Điện Trường Bà được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/5/2014 | 2:09:27 PM

Sáng 14-5, tại thị trấn Trà Xuân, UBND huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức Lễ hội Điện Trường Bà năm 2014 và đón nhận Bằng Di tích lịch sử Quốc gia Điện Trường Bà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng vào ngày 9-5-2014.

Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đại diện các sở ngành của tỉnh Quảng Ngãi và hàng nghìn người dân trong huyện về dự lễ hội.

Điện Trường Bà tọa lạc tại thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, nằm bên trục lộ Trà Bồng - Tây Trà cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 52 km về phía tây bắc.

Sách Đại Nam nhất thống chí, tập 2 của Quốc sử quán triều Nguyễn có đề cập đến Điện Trường Bà, đặc biệt là về đối tượng thờ phụng: Thánh mẫu Thiên Y-A-Na, Mẫu thần Thái Dương Công chúa, thần Kha Hổ, Quốc công Bùi Tá Hán, Mai Đình Dõng… và Điện Trường Bà được xếp vào một trong tổng số 17 đền miếu tiêu biểu nhất tỉnh Quảng Ngãi.

Điện Trường Bà là một di tích lịch sử độc đáo, với sự tích hợp văn hóa giữa các dân tộc Việt-Cor-Chămpa - là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân dịa phương, là biểu tượng sinh động của truyền thống đại đoàn kết các dân tộc anh em đang sinh sống trên mảnh đất Quảng Ngãi. Các nghi thức tế tự nhằm biểu hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với Thánh mẫu Thiên Y-A-Na, đồng thời cũng thể hiện ước mơ, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc cầu mong được Bà giúp đỡ.

Thời điểm tế tự ở Điện Trường Bà được tổ chức thành hai lệ: lệ chính và lệ thường. Lệ chính diễn ra hai lần trong năm, vào lúc mùa màng nhàn hạ, mà dân làng Trà Xuân thường gọi là “Xuân Thu Nhị Lệ”: Lệ xuân ngày 15, 16 tháng 4 và Lệ thu ngày 15, 16 tháng 9 âm lịch, trong đó Lệ xuân được tổ chức quy mô, long trọng và được xem là chánh lễ của Điện Trường Bà; Lệ thường là vào dịp Khai hạ ngày 7 tháng Giêng và Lệ Khép ấn vào ngày 25 tháng Chạp. Ngoài ra, các ngày rằm và mồng một nhân dân thường mang hương, hoa, bánh trái đến cúng Bà.

Lễ hội Điện Trường Bà năm 2014, huyện Trà Bồng tổ chức chu đáo với các lễ hội Hoa đăng, lễ rước sắc, lễ mộc dục (tắm tượng), lễ tế ngoại đàn/lễ nhập yết, lễ hiến tế (lễ ăn trâu của người Cor), lễ tế chính điện (chánh tế) và lễ rước Bà ra khai hội. Lễ hội Điện Trường Bà còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: múa lân, diễn tuồng hát bộ, bài chòi, võ thuật, cồng chiêng các dân tộc, thi người đẹp hương quế Trà Bồng, thi đấu bóng chuyền, kéo co và thi ẩm thực...

Lễ hội Điện Trường Bà là một lễ hội đặc biệt bởi ở chỗ được cư dân các dân tộc Cor, dân tộc Kinh cùng thờ phụng trang nghiêm, tổ chức, tham gia lễ hội. Đây là điểm đặc biệt quan trọng thể hiện rõ sự giao thoa văn hóa đậm nét giữa người Kinh và người Thượng mà ở đây là người Cor. Ngoài ra, còn có người Chămpa ở các nơi khác trên toàn quốc cùng về đây tề tựu dâng hương, lễ vật và tham gia lễ hội tưởng nhớ công đức rất trang trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: “Lễ hội Điện Trường Bà là một lễ hội tích hợp những hình thức văn hóa từ đa nguồn, là văn hóa Việt, văn hóa Chămpa, văn hóa các dân tộc thiểu số, mà ở đây là văn hóa của người Cor, trong đó văn hóa Việt là cốt lõi. Lễ hội Điện Trường Bà đã thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo nên sự cố kết cộng đồng các dân tộc, có giá trị nâng cao nhận thức về giáo dục, đạo đức và thẩm mỹ đối với các tầng lớp nhân dân đang sinh sống ở vùng đất Trà Bồng”.

(Theo NDĐT)

Các tin khác
Áp phích Liên hoan phim Cannes lần thứ 67.

Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 67 có 18 phim tham gia tranh giải Cành cọ Vàng và 20 bộ phim sẽ được trình chiếu.

Phía sau những làng bản của người Thái ở Trạm Tấu, rừng già vẫn xanh tươi.

YBĐT - Các dân tộc sống ở vùng rừng núi từ xa xưa đã quan niệm sống chết nhờ rừng. Đúng vậy, từ thuở tổ tiên ta còn sống theo lối săn bắt, hái lượm thì tất cả mọi thứ đều nhờ ở rừng. Khi con người từng bước chế ngự và làm chủ thiên nhiên thì rừng vẫn cho con người bao sản vật và nguồn nước để sinh hoạt, trồng cấy, chăn nuôi. Đến khi con người giã từ cuộc sống thì rừng lại là nơi ký thác thân xác và hồn vía.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định xếp hạng 2 di tích quốc gia tại tỉnh Quảng Ngãi và Nghệ An.

Ca khúc

Nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Hùng đã sáng tác ca khúc này trong bối cảnh cả nước cùng hướng về những người lính Biển Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục