Vụ rút ruột công trình xây dựng Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ: Đề nghị truy tố nguyên 10 cán bộ
- Cập nhật: Thứ năm, 16/10/2008 | 12:00:00 AM
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa hoàn thành điều tra vụ án rút ruột công trình xây dựng Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ và có đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố 10 đối tượng. 10 đối tượng này bị đề nghị truy tố về các tội danh: cố ý làm trái, tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn, đưa và nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
|
Các đối tượng bị đề bị truy tố gồm: Ông Lương Phượng Các, Phó giám đốc sở VHTT tỉnh Lai Châu (cũ); Ông Lê Văn Viễn, nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ; Ông Trần Quốc Hưng, nguyên kế toán Ban quản lý Dự án; Ông Nguyễn Văn Chính, nguyên cán bộ giám sát Ban quản lý Dự án; Bà Võ Thị Hồng, nguyên GĐ Công ty Mỹ thuật Trung ương (MTTW); Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết; Ông Lê Huyên, Phó giáo sư - tiến sĩ, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; Ông Nguyễn Đức Sứng, phó giáo sư - tiến sỹ, nguyên Trưởng khoa đào tạo Dáng - Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; Ông Phạm Hoàng Be, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (cũ); Ông Nguyễn Trung Kiên, nguyên cán bộ giám sát Ban quản lý Dự án.
Bên cạnh 10 đối tượng trên, Cơ quan điều tra cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý hành chính đối với hơn 20 cán bộ có liên quan.
Theo kết luận điều tra của cơ quan công an, trong quá trình thực hiện Dự án này, một số cán bộ ngành VHTT, UBND tỉnh Lai Châu (cũ), Ban quản lý Dự án và Công ty MTTW đã không làm hết trách nhiệm được giao, cố ý làm trái các quy định của pháp luật, lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng nhiều thủ đoạn gian dối rút ruột công trình để tham ô, đưa và nhận hối lộ.
Những sai phạm trên đã dẫn tới hậu quả là ngay sau khi Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ hoàn thành vào tháng 5/2004, thì đến tháng 7/2004, toàn bộ nhóm tượng đài đúc bằng đồng đã hoen ố, gỉ sét, nứt rỗ không thể khắc phục được. Sân hành lễ bị sụt lún, kè đá bị đổ vỡ phải làm lại.
Trong quá trình thi công Ban quản lý Dự án đã không thuê đơn vị tư vấn, giám sát. Sau khi tượng đài xây xong, ông Lương Phượng Các đã chỉ đạo ông Lê Văn Viễn và ông Trần Quốc Hưng tìm đơn vị có tư cách pháp nhân để lập và ký khống hồ sơ tư vấn giám sát thi công phần mỹ thuật. Ông Trần Quốc Hưng đã cùng các ông Sứng, ông Huyên bàn bạc và thoả thuận việc ký khống. Sau khi nhận từ ông Trần Quốc Hưng 162 triệu đồng, ông Sứng đã giao lại cho ông Trần Quốc Hưng toàn bộ hồ sơ tư vấn giám sát khống phần thi công mỹ thuật để làm thủ tục thanh toán với tỉnh. Ở hợp đồng này Ban quản lý Dự án đã thanh toán 242 triệu đồng và giữ lại 5%.
Cũng trong khi xây dựng Tượng đài, bà Võ Thị Hồng đã chi từ 5 - 10% giá trị công trình theo yêu cầu của ông Lương Phượng Các và nhiều lần đưa tiền cho ông Các. Theo bà Hồng, từ năm 2003 đến năm 2005, Bà đã đưa cho ông Các khoảng 900 triệu đồng, nhưng ông Các khai chỉ nhận được 500 triệu đồng.
Về phần ông Phạm Hoàng Be đã khai nhận được ông Các biếu 55 triệu đồng, ông Viễn biếu 10 triệu đồng, bà Hồng biếu 70 triệu đồng. Ông Be đã ký các quyết định phê duyệt, báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định phê duyệt tổng dự toán mà không kiểm tra, kiểm soát dẫn đến tình trạng cán bộ Ban quản lý Dự án tham ô, nhận hối lộ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước và công trình trọng điểm Quốc gia.
Theo kết luận sản phẩm Tượng đúc phần mỹ thuật là sản phẩm kém chất lượng. Nếu các cấp có thẩm quyền huỷ bỏ tượng cũ và phải xây dựng tượng đài mới thì giá trị thiệt hại là toàn bộ giá trị đúc Tượng. Trong toàn bộ vụ án này, Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền của hành vi tham ô tài sản là 242 triệu đồng, cố ý làm trái là hơn 10,9 tỷ đồng, đưa và nhân hối lộ là 500 triệu đồng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại 9,1 tỷ đồng. Như vậy, tổng tiền liên quan từ những tội danh trên là trên 20,7 tỷ đồng.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Sáng 15/10, phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử 4 bị cáo nguyên là cán bộ cảnh sát điều tra và nguyên là phóng viên báo chí vi phạm pháp luật liên quan đến vụ án PMU18 tiếp tục diễn ra phần tranh luận.
YBĐT - Sau nhiều ngày phục bắt, đêm 14.10.2008, Công an huyện Yên Bình phối hợp với Trung tâm Viễn Thông huyện cùng lực lượng Công an thị trấn, nhân dân tổ dân phố số 7 đã phục bắt thủ phạm cùng ổ nhóm cắt đường dây thông tin liên lạc khu vực thị trấn Yên Bình và xã Phú Thịnh, Thịnh Hưng.
Lực lương trinh sát công an huyện Bến Lức (Long An) bất ngờ ập vào nhà tên Hiếu (trú tại ấp 4, xã Lương Bình, huyện Bến Lức) và bắt quả tang các con bạc đang tổ chức ghi và nhận số đề.
Ngày 14/10, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 4 bị cáo nguyên là cán bộ cảnh sát điều tra và nguyên là phóng viên báo chí vi phạm pháp luật liên quan đến vụ án PMU18.