Hành tinh của người Nga

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/6/2008 | 12:00:00 AM

Nếu không coi thứ bóng đá mà người Nga trình diễn trước Hà Lan là thứ bóng đá ngoài hành tinh, thì chắc hẳn hành tinh này là của người Nga. Hồn nhiên mà khoa học. Nhiệt huyết mà lạnh lùng. Tốc độ mà điềm tĩnh. Họ chơi bóng như thể không cần quan tâm đối phó với cơn lốc, mà như muốn “nắn dòng” để cho cơn lốc cuốn bay đối phương.

Tổng lực kiểu Nga

Tấn công mỗi khi có bóng. Tấn công với tốc độ chóng mặt. Và tấn công với mọi cầu thủ. 11 cầu thủ Nga trên sân thì chỉ có thủ môn và trung vệ Ighnasevic không trực tiếp uy hiếp khung thành đối phương, 9 cầu thủ còn lại đều sẵn sàng dâng lên và đều sẵn sàng sút bóng. Đó mới là bóng đá tổng lực theo phong cách Hà Lan.

Nhưng mà người Hà Lan thời hoàng kim của bóng đá tổng lực không tấn công nhanh được như thế. Còn người Hà Lan ở EURO 2008 có thể chơi nhanh hơn thế, nhưng chỉ trong những đường phản công. Còn Nga làm sống dậy thứ bóng đá tấn công tốc độ dựa trên khả năng phối hợp nhóm, với những đường chuyền cự ly ngắn và trung bình, từng khiến Pele phải thốt lên hồi đầu thập kỷ 80: họ chơi bóng nhanh như điện!

Trước hàng thủ của Hà Lan trứ danh qua vòng đấu loại lẫn vòng bảng, các cầu thủ Nga vẫn chơi như thể đang chơi với một hàng thủ tuyến huyện (Hiddink từng chỉ trích học trò phòng ngự như ở cấp huyện trước Tây Ban Nha!), và thực sự họ đã biến hàng thủ ấy xuống hàng cấp huyện. Họ xuống biên, họ xâm nhập vào vòng cấm của Hà Lan dễ như ăn kẹo.

Có tới cả chục cơ hội được đội tuyển Nga tạo ra trong 90 phút chính thức, và cũng tới hơn nửa tá cơ hội trong 30 phút hiệp phụ. Họ thực hiện tới 24 cú sút, với 11 cú sút trúng đích, trong khi của Hà Lan tuy có 23 cú sút nhưng chỉ với 5 cú sút trúng đích. Trên thực tế, các cầu thủ Nga coi việc sút bóng là cách để kết thúc một pha tấn công được dàn xếp tốt. Còn Hà Lan đã sử dụng việc sút bóng như là lối thoát khỏi bế tắc trong việc tìm đường vào cầu môn đối phương. Một thống kê nữa: Nga giành được 11 quả phạt góc, còn Hà Lan chỉ có 4.

Phòng ngự kiểu Hiddink

Các hậu vệ, nhất là trung vệ Nga vẫn vậy: có những kỹ năng yếu kém giống như những cầu thủ cấp huyện. Như khi Kolodin chuyền bóng cho… Van der Vaart trước vòng cấm thoải mái sút bóng (phút 43), một hậu vệ khác không dứt khoát để Sneijder sút trước vòng cấm (19’), hay bị Van Nistelrooy dễ dàng che người vượt qua rồi sút góc hẹp (37’).

Các cầu thủ Nga cũng rất bối rối trong việc kèm người trước các tình huống đá phạt kiểu “lững lờ” của Hà Lan. Họ bị động khi theo kèm đối phương, như khi Van Nistelrooy để Ighnasevic “hít khói” trong bàn gỡ hòa 1-1, và còn 3 lần khác các hậu vệ Nga hít khói các cầu thủ Hà Lan trong các pha tổ chức đá phạt, nhưng không chạm được bóng đang đi lướt trước mặt khung thành.

Nhưng nhìn tổng thể, Nga đã tổ chức phòng ngự cực tốt, và đó chắc chắn là dấu ấn của Hiddink. Hà Lan đã chơi phản công theo cách không cưỡng lại được ở vòng bảng, đặc biệt là trước 2 đại gia Pháp, Italia. Nhưng Nga của Hiddink đã dập tắt ý đồ đó ngay từ trong trứng nước. Các cầu thủ Nga cũng không dâng lên quá cao để tranh cướp bóng khi người Hà Lan đã nhiều lần chuyền bóng ở sân nhà để nhử họ lên, hòng tạo khoảng trống để Hà Lan đột kích.

