Yên Bái đảm bảo mùa lễ hội văn minh, giàu bản sắc văn hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/1/2023 | 7:56:04 AM

YênBái - Mở cửa trở lại sau thời gian dài tạm dừng vì dịch COVID-19, mùa lễ hội xuân Quý Mão dự kiến tăng cao lượng nhân dân và du khách tham dự. Để đảm bảo một mùa lễ hội văn minh giàu bản sắc, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái.


Thông tin vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.

P.V: Thưa đồng chí! Được tổ chức lại sau một thời gian dài tạm dừng, các lễ hội đầu xuân Quý Mão 2023 có nét gì mới?

Đồng chí Nguyễn Lâm Tới: Sau một thời gian dài tạm dừng tổ chức hoạt động tập trung đông người để phòng, chống dịch COVID-19, xuân Quý Mão 2023, lễ hội được tổ chức trở lại, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương thành lập Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác tổ chức lễ hội truyền thống đầu xuân. 

Theo đó, lễ hội có thể được mở rộng quy mô tổ chức, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, đúng nghi thức truyền thống; phần hội được tổ chức đa dạng, phong phú với các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng..., đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân, du khách.

P.V: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có bao nhiêu lễ hội truyền thống đầu xuân và những lễ hội đó có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống của người dân cũng như góp phần vào kích cầu du lịch tại địa phương? 

Đồng chí Nguyễn Lâm Tới: Hiện trên địa bàn của tỉnh Yên Bái có trên 40 lễ hội truyền thống đầu xuân. Mỗi lễ hội lại có nét độc đáo riêng, nhưng có điểm chung là đều chứa đựng trong đó những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư, cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp. 

Lễ hội được tổ chức vào mùa xuân với mục đích hướng thiện, thể hiện lòng tôn kính của cư dân địa phương đối với bậc tiền nhân có công với dân tộc, với quê hương bản xứ, cũng như cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. 

Các lễ hội truyền thống được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tâm linh, quảng bá các sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. 

Các hoạt động này đem lại hiệu ứng rõ nét khi thu hút được lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần kích cầu du lịch hiệu quả sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, thu hút đông đảo du khách dịp đầu năm.

P.V: Với nhiều hoạt động như vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo, hướng dẫn như thế nào để mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023 diễn ra văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc?

Đồng chí Nguyễn Lâm Tới: Lễ hội là di sản văn hóa của dân tộc, vì vậy dù cải tiến, đổi mới vẫn đòi hỏi phải giữ được yếu tố truyền thống. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn nhân dân thực hành theo đúng nghi thức, nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của lễ hội. 

Trong nhiều năm qua, Yên Bái luôn chú trọng công tác quản lý và tổ chức lễ hội để đảm bảo việc tổ chức phải trang trọng, tiết kiệm, một mùa lễ hội an toàn, lành mạnh. Các địa phương cũng không để xảy ra hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; tuyên truyền nhân dân khi tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự.

Để lễ hội diễn ra đảm bảo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa của nhân dân, ngay từ tháng 12/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 1780/VHTTDL-NSVH về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan đề nghị nghiêm túc thực hiện công tác tổ chức và hoạt động lễ hội theo các quy định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh về quản lý, tổ chức lễ hội; tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; an ninh trật tự và phòng, chống dịch bệnh... 

Cùng với công tác chỉ đạo, hướng dẫn trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngày 10/1/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-VHTTDL về kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023 nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động lễ hội; hướng dẫn Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích và nhân dân, du khách khi tham gia các hoạt động tại lễ hội, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm trái với thuần phong mỹ tục, trái các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội...

Qua đó, đảm bảo mùa lễ hội xuân 2023 diễn ra an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui xuân của nhân dân và tăng cường hiệu quả quản lý Nhà ước về tổ chức lễ hội theo quy định.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Thanh Vy 
(thực hiện)

Tags Yên Bái lễ hội văn minh bản sắc văn hóa

Các tin khác
Phim Tết của Trấn Thành liên tiếp lập kỷ lục.

"Nhà bà Nữ" - phim Tết của Trấn Thành bán được hơn 1 triệu vé sau 4 ngày, là phim Việt đạt mốc 110 tỷ đồng nhanh nhất mọi thời đại.

Một tiết mục nghệ thuật tại Lễ hội kỷ niệm 231 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2020).

Mùa xuân Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, dũng mãnh đánh tan hàng vạn quân xâm lược, giải phóng kinh thành Thăng Long, bảo vệ toàn vẹn nền độc lập. Hơn 200 năm sau, bản hùng ca ấy vẫn còn âm vang trong lòng mỗi người dân đất Việt khi nghĩ về truyền thống yêu nước, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nghĩa Lộ có nhiều thế hệ yêu xòe, trong đó có thế hệ trẻ hôm nay.

Xòe Thái – loại hình nghệ thuật mới được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được trường tồn mãi với thời gian là do được nhiều thế hệ đồng bào Thái ở miền Tây Bắc gìn giữ, bảo tồn.

Sau khi cúng làng, người Dao Tuyển ăn uống chúc tụng nhau, tăng sự gắn kết cộng đồng.

Cũng như đồng bào các dân tộc trong cả nước, Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất của đồng bào Dao Tuyển. Trong những ngày Tết đến xuân về, đồng bào có nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, thịnh vượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục