Chợ quê Mai Sơn - đặc sắc không gian văn hóa Tày

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/1/2023 | 2:11:23 PM

YênBái - Chợ quê Mai Sơn, huyện Lục Yên không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn và cũng là nơi cất giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục, phong tục, tập quán sinh hoạt vô cùng thú vị của đồng bào Tày trong vùng.

Cả người mua và người bán đến với chợ quê Mai Sơn đều thích mặc trang phục truyền thống.
Cả người mua và người bán đến với chợ quê Mai Sơn đều thích mặc trang phục truyền thống.

Với đồng bào Tày ở xã Mai Sơn, được đến chợ quê với trang phục của dân tộc mình, được ngắm nhìn, giao lưu những sản phẩm mang đậm truyền thống như các loại bánh, trang phục, các đồ dùng, dụng cụ, các sản phẩm đan lát, dệt may là một niềm vui, niềm hạnh phúc. 

Chị Tăng Thị Hoa - thôn Sơn Hạ, Mai Sơn cho biết: "Từ khi Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tuyên truyền chị em đi chợ nên mặc trang phục truyền thống, tôi rất ủng hộ. Đến đây, nhiều chị em cùng mặc trang phục dân tộc nhìn rất đẹp, mang đậm truyền thống mà chỉ ở phiên chợ này mới có. Xã cũng làm các khu bày bán sản phẩm rất độc đáo, giản dị, mộc mạc, mọi người đến đây còn có thể chụp ảnh lưu niệm”. 

Bà Nông Thị Vẻ ở thôn Sơn Hạ, là người luôn đau đáu với việc gìn giữ, truyền dạy những nét đẹp, văn hóa của người Tày cho thế hệ sau. Nhận thấy nhiều người trẻ hiện nay không còn biết vấn tóc, đội khăn trong bộ trang phục Tày và để giảm bớt thời gian, bà Vẻ đã sáng tạo ra sản phẩm vấn tóc, giúp thuận tiện trong việc quấn tóc mà vẫn giữa nguyên bản sắc. 

Bà Nông Thị Vẻ cho biết: "Từ khi xã hình thành chợ quê, tôi thường xuyên ra chợ làm và bày bán sản phẩm hỗ trợ vấn tóc. Lâu dần thành quen, sản phẩm hỗ trợ vấn tóc được nhiều người biết đến, không chỉ người dân trong xã mà các xã lân cận như Lâm Thượng, Khánh Thiện, Yên Thắng, Minh Xuân cũng tìm đến mua". 

Chị Hoàng Thị Hạnh ở thôn Sơn Bắc làm bánh chưng đen gần chục năm nay, đây là một món ăn truyền thống chỉ có người Tày mới biết làm. Trước đây, chị Hạnh chỉ làm vào những dịp tết, chủ yếu phục vụ gia đình và người dân xung quanh. Tuy nhiên, từ khi xã Mai Sơn khôi phục chợ quê, món bánh chưng đen của chị Hạnh đã được nhiều người quan tâm, biết đến. Hiện nay, đều đặn mỗi tuần 2 lần, chị Hạnh làm bánh chưng đen bán tại chợ quê. Không những vậy, chị còn nhận các đơn đặt hàng online, khách hàng không chỉ trong huyện mà ở các tỉnh, thành khắp cả nước. 

Để đảm bảo nguồn cung, chị Hạnh cùng 2 gia đình khác thành lập nhóm hộ sản xuất bánh chưng đen, mỗi tuần gói từ 40 đến 50 kg gạo nếp. Bánh chưng đen ở xã Mai Sơn được làm từ gạo nếp Lào Mu, giống lúa địa phương có độ dẻo, thơm, mỡ màng.


Sản phẩm bánh chưng đen - đặc sản của người Tày Lục Yên có nhiều ở chợ quê Mai Sơn. 

Chị Hoàng Thị Niên ở thôn Sơn Bắc thì đang tích cực quay trở lại với việc đan lát mà chị đã lãng quên một thời gian dài, một phần để tạo ra sản phẩm đặc trưng của chợ quê, tạo thêm thu nhập; một phần chị muốn duy trì và phát triển hơn nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Với nguyên liệu từ cây tre, nứa, giang, từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tày, những sản phẩm từ đan lát như xoỏng đựng rau, choóng đựng gạo, thát trải sàn, quây gánh lúa được tạo ra đẹp mắt, tinh xảo. 

