Kiên Thành là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trấn Yên với 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 49%, dân tộc Dao chiếm 39%, còn lại là các dân tộc khác như: Kinh, Mông, Mường…
Để bảo tồn văn hóa truyền thống, thời gian qua, xã Kiên Thành đã tổ chức được 2 lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao, các làn điệu hát then, hát nôm, đàn tính của dân tộc Tày cho 25 học viên là người dân tộc thiểu số có đam mê về sưu tầm, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Bà Hoàng Thị Lệ Huyền - thôn Yên Thịnh, xã Kiên Thành cho biết: "Chúng tôi rất vui khi được tham gia lớp học tiếng nói, chữ viết của người Tày. Qua lớp học này, chúng tôi được các nghệ nhân ưu tú truyền dạy những kiến thức về chữ viết, văn hóa của dân tộc mình; được tìm hiểu và tập luyện những bài hát, điệu múa cổ để có thể biểu diễn trong các lễ hội tại địa phương và truyền dạy cho con cháu của mình”.
Bên cạnh đó, xã tập trung bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống của địa phương; tích cực tuyên truyền nhân dân khôi phục các phong tục, tập quán tốt đẹp; các làn điệu múa, hát truyền thống của dân tộc như hát then, khắp nôm són trụ, múa cung đàn tính vọng, múa dậm hầu, đại dậm hầu, múa hầu rượu, múa then, múa gậy, múa chèo thuyền, múa kiếm, múa dậm quạt, các nghi thức cúng lễ cầu mùa...; đặc biệt là việc truyền dạy cách chế tác các nhạc cụ, đạo cụ như đàn tính tẩu, khăn then, quả nhạc, cách gấp hộp trầu, yến...
Trong năm 2020, xã Kiên Thành có 2 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh là ông Dương Trung Hưng - Nghệ nhân truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao và ông Hà Văn Nguyện - Nghệ nhân truyền dạy hát then, hát nôm, đàn tính của dân tộc Tày. Đây vừa là động lực vừa là điều kiện để xã Kiên Thành phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tới đông đảo quần chúng nhân dân.
Ông Dương Trung Hưng - Nghệ nhân người Dao xã Kiên Thành cho biết: "Hầu hết các cuốn sách mà tôi ghi chép và lưu giữ cho đến ngày nay nội dung đều nói về phong tục tập quán, Lễ Cấp sắc, tập tục trong hôn lễ, những bài hát giao duyên phục vụ văn hóa tinh thần cho bà con trong bản và trong xã. Chúng tôi luôn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình theo truyền thống "cha truyền con nối”. Bởi vậy, bản thân tôi ngoài lưu truyền văn hóa dân tộc, còn mong muốn lập ra các câu lạc bộ truyền dạy cho các thế hệ con cháu để bản sắc truyền thống của dân tộc Dao không bị mai một”.
Hiện nay, xã Kiên Thành đang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở thôn Đồng Ruộng vừa để thu hút khách du lịch vừa góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của người Mông, người Dao, người Tày trên địa bàn. Mô hình hoạt động du lịch cộng đồng này do người dân bản địa đầu tư, quản lý và trực tiếp làm du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, người dân xã Kiên Thành càng có ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa, từng bước thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở địa phương.
Ông Hoàng Văn Lũy - Bí thư Đảng ủy xã Kiên Thành khẳng định: "Để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá tại địa phương, xã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể khuyến khích mở các lớp học tiếng nói, chữ viết của các dân tộc để vừa gìn giữ các nét văn hóa truyền thống đặc sắc, vừa phục vụ phát triển du lịch.
Ngoài ra, xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện thành lập các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ ở các thôn, xóm, tích cực tuyên truyền để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc gìn giữ những giá trị truyền thống, đồng thời ý thức được trách nhiệm đối với những di sản mà ông cha ta để lại từ bao đời nay".
"Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá những tinh hoa, những cái hay, những nét đẹp truyền thống của dân tộc Tày, Dao trên địa bàn đến du khách thập phương. Thông qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập, phát triển”, ông Lũy cho biết thêm.
Hùng Cường