Nhóm đá chạm khắc ở Mù Cang Chải qua tìm hiểu và nghiên cứu
- Cập nhật: Thứ tư, 5/10/2016 | 1:45:02 PM
YBĐT - Năm 2015, nhận được thông tin từ địa phương về việc phát hiện những tảng đá có các “bản vẽ” ở xã Lao Chải (Mù Cang Chải), Bảo tàng tỉnh Yên Bái phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh có chuyến khảo sát, điều tra đã xác định đó chính là những tảng đá khắc của con người. Tháng 6/ 2016, hai tổ chức này lại tiếp tục khảo sát để xác định thêm những thông tin mới.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái nghiên cứu các hình khắc trên phiến đá cổ ở Lao Chải (Mù Cang Chải) tháng 7/2016.
|
Những phiến đá có chạm khắc ở Lao Chải là những tảng đá gốc, có bề mặt không bằng phẳng giống hệt như chất liệu đá ở bãi khắc đá Sa Pa (Lào Cai). Đây là những tảng đá lăn từ trên đỉnh núi xuống do quá trình chấn động của vỏ trái đất từ xa xưa, nằm rải rác trên các sườn núi, trong khu vực ruộng bậc thang hoặc trong các nương ngô của đồng bào Mông. Người xưa đã chạm khắc trên bề mặt tự nhiên của phiến đá mà không cần tu sửa.
Những hình được chạm khắc ở đây phản ánh điều gì? Xét về chất liệu đá, hình được khắc họa và cảnh quan ở đây ta thấy chúng có cùng đặc điểm với bãi khắc đá Sa Pa. Cho đến nay, những đánh giá về giá trị, niên đại của bãi khắc đá Sa Pa vẫn chưa có sự thống nhất, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, theo chúng tôi bản khắc các đường song song uốn lượn có lẽ là sự mô phỏng của hệ thống ruộng bậc thang mà cư dân ở đây đã sáng tạo ra. Còn phiến đá duy nhất có khắc các ô tứ giác, các đường ngang dọc cắt nối nhau thì phức tạp hơn, cảnh quan xung quanh phiến đá là một sườn núi dốc, có đồng bào Mông ở, xung quanh là ruộng bậc thang, địa hình không bằng phẳng, trong khi đó bản khắc ở đây dường như lại mô phỏng các thửa ruộng (?), các đường đi ngang dọc như ô bàn cờ, các ô trũng hình vuông và hình tròn nhỏ… giống với cảnh quan một vùng bằng phẳng hơn là vùng núi dốc như ở đây. Bản khắc như là một loại sơ đồ, song đó là sơ đồ gì thì chúng tôi chưa biết được.
Chủ nhân của những tác phẩm khắc trên đá này là ai? Như đã nói trên, đa phần các bản khắc trên đá ở đây là mô phỏng cảnh quan ruộng bậc thang, mà chủ nhân của ruộng bậc thang Lao Chải là đồng bào Mông, vì vậy chúng tôi cho rằng chủ nhân của các bản khắc đá đó là người Mông. Nếu nhận định của chúng tôi là đúng thì những bản khắc đá này ra đời sau khi đã có hệ thống ruộng bậc thang ở đây.
Bãi khắc đá Lao Chải (Mù Cang Chải) có mối liên hệ gì với bãi khắc đá Sa Pa? Sa Pa là huyện phía Tây của tỉnh Lào Cai, Mù Cang Chải là huyện phía Tây Bắc của tỉnh Yên Bái. Bãi khắc đá Sa Pa tập trung chủ yếu ở hai xã Tả Van và Lao Chải; từ đó xuống Lao Chải của Mù Cang Chải theo đường Văn Bàn hoặc Than Uyên không xa, khoảng 50 km đường chim bay, đường bộ khoảng 100 km. Một chi tiết rất đáng chú ý là hai xã ở hai huyện này có tên trùng nhau và cùng nằm trong vùng có bãi khắc đá, đó là Lao Chải của Sa Pa và Lao Chải của Mù Cang Chải, hai vùng này cũng có hệ thống ruộng bậc thang. Chỉ khác là người Mông ở Lao Chải, Tả Van không còn chiếm tuyệt đối, còn người Mông ở Lao Chải (Mù Cang Chải) lại có tỷ lệ tới 100%. Từ đó, chúng tôi cho rằng chính người Mông của Lao Chải (Sa Pa) đã di cư xuống Mù Cang Chải và họ đã lấy tên miền đất cũ của mình đặt cho miền đất mới mà họ đến, đó là Lao Chải.
Mặc dù vậy, việc phát hiện ra nhóm đá chạm khắc ở Lao Chải (Mù Cang Chải) là một phát hiện quý, cho chúng ta nhiều thông tin về lịch sử - văn hóa của cư dân người Mông ở đây và rộng hơn nữa là mở ra khả năng xác định được mối quan hệ giữa người Mông ở Sa Pa với người Mông ở Mù Cang Chải, giữa bãi khắc đá ở Lao Chải, Tả Van (Sa Pa) và bãi khắc đá ở Lao Chải của Mù Cang Chải.
Nguyễn Văn Quang (Hội Khoa học Lịch sử Yên Bái)
Các tin khác
Festival Âm nhạc mới Á- Âu lần thứ II và Hội nghị Hiệp hội Các nhà soạn nhạc châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 34 với chủ đề “Âm nhạc - Hội tụ và lan tỏa” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 12-18/10, tại TP. Hà Nội và TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).
Với chủ đề "Hành trình qua miền di sản", các hoạt động do Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức trong tháng 10 tại "ngôi nhà" chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam - Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) sẽ tập trung giới thiệu, tôn vinh các di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh.
“3 phố” là chủ đề của triển lãm tranh gốm của họa sĩ Lê Thiết Cương, Phạm Trần Quân và Phương Bình gửi tới công chúng Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10).
Liên hoan Phim khoa học 2016 diễn ra từ ngày 2-10 đến 18-12 tại Việt Nam và 15 nước khác ở Châu Á, đem đến cho thanh, thiếu niên 14 phim ngắn của 7 quốc gia kèm trò chơi giáo dục bổ ích liên quan tới thiên nhiên, bảo vệ môi trường, công nghệ mới.