nghiệm do Thủy nghiên cứu không thuộc về quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y, nhưng vẫn được đánh giá là chất lượng đạt.
Phan Quốc Việt chỉ đạo cấp dưới xây dựng biên bản có nội dung "Học viện Quân y đồng ý để Việt Á toàn quyền sử dụng sản phẩm của đề tài để đăng ký lưu hành và đăng ký cấp chứng nhận lưu hành…”.
Biên bản này sau đó được chuyển tới Bộ Y tế để đưa vào hồ sơ xin cấp phép và được cấp phép lưu hành. Cáo trạng xác định, sai phạm này của các bị can gây thiệt hại gần 18,5 tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho Việt Á sản xuất, mua bán với các đơn vị y tế tại nhiều địa phương.
Quá trình Học viện Quân y tổ chức các trung tâm xét nghiệm dã chiến tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang và TP.HCM, các bị cáo Nguyễn Văn Hiệu, Lê Trường Minh và Ngô Anh Tuấn đã thông qua Hồ Anh Sơn, liên hệ nhờ Việt Á ứng kit xét nghiệm để cấp phát cho các tổ xét nghiệm.
Khi thanh toán tiền cho số kit ứng trước của Công ty Việt Á, cơ quan tố tụng cáo buộc Hiệu, Tuấn, Minh làm hồ sơ hợp thức chỉ định thầu, nâng giá để chia chác.
Sau khi được Học viện Quân y thanh toán 41,7 tỷ đồng tiền kit xét nghiệm, Việt Á "lại quả" cho ông Hồ Anh Sơn 2,5 tỷ đồng, cho ông Nguyễn Văn Hiệu 3,56 tỷ đồng và ông Ngô Anh Tuấn 1,37 tỷ đồng.
(Theo VOV)