Thủ môn Van der Sar vốn là cầu thủ phát động phản công nguy hiểm nhất của Hà Lan, nhưng trước Nga, anh đã không tìm thấy khoảng trống để làm điều đó, vì các cầu thủ Nga đã phong toả triệt để mọi hướng phản công, ngay sau khi Nga mất bóng. Những pha tạt bóng từ hai cánh vốn là vũ khí cực kỳ lợi hại của Hà Lan, nhưng Nga đã không cho họ làm điều đó, thậm chí là tạt từ lưng chừng sân. Cũng không có khoảng trống cho Van der Vaart, Kuyt, hay Van Persie mở tốc độ. Van Bronckhorst thậm chí còn không dám dâng lên. Họ chỉ chừa chút khoảng trống cho Boulahrouz dâng lên, nhưng anh chàng hậu vệ chỉ biết phòng ngự này không biết làm gì với bóng, vì khoảng trống cũng không nhiều.

Những khoảng trống ít ỏi mà Boulahrouz có được hoá ra lại là quả lừa ngoạn mục của Hiddink. Van Basten vì muốn tăng áp lực trở lại đã thay cầu thủ này bằng một hậu vệ phải có khả năng tấn công tốt hơn là Heitinga, nhưng cũng kể từ đó Nga tấn công ở cánh này như chỗ không người. Chỉ 2 phút sau khi Boulahrouz rời sân, Heitinga đã không chặn được cú tạt bóng của Semak, dẫn tới bàn thắng của Pavlyuchenko. Hết Zhirkov rồi Arshavin thay nhau tàn phá cánh này kể từ khi không còn Boulahrouz.

“Đoạn kết” kiểu Pavlyuchenko, Arshavin

Thật ra Nga và Liên Xô cũ có truyền thống phối hợp tốt trước vòng cấm địa của đối phương, nhưng họ thiếu hẳn những sát thủ máu lạnh có kỹ năng dứt điểm tốt, hay những cầu thủ dám đột phá cá nhân để tạo bất ngờ cho đối phương. Pavlyuchenko và Arshavin đã bổ sung hoàn hảo cho điều đó, và càng nguy hiểm khi họ là tiền đạo.

Pavlyuchenko đã mở tỷ số theo cách mà rất ít tiền đạo Nga biết làm, và sự hiện diện của anh trước vòng cấm luôn khiến hàng thủ Hà Lan bất an. Còn Arshavin thì làm đảo điên những hậu vệ xoay trở chậm của đối phương, có những đường chuyền chết chóc, và có thể tự mình tạo cơ hội để dứt điểm. Van Basten: “Chúng tôi vấp phải rất nhiều vấn đề từ Pavlyuchenko và Arshavin. Chính họ là nguyên nhân khiến chúng tôi không thể đi tiếp”.

Hãy tự an ủi mình đi, Van Basten. Vì nếu người Nga chơi theo cách như họ đã làm trước Hà Lan, đơn giản là không đối thủ nào có thể đi tiếp. Vấn đề còn lại là chữ “nếu” đó thôi.
 
(Theo Bóng đá 24h)

Các tin khác

Thay vì mặc áo đồng phục, các nữ cầu thủ thi đấu quyết định sử dụng hình thức vẽ lên mình trang phục của Đức và Áo nhằm cổ động các cầu thủ đang căng sức tại EURO 2008.

Trận tứ kết cuối cùng diễn ra trong thế giằng co trong 120 phút của hai hiệp chính và hai hiệp phụ để cuối cùng hai đội phải giải quyết thắng thua trên chấm luân lưu 11m. Và đội Tây Ban Nha nhờ có ý chí vững vàng và bản lĩnh tốt hơn với người hùng Casillas đẩy được hai cú sút 11m của đối phương đã giành chiến thắng đầy kịch tính để đoạt tấm vé vào bán kết.

Pha gỡ hòa 1-1 của Van Nistelrooy ở phút 89. Ảnh: Reuters

Thi đấu đầy tự tin và hứng khởi, "những chú gấu" Nga đã làm nên bất ngờ lớn nhất EURO 2008 vào đêm 21/6 khi đánh bại Hà Lan với tỉ số kinh ngạc 3-1 để bay cao với chiếc vé bán kết.

Hà Lan là quê hương sản sinh ra lối chơi tấn công tổng lực nhưng ĐT Nga dưới thời của HLV Guus Hiddink cũng đang trình diễn một lối chơi tấn công đầy quyến rũ . Chính vì vậy, cuộc đối đầu giữa hai đội đêm nay, hứa hẹn sẽ là bữa tiệc của thứ bóng đá đẹp và cống hiến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục