Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, khán giả truyền hình và người hâm mộ tại Việt Nam không được theo dõi trực tiếp chương trình tranh tài tại một sự kiện thể thao lớn. Tình hình kinh tế xã hội phát triển, điều kiện thưởng thức nhiều hoạt động giải trí, văn hóa, phim ảnh, thể thao quốc tế ngày càng nhiều nên vì thế, việc không thể theo dõi các tuyển thủ Việt Nam thi đấu hay lực lượng thể thao hàng đầu châu lục tranh tài tại sự kiện tầm cỡ như ASIAD 19 là điều vô cùng đáng tiếc đối với người dân Việt Nam.
Râm ran từ nhiều tháng qua là câu chuyện về bản quyền truyền hình ASIAD 19 bị "hét giá" quá cao khiến nhiều nhà đài trong nước e ngại. Mọi sự chờ đợi, nghe ngóng của người hâm mộ đến thời điểm này có thể nói đã trở thành hiện thực phũ phàng. Đến 11 giờ ngày 19-9, không có bất cứ đài truyền hình hoặc đơn vị truyền thông nào tại Việt Nam công bố việc nắm giữ bản quyền truyền hình và khán giả Việt Nam sẽ lần đầu tiên "bị bỏ rơi" trên phương diện nghe nhìn.
Tại ASIAD 18 diễn ra tại Indonesia năm 2018, không có "nhà đài" Việt Nam nào mua được bản quyền truyền hình dù giá được mời chào khi ấy là 1,5 triệu USD (khoảng 36 tỉ đồng). Phải đến khi đội Olympic Việt Nam bất ngờ vượt qua vòng bảng và giành quyền đi tiếp vào tứ kết, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với sự hỗ trợ của vài doanh nghiệp đối tác mới đứng ra mua thành công bản quyền truyền hình, đưa phần còn lại của sự kiện thể thao hàng đầu châu lục đến với khán giả Việt Nam.
Liệu "phép màu" có xảy ra như 5 năm trước với một nhà đài mạnh dạn đứng ra "giải cứu" người hâm mộ vào phút chót? Khả năng này không phải không thể xảy ra nếu có sự tác động mạnh mẽ từ nhiều phía như từng có tiền lệ, thế nhưng với bài toán kinh tế có giá lên đến 7 - 7,5 triệu USD (đã giảm 50% so với giá mời chào ban đầu theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy), chắc chắn đơn vị truyền hình, truyền thông nào cũng phải tính đến việc "thu hồi vốn" từ bán quảng cáo.
Tại ASIAD 2018, việc mua bản quyền muộn của VOV được "hồi đáp" khá ổn bằng việc đội Olympic Việt Nam vào đến bán kết thì cơ hội này khó lặp lại với đội bóng U23 dưới quyền HLV Hoàng Anh Tuấn tại Hàng Châu năm nay.
Vượt qua vòng bảng không phải mục tiêu nằm ngoài tầm tay, thế nhưng để đi sâu vào giải cũng như đối đầu sòng phẳng với các đối thủ mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên hay Uzbekistan lại không do Olympic Việt Nam tự quyết định.
Tuyển nữ Việt Nam cũng trong tình cảnh tương tự và khả năng dừng bước sớm từ tứ kết như Olympic Việt Nam khá cao. Vậy bỏ ra khoản tiền lớn để mua bản quyền chỉ giúp người hâm mộ xem được vài trận của Olympic Việt Nam và tuyển nữ Việt Nam chẳng phải là sự mạo hiểm với "nhà đài" khi nguồn thu khó bù lại mức chi "khủng" như đã đề cập?
ASIAD, hẳn nhiên không chỉ có bóng đá. Tuy vậy, cơ hội đoạt huy chương, nhất là huy chương vàng từ 30 môn thể thao còn lại của Việt Nam không hề cao, chỉ tiêu được đưa ra từ 2-5 HCV! Trong khi đó, công chúng Việt Nam lại khá "kén chọn" việc theo dõi các môn thể thao thành tích cao khác. Môn nổi bật của thể thao Việt Nam thường ít khán giả, còn các môn có lượng người theo dõi nhiều thì khả năng tranh chấp huy chương châu lục vô cùng thấp!
Dùng cụm từ "nguy cơ" để ám chỉ việc không được xem ASIAD của người hâm mộ xem ra chỉ là cách thể hiện của giới truyền thông, bởi một bộ phận khán giả rất biết cách để theo dõi nếu muốn, thông qua các kênh phát sóng lậu, tức bản quyền truyền hình bất hợp pháp. Những ngày qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đích danh kênh truyền hình "lậu" có nhiều vi phạm nhưng xem ra khó ngăn người hâm mộ tìm đến để thỏa mãn nhu cầu nếu các nhà đài chính thống ở Việt Nam không mua nổi bản quyền ASIAD.
(Theo NLĐO)