Xoè Thái - đường đến Unessco

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/1/2017 | 8:12:25 AM

YBĐT - Vùng đất Mường Lò gồm thị xã Nghĩa Lộ và một phần của huyện Văn Chấn là nơi người Thái đã cư trú lâu đời nhất ở vùng Tây Bắc. Nơi đây không chỉ nổi tiếng là vùng “gạo trắng nước trong” với cánh đồng Mường Lò lớn thứ nhì Tây Bắc mà còn được biết đến với nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó phải kể đến điệu múa xòe Thái với 6 điệu xòe cổ. Vì vậy, ai một lần đến vùng Tây Bắc, nhất là đến đất Mường Lò mà chưa được đắm mình trong các điệu xòe nồng say cùng các cô gái Thái thì chuyến đi ấy dường như chưa trọn vẹn!

Người Thái có câu: “Mí kin mí muôn - có ăn, có vui” với ý nghĩa múa xòe giống như cơm ăn, áo mặc, lửa và nước uống hàng ngày. Vì thế, sau mỗi lần săn bắt, mỗi mùa vụ bội thu, đám cưới, mừng nhà mới… người Thái đều tổ chức xòe ngay trong nhà sàn. Mọi người không phân biệt già, trẻ, gái, trai đều nắm tay nhau sôi động trong điệu xòe. Múa xòe khiến cho con người thân thiện với nhau, hòa đồng với thiên nhiên, hứng khởi sau những thành quả lao động và được tiếp thêm nghị lực sống để thêm yêu bản mường, quê hương.

Trải qua bao thời gian, bao thế hệ, những điệu xòe ra đời và tồn tại như một sự tất yếu mang đậm những giá trị văn hóa và nhân sinh cao đẹp, những triết lý sâu sắc. Xòe để mùa màng bội thu, cây đơm hoa kết trái, xòe trong say đắm tình người. Khi lẫn vào vòng xòe, tay cầm tay quyện tròn xung quanh bếp lửa hồng ta mới cảm nhận được sự tinh tế, quyến rũ của điệu múa xòe. Có lẽ vì vậy, mà đến nay, tất cả các xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ đều có đội văn nghệ, trong đó xòe được coi là mũi nhọn.

Trước đây, không phải đội văn nghệ nào cũng biết hết các điệu xòe cổ. Do vậy, chính quyền thị xã rất quan tâm tới việc mời các nghệ nhân hiểu sâu sắc về 6 điệu xòe cổ tổ chức truyền dạy cho lớp trẻ gồm: điệu “nhôm khăn” có nghĩa là tung khăn; điệu “ỏm nọm tốp mư” nghĩa là đi vòng tròn vỗ tay; điệu “đổn hôn” là xòe bước tiến lùi; điệu “phá xí” nghĩa là bổ bốn; điệu “khắm khen” nghĩa là nắm tay cùng xòe; cuối cùng là điệu “khắm khăn mơi lảu” tức là nâng khăn mời rượu.

Từ những giá trị trường tồn, độc đáo, năm 2015, xòe Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ đã vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vinh dự hơn năm 2016, xòe Thái 4 tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái) đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch  xây dựng đề án lập hồ sơ quốc gia trình UNESCO  vinh danh là  Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Có lẽ, để đạt được danh hiệu Di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại là cả một chặng đường dài, nhưng đến Nghĩa Lộ hôm nay, bên ánh lửa đêm hội đầy huyền ảo, ngắm nhìn những thiếu nữ Thái trẻ trung, sức sống căng tràn trong những chiếc áo cỏm mềm mại, thướt tha như bước ra từ trong cổ tích.

Đôi chân nhịp nhàng, uyển chuyển theo nhịp khèn, trống rộn rã khiến du khách lạ bỗng thành quen, hoà mình vào những nhịp trống, bước chân rộn ràng. Tay trong tay, mặt nhìn mặt trong vòng xòe, khách và chủ đều có chung một cảm nhận, xòe đã khơi dậy những gì tốt đẹp nhất trong mỗi con người; có sức cảm hóa và thuyết phục một cách rất tự nhiên; hướng con người hướng tới lối sống lành mạnh, bồi đắp cho các thế hệ những tư tưởng, tình cảm cao đẹp.

Từ những giá trị đó, chắc chắn xòe Thái 4 tỉnh Tây Bắc sẽ  tiếp nối cùng các loại hình văn hóa đặc sắc phong phú khác của người Việt như: nhã nhạc Cung đình Huế; không gian cồng chiêng Tây Nguyên; ca trù, quan họ Bắc Ninh để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Đây là vinh dự, là yếu tố quan trọng làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân Tây Bắc, góp phần xây dựng Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa trong tương lai, đặc biệt là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đề ra.

Đình Tứ

Các tin khác

YBĐT - Những ngày giáp tết, dù ngược xuôi bộn bề công việc đến đâu, dù tất bật mua sắm thế nào thì việc tìm một cành đào ưng ý để trưng trong nhà là điều ai ai cũng nghĩ đến. Cây đào trong phong thủy được xem là tinh hoa của Ngũ hành.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 năm 2017 khai mạc vào rằm tháng Giêng năm Đinh Đậu.

Ngày 24/1, thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam cho biết Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 năm 2017 diễn ra đúng rằm tháng Giêng năm Đinh Đậu (ngày 11/2) sẽ có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức.

Một tiết mục văn nghệ của Câu lạc bộ Văn nghệ Hội Người cao tuổi phường Trung Tâm trong dịp kỷ niệm 15 năm thành lập.

YBĐT - Suốt 15 năm nay, ngôi nhà của ông Trương Như Cương - hội viên Câu lạc bộ Văn nghệ Hội Người cao tuổi phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) trở thành địa điểm tập luyện quen thuộc của các hội viên trong Câu lạc bộ. Đều đặn mỗi tháng, các thành viên tham gia luyện tập 2, 3 lần với nhiều tiết mục hát chèo, hát quan họ đặc sắc.

Người dân chọn những cây quất ưng ý nhất để chơi tết. 
(Ảnh: Hồng Duyên)

YBĐT - Từ ngày 25, ra đường là đã thấy các cửa hàng bán hoa, người người đến xem đông như trảy hội, nào hồng, cúc, mai, đào, ly, nào cẩm chướng, lay ơn, thược dược...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục