Sinh ra và lớn lên bên lưu vực sông Chảy, vùng quê Xuân Lai, huyện Yên Bình gắn bó với anh từ buổi thiếu thời. Chính văn hóa Tày với những điệu hát iếu, khắp cọi nơi đây đã nuôi dưỡng hồn thơ để mang lại một giọng điệu có sắc thái riêng. Điều dễ dàng nhận thấy ở Nông Quang Khiêm là tình yêu sâu nặng với nơi "cắt rốn chôn nhau".
Từng theo mẹ, theo bà lên nương, theo cha đi cày, thả rọ tôm... nên anh sớm chứng kiến cái nghèo, cái vất vả của đời sống vật chất mà đồng bào vùng cao nếm trải "Đất quặn mình khát giọt mồ hôi/Gió quê tôi cồn cào qua đồi trống/Đá tai mèo vắt sữa nuôi cây" (Bản tôi). Và vì bởi "chiến tranh, mất mùa, hạt gạo chia ba" nên thiếu đói trở nên nỗi ám ảnh trong ký ức người già, để đến bây giờ bản mình no ấm "Có ai còn lên rừng tìm củ mài, củ bấu nữa đâu/Mà tiếng chim vẫn buồn quay quắt" (Tiếng chim pò ơi).
Quê hương với tác giả là những gì hết sức gần gũi, thân thuộc: một buổi chiều ở bản "Vang tiếng mõ trâu khua lốc cốc/Trẻ con đầu trần chân đất thả diều chạy dọc bờ sông" cùng "Cay khói đốt đồng/Người gánh thóc về mồ hôi lặn vào rơm rạ"; một ngôi nhà sàn già nua, mái cọ bạc màu nắng gió ở đó có "Gian của bà/Gần cái bếp vuông/Bà ngồi bên thì thầm câu chuyện cổ/Vòng tay ấm mở/Lũ cháu đứa nào cũng muốn rúc vào lòng".
Thế chăng mà khi hồ thủy điện Thác Bà tích nước, nhiều bản làng phải dời đi mà kỷ niệm ấu thơ cứ hiện về mỗi lúc đi thả lưới "Con thuyền lênh đênh/Buông lưới mưu sinh/Cá đâu chẳng mắc/Mắc tuổi thơ mình" (Thả lưới). Giống như nhiều người con của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, quê hương thực sự trở thành nơi gửi gắm tâm sự, ký thác nỗi niềm; là chốn nuôi dưỡng tinh thần để lớn thành người nên nó vô cùng thiêng liêng.
Nhà thơ Pờ Sào Mìn - dân tộc Pa Rí từng ví "Rễ cây thì ngắn, rễ người thì dài". Còn Nông Quang Khiêm đã tìm đến sợi dây nối tinh thần mỗi khi chạnh nhớ quê hương "Đường đời xa ngái/Chân đi mỏi rồi/Về thôi, về thôi/Ta như nhánh rễ/Nối chùm rễ người" (Về bản). Từ đó đã nhận thức được giá trị tinh thần vô giá "lớn lên nghe người ta nói quê tôi nghèo nhưng tôi biết tôi luôn có những thứ mà nơi khác, người khác không có, những thứ không thể mua được dù thật nhiều tiền”.
Cũng bởi lớn lên từ vùng quê nghèo nên Nông Quang Khiêm càng thấu cảm với công lao dưỡng dục của bậc sinh thành. Cái dáng "Lùi cày cha nghiêng nghiêng/Rẽ đất cằn lộc khộc" hay "Mẹ cõng mùa qua dốc/Mồ hôi tuột dáng gầy" lúc nào cũng khắc sâu trong tâm khảm.
Rời quê đi xa, được học hành và trưởng thành không còn phải chai sạn bàn tay, về "cúi mặt trước đường cày" để thêm thấm thía "Những đường cày nuôi ước mơ con/Những đường cày vùi tuổi cha lầm lụi" (Trông theo đường cày) hay "Con...một năm lên một lớp/Mẹ... bốn mùa tuột qua vai" (Trên con đường núi).
Rồi khát vọng về sự đổi thay, vươn ra biển lớn cứ nung nấu trong lòng những đứa con của núi. Đây đâu phải là mơ ước viển vông, nó có sự trải nghiệm tự thân, từ cố gắng và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn gian khổ để đạt mục đích "Hành trình ra biển/Có ngại gì đâu/Cho dù giọt núi/Cũng lắm khi đau" (Giọt núi).
Đọc "Giọt núi", bạn đọc còn gặp ở đây những nét đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng đậm bản sắc vùng cao. Một chợ xuân "Váy xòe thổ cẩm/Lục lạc ngựa reo"; hội xuân "Em hát cọi trong ngần/Ánh mắt như vì sao lấp lánh/Cái còn em tung lên/Anh còn đứng lặng/Vía anh theo em bay về" và nhất là tết Tày mà ở đó "Trai làng nói lời trái tim bằng câu hát khắp, hát cọi say mê/Gái làng má đỏ hồng hồng nghe lòng thổn thức".
Vốn sống cũng giúp anh thể hiện nét văn hóa quen thuộc của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc như xòe, khắp, chợ tình... nhiều người đã nói, đã viết mà vẫn mang một điệu thái mới "Tay ấm trong tay/ Nhà sàn rung nhịp tình yêu thổn thức/ Vì sao lặng trôi trong ánh mất/ Trăng vừa nhú sau đồi/ Chưa kịp nói một lời/đã tan vào câu hát "Nọong ơi" (Xòe) hoặc "Uống bát rượu ngô đầy/Bừng cháy men tình cũ/Gom bao mùa xa nhớ/Đổ vào trong một ngày" (Chợ tình Khau Vai).
Đi theo lối tư duy thiên về những hình ảnh cụ thể của thế hệ thi nhân dân tộc Tày lớp trước như: Nông Quốc Chấn, Mai Liễu, Y Phương..., tác giả "Giọt núi" cũng có những tứ thơ, hình tượng thơ rất gợi: Đi thả lưới song kỷ niệm xưa cứ ào ạt hiện về cho lòng bâng khuâng "Chỗ này tôi chăn trâu/Chỗ này ông nằm/Chỗ này mẹ gặt lúa đêm trăng/Chỗ này tiễn cha lên đường đánh giặc/Giờ mặt nước đong đầy" (Thả lưới); Nhìn dáng mẹ lên nương lại nao lòng vì cuộc mưu sinh khó nhọc "Chiều/Mẹ rời nương/Như cây bương bóng đổ" (Đi nương)...
Ở đôi bài việc sử dụng ẩn dụ khá thành công, góp phần nâng cao phẩm chất trí tuệ cho thơ, gợi ra nhiều tầng nghĩa "Gùi đi hứng sương/Hong mưa/Đựng nắng/Đong cả căm căm cái rét đông về/Mẹ cõng nhọc nhằn thành ấm no" (Chiếc gùi của mẹ).
Là cây viết trẻ, Nông Quang Khiêm nhiều lúc muốn vươn tới sự cách tân để nâng tầm cho thơ bằng đưa ra triết lý song hầu như chưa gây ấn tượng. Cái nôi văn hóa Tày vẫn phải là mảnh đất tốt để anh tiếp tục khai thác và cất giọng hồn nhiên góp vào tiếng nói chung của thi ca Yên Bái.
Thế Quynh