Hoàng Việt Quân - “suốt đời lòng nặng với văn chương”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/8/2019 | 11:16:26 AM

YênBái - Hoàng Việt Quân còn có những bút danh như: Hoàng Đa, Hoàng Anh, Hoàng Thu Ngôn, Phương Anh Thành, Huyền Trâm Yến, Tính Thị Mai, Chơvơmêx..., nguyên là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái Khóa IV (2005- 2010) và là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái.

Tác giả Hoàng Việt Quân.
Tác giả Hoàng Việt Quân.


Có thể nói, cả cuộc đời ông dành trọn vẹn cho sự nghiệp văn học - nghệ thuật. Việc đi và viết luôn là khát vọng của ông. Trong khuôn khổ bài viết, xin được viết riêng về mảng sáng tác thơ của Hoàng Việt Quân. Thơ của Việt Quân rất sinh động, giàu tính triết lý nhân văn nhưng rất hóm hỉnh, đó là chất thơ có được từ trong cuộc sống, lấy đời sống làm cốt lõi.

Ở tập thơ đầu tay của ông - "Một mình đêm mơ", Nhà xuất bản Lao động - 1998, ngay cái tên của tập thơ cũng đủ làm cho tôi ám ảnh, sự ám ảnh đến tận cùng rồi.

"Xin em đừng trồng cỏ vê trước mặt
Cho anh nhổ lồng vực dưới đồng sâu
Lúa tốt bời bời chẳng thấy em đâu
Ngỡ ngàng dấu chân mất hút
Cánh đồng bỗng hận đơn côi”.

Ngay ở khổ đầu của bài "Kiếm tìm" trong tập "Một mình đêm mơ", người đọc đã thấy sự vô lý và có lý của tác giả. Nhân vật trữ tình mà tác giả dựng lên trong mùa cấy hái - cô gái cấy lúa chứ không bao giờ cấy cỏ nhưng với tình yêu của mình, chàng trai kia đã rất lo xa và ngay dòng thơ đầu chàng trai đã phải xin ngay: "Xin em đừng trồng cỏ vê trước mặt...” kẻo anh không thấy em đâu vì lúa tốt thì cỏ cũng tốt theo. 

Tạm gọi ở đây có hai cặp phạm trù đó là "cao - thấp” và "trước - sau”, lời của chàng trai xin cô gái đừng cấy cỏ ở đằng trước có lỡ sau này anh phải nhổ cỏ ở tận đồng sâu rồi bỗng mất hút dấu chân em và anh bỗng hận vì "đơn côi”... 5 câu thơ ở khổ đầu đã thấy sự tài tình của tác giả về sự vô lý - có lý ấy và chàng trai có ý hận cô gái đó.

Nhưng chàng trai kia cũng rất ghê gớm, đã yêu thì phải yêu cho đến tận cùng:

"Anh sẽ chẳng chịu yên
Lên núi, mang theo dao quắm
Phát quang, phạt dọc mở lối đi tìm
Em ở đâu?
Hay em chơi trò ú tim giấu mình trong đất?”

Nhân vật chàng trai thật là đa nghi với tình yêu đối với cô gái vì cô gái còn thử lòng quân tử của chàng trai. Đó là lòng chân thành trong tình yêu đôi lứa. Và chàng trai kia cũng yêu nhân vật trữ tình kia bằng sự quyết tâm của mình:

"Anh sẽ cắm hạt cho đất nở hoa
Anh sẽ gài hom cho đất mang thai ngàn củ
Cho cỏ vê không mọc được
Cho anh tìm ra em”

Đọc đến đây thì bạn đọc đã thở phào và tin tưởng về tình yêu của người con trai đối với nhân vật trữ tình là người con gái. Cái tài của tác giả là đã kết hợp tài tình về lý tính với sinh học và thở phào nhẹ nhõm. Với những từ "cắm", "gài" thì bạn đọc yên tâm với tình cảm của chàng trai đối với cô gái đó là tình đích thực.

"Dẫu em không về
Cũng nhớ một đồi cỏ vê đã mất”

Than ôi! Đọc đến đây thì bất cứ bạn đọc nào cũng thương xót cho chàng trai kia vì mối tình yêu đơn phương với một cô gái đẹp nhưng rất kiêu sa và sẽ rất tiếc nuối cho nhân vật trữ tình. Chàng trai lý tưởng ấy luôn là khát vọng sống cho nhiều cô gái đương thời.

Bài "Tình câm" trong tập "Một mình đêm mơ" của Việt Quân cũng cho bạn đọc thấy rõ hơn nữa cái gọi là "yêu đơn phương”:

"Tình câm
Như bầu trời ủ bão
Như mặt đất ủ mầm
Như gió lang thang không nhà không cửa
Như con thuyền lặng lẽ lướt sóng trùng khơi
Như núi đứng một mình gan góc giữa trời giữa đất
Tình câm
Là một tình yêu không bờ không bến
Không quỵ lụy van xin
Chỉ biết một mình lặng lẽ
Móc trái tim trao tặng người ta
Tình câm
Là tình yêu một phía, chân thật bao nhiêu, cao thượng bao nhiêu và cũng là nỗi đau tột cùng mà loài người
không ai muốn
Tình câm”

Không còn nghi ngờ gì nữa, bạn đọc đã cảm thông và xót xa cho một chàng trai hiền lành tử tế, sống thật lòng mình không thể thật hơn. Ở bài này, bạn đọc đọc được những cảm xúc dồn nén đến tận tâm can và muốn thét lên những lời cay đắng cho số phận của một con người và nhiều người khác trên thế gian này.

Câu thơ, ý thơ, hồn thơ, giọng điệu thơ, cấu trúc thơ đã được tác giả phá cách đến không ngờ. Đây là nỗi niềm rất chủ ý của tác giả, một bên hết lòng dâng hiến, một bên cứ hờ hững đến tận cùng sự vô tâm. Sự nhẫn tâm của người đời thật là khủng khiếp.

Trong tập "Vân du tình thi" gồm 47 bài năm 2014, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi không thể nêu toàn bộ ấn phẩm này, chỉ xin nêu duy nhất bài "Những câu thơ triết luận":

"Nơi nào rừng xanh lặng tiếng chim
Ắt có kẻ đang lần mò rình bắn
Nơi nào rừng xanh rộn tiếng hót
Hẳn người hiền làm chúa sơn lâm
                    *
Núi cao núi đứng một mình
Người cao người đứng trong muôn ngàn người
                     *
Người ở rừng sợ nhất
Kẻ dối trá bên mình
Người ở rừng tin nhất
Núi rừng quây tụ xung quanh
                    *
Lời nói ngọt buộc lắm lưỡi câu
Lời nói thẳng giúp ta tỉnh táo
                   *
Quan tham sống nhờ kẻ nịnh
Người liêm luôn nhớ bạn hiền
                   *
Người khôn ngoan có lúc gặt hái dại khờ
Người dại khờ có ngày hưởng lộc khôn ngoan
                    *
Kẻ cơ hội hay nói tốt về mình
Người trung thực không một lúc kể công
                   *
Kẻ bất tài tự túm tóc mình lên
Người tài hoa chỉ cười không nói
                   *
Mùa xuân muôn hoa đua nở
Tình người hoa nở quanh năm

Đọc những câu thơ này có lẽ tác giả không nên lấy tên bài thơ là "Những câu thơ triết luận" chăng? Tôi mạo muội xin tác giả đổi tên bài thơ này. Thật là to gan dám múa rìu qua mắt thợ... Nên chăng, chỉ viết đúng một từ đó là "Ngẫm”. 

Bởi bạn đọc biết ngay là nội dung viết gì rồi, một trăm phần trăm những câu thơ đó rất "triết” rồi mà! Nhưng không sao, như vậy tác giả thương cho bạn đọc đỡ phải tư duy nhiều. Xét về hình thức, thơ được cấu trúc không nhất thể một kiểu câu bốn, câu hai... Suy cho cùng, tác giả dùng các cặp phạm trù riêng lẻ, song cũng để cho bạn hiểu cái công thức nếu A thì B hoặc nếu B thì A thì cũng vậy.

Giờ thì bàn đến nội dung tư tưởng của bài thơ. Có thể nói rằng tất tần tật những nội dung đó đều không có trong từ điển. Đây là sự tìm tòi sáng tạo những tồn tại của xã hội đương thời hiện nay. 

Triết lý của tác giả là "dĩ bất biến ứng với vạn biến”, lấy cái không thay đổi ứng với vạn sự thay đổi. Không hề nói ngoa khi chúng ta đã biết về nhân cách Hoàng Việt Quân, ông luôn bám sát đời sống xã hội và luôn có ý thức cảnh báo xã hội rằng: Tồn tại xã hội sẽ quyết định ý thức xã hội. 

Ông đã lấy nhân sinh quan để phản ánh thế giới quan một cách tế nhị bằng văn chương, bằng trách nhiệm cao cả của người nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng. Điều đó thể hiện trách nhiệm của giới văn nghệ sĩ trong giai đoạn cách mạng của đất nước ta hiện nay. Có thể nói, thơ ông sinh động, giàu triết lý nhân văn, nhưng rất hóm hỉnh. Đó là chất thơ có được từ đời sống, lấy đời sống làm cốt lõi.

Trong cuộc đời của mình, nay ở tuổi 70, Việt Quân đã đi và viết một cách miệt mài trên con đường của thi ca. Ông chưa phải là một thi sĩ bẩm sinh nhưng là một thi sĩ vút lên từ số phận, từ những yêu thương không bao giờ vơi cạn. Hoàng Việt Quân đã hiến dâng một cách trọn vẹn trên con đường văn chương của mình, thơ ca của ông đã đi vào trái tim của rất nhiều bạn đọc. Có thể nói rằng: "Hoàng Việt Quân, người nặng lòng với văn chương” hoặc "Một cõi tình thơ còn sống mãi”.

Những câu thơ của ông giống hệt như những giọt nước sau cơn mưa còn đọng lại trên cây lá, chỉ cần một làn cảm xúc chợt đến khẽ chạm vào lá là những câu thơ ấy sẽ rơi rụng xuống ngay vùng tâm thức và mồn một hiện lên giữa lòng ta. Thơ ông không phải là thứ thơ tình thuận bằng trắc dễ thuộc nhưng một khi đã đi vào lòng người nó sẽ mắc lại ở đó, ở trong người đọc. Câu thơ, hồn thơ, tứ thơ... nhiều khi rất ám ảnh.

Ông là người thông minh, đó là điều mà bất cứ ai từng biết đến ông đều khẳng định và với tố chất thông minh đó ông đã ứng xử mọi vấn đề phức tạp mà cuộc sống đã đặt ra. Vì vậy, ông đã định hướng dứt khoát cho con đường sự nghiệp của mình, đó là nghiệp văn chương. Thơ văn của ông có một điểm đặc biệt, đó là sự yêu đời và tình yêu nhiều khi đã bị đẩy tới bến bờ của bi kịch. 

Với ông, cuộc sống và tình yêu tuyệt đích có thể rất ngắn ngủi, có thể kết thúc một cách bất ngờ trước khi tuổi già ập tới. Chính dự cảm ấy đã thôi thúc ông luôn sống hối hả, nồng cháy hết mình với đời, với tình yêu, với hạnh phúc, với thơ văn, như sợ rằng tất cả những điều quá ư tốt đẹp ấy sẽ vụt qua đi như một ánh chớp. 

Và chắc hẳn cành thơ văn ấy sẽ mãi mãi tươi nguyên qua nhiều năm tháng vì nó được bắt rễ và mọc lên từ một tâm hồn nhân hậu, vị tha và đau đáu với đời. Đúng là: "Một cõi thơ tình còn sống mãi/Suốt đời lòng nặng với văn chương".

Phạm Đức Toàn

Các tin khác
Câu lạc bộ Kèn lá của Trường THPT Trạm Tấu thu hút nhiều học sinh tham gia, liên kết được với các khu du lịch trên địa bàn để quảng bá đến du khách.

Dù còn nhiều khó khăn và một chặng đường dài phía trước để thành công, song những việc làm đó thể hiện tình yêu, tinh thần trách nhiệm và mong muốn của người trẻ trong giữ gìn, phát huy các nét đẹp văn hóa dân tộc.

Từ ngày 7- 9/8, tại làng lụa Hội An, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam-thế giới lần thứ V năm 2019 sẽ được tổ chức.

Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc (Hà Nội) và chùa Bửu Long (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa được Tạp chí National Geographic (Mỹ) đưa vào danh sách top 20 công trình kiến trúc Phật giáo đặc sắc nhất thế giới.

Số tiền cổ được bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Yên Bái

Theo ông Hoàng Tiến Long - Phó giám đốc Bảo tàng Yên Bái cho biết, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận 105kg tiền xu cổ do Công an huyện Lục Yên bàn giao ngày 25/7.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục