Tết cổ truyền của người Dao Tuyển, phần lễ sẽ diễn ra trong hai ngày là ngày ba mươi tháng chạp và ngày mồng một của năm mới. Trong mỗi gia đình người Dao Tuyển có hai ban thờ khác nhau, một ban thờ dùng để thờ cúng gia tiên, một ban thờ khác để thờ cúng các vị thần linh, trưởng quản việc làm ăn, cũng như là sức khỏe, mọi việc trong gia đình. Các lễ vật được gia chủ chuẩn bị rất tươm tất và chu toàn.
Vào sáng ngày 30 tết, người Dao Tuyển sẽ làm lễ dâng lên ban thờ gia tiên, bao gồm bánh chưng gù, rượu, thịt, đồ mặn để cúng mời tổ tiên về ăn tết.
Vào sáng ngày mồng một, sau khi nghe tiếng gà gáy đầu tiên của năm mới, gia chủ sẽ làm lễ mời thần linh về ăn tết, lễ vật gồm nước chè, bánh mật, hoa quả, bánh kẹo, ban thờ này tuyệt đối không để các đồ vật dính dầu mỡ lên trên. Nếu gia đình nào có thành viên đã làm lễ cấp sắc thì sẽ có thêm vài miếng gừng tươi và rau xanh đặt trên ban thờ, sau đó gia chủ khấn mời thần linh về chứng kiến, hưởng thụ lễ vật phù hộ cho gia đình một năm mới mạnh khỏe, công việc hanh thông, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc.
Tiếp đó, các gia đình người Dao Tuyển sẽ dán những tờ giấy đỏ lên những cây cối xung quanh nhà để thông báo với muôn loài một mùa xuân mới lại về. Cũng sáng mồng một tết, khi cúng mở cửa, người đàn ông Dao tuyển trong gia đình sẽ đem treo một chiếc bánh chưng gù ở phía bên trái cánh cửa, ngoài bánh chưng gù còn cắm một chiếc cọc tre ngoài sân, thiết kế vừa đủ để đặt một ly nước chè và một chiếc ống để thắp hương, tiếng Dao gọi là "Tìn Đành”.
Chị Chảo Yến ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết: Cả bánh chưng và Tìn Đành đều mang ý nghĩa rất là nhân văn trong đời sống tâm linh của người Dao Tuyển. Đây là lễ cúng cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có người thân trên dương thế để chúng không bị đói, không quậy phá người đang sống.
"Người Dao Tuyển quan niệm nếu như ông bà tổ tiên đã được thờ cúng trong nhà thì Tìn Đành và chiếc bánh chưng ở ngoài sân là để giành cho những vong hồn không có ai để thờ cúng, để họ cũng có một cái tết ấm no. Tìn Đành còn mang ý nghĩa là một trạm cơm từ thiện đặc biệt dành cho những người xấu số, cơ đơn, bơ vơ cả khi đã ở thế giới bên kia. Đây là một nét đẹp văn hóa mang nhiều ý nghĩa sâu sắc"- Chị Chảo Yến chia sẻ.
Người Dao Tuyển có tục mua nước vào ngày đầu năm là sáng ngày mồng một tết. Mỗi gia đình sẽ phải làm lễ xin. Theo quan niệm của người Dao Tuyển, trước khi sử dụng nước mới thì phải dâng hương, đốt tiền giấy, vàng mã xin thần nước cho sử dụng nước để một năm may mắn, đây cũng là dịp thể hiện sự tôn trọng, tạ ơn thần nước, cũng như là cầu sức khỏe, cầu bình an trong gia đình.
"Vào đêm ba mươi và sáng ngày mồng một tết, người đàn ông Dao trong gia đình sẽ lấy hai dụng cụ tương đương đo nước, bằng cân cân nhau vào ngày 30 tết và ngày mồng tết. Khi cân lên, nước của năm mới mà nặng hơn thì năm đó mưa thuận gió hòa, làm ăn tốt đẹp hơn. Sau khi xin nước xong thì gia chủ sẽ đun nước pha trà dâng lên gia tiên, các vị thần linh những mong tổ tiên, thần linh phù hộ gia đình có cuộc sống ấm no hạnh phúc”- Anh Đặng Quyết Tiến ở bản I Nhai Tẻn, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cho biết.
Người Dao Tuyển dù ở đâu đều có một cái miếu làng chung, nơi đặt miếu thường là nơi rừng thiêng, hoặc nơi có gốc cây to trong làng. Sau khi cúng gia tiên, thần linh xong thì mỗi gia đình người Dao Tuyển sẽ cử một người đại diện trong gia đình, mang theo các lễ vật, gồm rượu, thịt, bánh, kẹo qua góp làm lễ tại miếu làng. Cũng trong ngày này, mọi người sẽ mang theo cây để khi làm lễ cúng xong sẽ trồng cây, bảo vệ rừng. Lễ này có ý nghĩa cảm tạ thần rừng luôn che trở cho bà con, bản làng.
"Lễ cúng làng là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Dao Tuyển nhằm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Vào sáng mồng một ngày đầu năm, mỗi gia đình sẽ cử một người đại diện mang theo một bó hương, một sấp giấy tiền vàng mã, rượu, thức ăn đến gia đình đại diện, do bà con dân bản chọn làm nơi tập trung trước đó để lên miếu thờ làng, dâng lễ lên để tỏ lòng thành kính với các vị thần cai quản trong vùng đó. Sau khi mọi người làm lễ ở miếu xong thì mọi người sẽ trở về gia đình được chọn trước đó để bổ sung, sửa đổi những hương ước trong thôn xóm tăng sự gắn kết trong cộng đồng” - Anh Đặng Quyết Tiến cho biết thêm như vậy.
Phong tục đón tết của người Dao Tuyển ở Lào Cai được gìn giữ, phát huy qua các thế hệ. Đây là dịp để con cháu đoàn viên ấm áp, bà con vui xuân thêm gắn bó gần gũi nhau hơn./.
(Theo VOV)