Ông Âu Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: "Đầu năm 2022, xã quyết định xây dựng mô hình "Chợ quê xã Mai Sơn”, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, giới thiệu trang phục, ẩm thực cũng như nét đẹp phong tục tập quán của đồng bào Tày. Đồng thời khơi dậy, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng tại địa phương phát triển”. 

Sau một thời gian đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn khi đến chợ mặc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, mang đến chợ những sản phẩm đặc trưng, xã đã chỉnh trang, hình thành các khu bày bán sản phẩm một cách độc đáo, dân dã. Chợ quê Mai Sơn được người dân trên địa bàn xã đồng tình ủng hộ và thu hút người ngoài địa phương đến thăm quan, trải nghiệm. 

Chợ quê xã Mai Sơn được họp 2 lần vào thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần, kết hợp với chợ phiên. Từ việc hình thành chợ quê mà nhiều nghề truyền thống, nhiều sản phẩm đặc trưng của đồng bào Tày được khôi phục, phát triển, nhiều người biết đến.

Một điều hay ở phiên chợ quê Mai Sơn đó là không phải ai đến đây cũng chung mục đích bán hoặc mua hàng; có nhiều người đến chỉ để dạo quanh ngắm chợ, để gặp gỡ người quen, hàn huyên. Ở chợ quê này, mọi người vẫn tỉ tê, hỏi han nhau từng câu chuyện về gia đình, xã hội, về cách nuôi con gà, thả con cá, chuyện nuôi dạy, học hành của con cháu hay đến những chuyện làng, chuyện bản... 

Có thể nói, chợ quê Mai Sơn không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn và cũng là nơi cất giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục, phong tục, tập quán sinh hoạt vô cùng thú vị của đồng bào Tày trong vùng. 

Đến chợ quê Mai Sơn, mọi người sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa của cộng đồng người Tày, được chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Tày trong vẻ duyên dáng thiếu nữ hay nét hồn hậu nơi các bà, các mẹ.

Với người Tày xã Mai Sơn, chợ quê vẫn một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày, trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống ăn sâu vào tiềm thức người quê với những hình ảnh mộc mạc, thân quen. Chợ quê Mai Sơn được khôi phục đã và đang góp phần vào việc bảo tồn và phát triển những nét văn hóa đặc sắc riêng ở mỗi vùng, miền trên địa bàn huyện Lục Yên, mục tiêu phát triển du lịch vùng đất Ngọc. 

Các sản phẩm ở chợ quê Mai Sơn là kết tinh của sự lao động cần cù, cũng là những sản vật đặc trưng do bà con dân tộc Tày làm ra. Hàng hóa bán mua ở đây rất dân dã, cách bày bán cũng mộc mạc, không cầu kỳ, có khi được đặt trên những chiếc bàn nhỏ được làm bằng tre, nứa; có khi đặt trong những chiếc sọt, chiếc gùi giang… 

Anh Dũng

Tags chợ quê Mai Sơn Lục Yên văn hóa Tày

Các tin khác
Khách tham quan triển lãm “Mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Mùa tranh, tượng đón Xuân Quý Mão 2023 càng cận Tết Nguyên đán càng rộn ràng. Qua các triển lãm mỹ thuật và những tác phẩm chủ đề mùa xuân, ngày Tết ra mắt dày đặc gần đây, người xem gặp rất nhiều gương mặt quen thuộc, nhưng mang dấu ấn sáng tạo mới và có cả những tác giả mới góp sắc màu khá lạ. Những tác phẩm tranh, tượng Tết của họ được công chúng đón nhận, tạo đà thúc đẩy mỹ thuật nước nhà phát triển trong năm mới.

Ông Hoàng Hữu Định vẽ bộ tranh thờ treo trong Lễ Cấp sắc của người Dao.

Theo quan niệm của người Dao, thần linh có quyền năng vô song và chính là những người bảo trợ cuộc sống cho con người. Người Dao thờ cúng Bàn Vương (thủy tổ của người Dao), thờ cúng tổ tiên và thờ các vị thần linh với mong muốn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bánh chưng xanh là thứ không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Để giữ gìn nét đẹp ngày tết, xã Phan Thanh đã tổ chức Ngày hội "Bánh chưng xanh".

Lãnh đạo địa phương và nhà trường cắt băng khánh thành Nhà bản sắc người Mông.

Chiều 11/1, Trường Mầm non Nà Hẩu (Văn Yên) đã tổ chức khánh thành Nhà bản sắc người Mông. Đây là công trình nằm trong kế hoạch xây dựng trường học gắn với du lịch của nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục