Nhớ tiếng sáo Mường Lai
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Bản thảo Lịch sử truyền thống Đảng bộ xã Mường Lai (Lục Yên) do Trưởng ban văn hoá xã Hoàng Quang Nhạn chắp bút có ghi: “Phục vụ Đại hội Đảng VI tháng 12/1986, tại thủ đô Hà Nội, khi tấm màn nhung mở ra, 8 cô gái Tày Mường Lai cùng hoà tấu sáo bài: “Gửi người trai bản” - sáng tác của Hoàng Nừng. Tiết mục đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của các vị lãnh đạo Trung ương và nhân dân thủ đô”. Bản tấu sáo “Gửi người trai bản” và “Hoa Yên Bái” của những Vỳ Thị Luật, Nông Thị Khiêm, Hứa Thị Hoan…, tám cô gái Tày Mường Lai năm đó đã một lần nữa đưa tiếng sáo Mường Lai vượt ra khỏi núi rừng Tây Bắc, ngân đến tận nơi thủ đô hoa lệ.
Đội nữ tấu sáo Mường Lai trong một buổi biểu diễn.
|
Tiết mục đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của các vị lãnh đạo Trung ương và nhân dân thủ đô”. Bản tấu sáo “Gửi người trai bản” và “Hoa Yên Bái” của những Vỳ Thị Luật, Nông Thị Khiêm, Hứa Thị Hoan…, tám cô gái Tày Mường Lai năm đó đã một lần nữa đưa tiếng sáo Mường Lai vượt ra khỏi núi rừng Tây Bắc, ngân đến tận nơi thủ đô hoa lệ.
Từ xa xưa, người Tày Mường Lai kể rằng: Ngày trước, cuộc sống của người dân nơi đây vất vả nhiều. Lam lũ suốt ngày mà vẫn không đủ ăn. Một hôm, già làng ra ngồi trên hòn đá bên bờ suối câu cá, suy nghĩ bên thác nước chảy. Bỗng đâu có ngọn ào qua bụi tre nơi già ngồi. Tiếng kẽo kẹt của hai cây tre cọ vào nhau phát ra âm thanh hoà quyện cùng với tiếng thác nước như một bản nhạc, nghe hay làm sao! Thổn thức cõi lòng, già làng tự dưng mở miệng “Hới lả” vọng theo, lại càng thấy người thanh thản, nhẹ nhõm, quên hết nỗi u buồn uẩn khuất. Già làng nghĩ rằng thiên nhiên, Thượng đế đã ban thưởng tiếng hát cho người Tày mình đây. Thế rồi già gọi mọi người đến truyền dạy lời hát. Ấy chính là tiếng hát Khắp, hát Cọi hay chính là tiếng hát giao duyên của người Tày. Lấy da ếch bọc ống nứa, căng hai sợi dây tơ tằm rồi bện mấy sợi lông đuôi ngựa làm cung để kéo “cò cử”, sau này gọi là nhị hai dây. Lấy ống nứa tép nhỏ dùi thành 7 lỗ để thổi tạo tiếng nước chảy, đấy chính là cây sáo ngày sau.
Các bậc cao và trung niên ở Mường Lai bây giờ vẫn bồi hồi khi nhớ về tiếng sáo nên duyên chồng vợ của cái thời thanh trẻ. Những đêm trăng sóng sánh bản làng, tiếng sáo vi vu theo làn điệu hát Khắp, hát Cọi ngân nga đầu thôn, cuối bản. Có khi còn chưa tỏ mặt nhau mà thoáng nghe vẳng xa tiếng sáo đã thấy ưng lòng, ưng bụng lắm rồi…Rồi khắp các đám hỏi, đám cưới, ngày hội, những khúc hát Khắp, hát Cọi…chẳng lúc nào thiếu vắng tiếng sáo của không chỉ những nam thanh, nữ tú mà cả những bậc cao niên rồi trẻ nhỏ trong làng. Khi là tiếng ngân nga của sáo dọc, lúc lại là tiếng vi vu của sáo ngang. Có thời, người Mường Lai còn làm cả cây tiêu 9 lỗ, cất lên tiếng nhạc sinh động lạ thường. Những năm tháng kháng chiến, trong chiếc ba lô theo anh trai làng rời Mường Lai lên đường tòng quân, không mấy khi thiếu cây sáo quen thuộc của bản mường, như một phần quê hương mang theo…
Người Mường Lai không ai quên được Hội diễn nghệ thuật quần chúng năm 1976. Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã bây giờ - cô Nông Thị Kiệm năm đó còn là cô gái Tày 16 tuổi, thực sự bất ngờ và vui mừng khi nhận được thông báo triệu tập vào đội tấu sáo để chuẩn bị cho hội diễn này. Tám cô gái độ tuổi 15, 16 chỉ có thời gian tập luyện một tuần trước ngày đi biểu diễn. Cô Kiệm vẫn nhớ rằng, trước ngày đó, đoàn văn nghệ với tám cô gái không được chú ý nhiều bởi sự đơn giản chứ không hoành tráng, công phu như nhiều đoàn bạn. Nhưng sau khi tiếng sáo Mường Lai cất lên giữa đêm diễn, các cô gái Tày Lục Yên nhận được hàng loạt những lời chúc mừng nồng nhiệt và sự mến mộ bất ngờ. Tiếng sáo Mường Lai năm đó đã khẳng định bản sắc bằng ba tấm huy chương vàng. Có lẽ, chính từ hội diễn này, mà mười năm sau, sáo Mường Lai lại vinh dự được phục vụ Đại hội Đảng VI, một lần nữa ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử mảnh đất này. Và trong năm đó, cũng bởi ấn tượng với tiết mục tấu sáo ấy mà tiếng sáo Mường Lai đã ngân lên cả trong những nhịp thơ điệu vần của nhà thơ - Thứ trưởng Bộ Văn hoá Nông Quốc Chấn ngày ấy trong dịp nhà thơ về thăm Mường Lai và gặp gỡ những cô gái từng tấu sáo năm nào:
"...Vi vu tiếng sáo Mường Lai
Lắng nghe lòng những bồi hồi thực mơ…
…Trúc xinh hay nứa rừng sâu
Ngân dài tiếng gió, ngân cao tiếng người…"
Nhưng rồi, đội nữ tấu sáo năm xưa dần vắng bóng thưa người. Phải đến năm 1993, khi ông Hoàng Quang Nhạn - một người tâm huyết với tiếng sáo đất này, nhận chức trách trưởng ban văn hoá xã, quyết định vực dậy tiếng sáo Mường Lai. Ông tìm người, rồi lập lại đội tấu sáo. Cùng cô Kiệm, cô Luật và một vài người già trong xã luyện tập cho thế hệ trẻ thành thục hơn với cây sáo. Đội tấu sáo có năm lên đến 18 người. Tiếng sáo lại được cất lên trong những đêm văn nghệ ở xã, ở huyện, ở quân khu…Những người tấu sáo lại thêm lần nữa nhắc lại sự vinh danh của tiếng sáo Mường Lai bằng tấm bằng khen của Bộ Văn hoá - Thông tin năm 1994 và tấm Huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh hai năm sau đó.
Tiếc thay, đến năm 2004, đội tấu sáo nữ gồm tám cô gái trẻ vừa mới tập trung chưa được bao lâu thì đã tan rã bởi họ lần lượt rời đất Mường Lai đi làm công nhân khu công nghiệp Bình Dương. Ông Nhạn buồn lòng phải thừa nhận rằng, lớp trẻ bây giờ đã không còn mặn mà với sáo được như ngày trước. Một phần cũng vì rất nhiều người trẻ lớn lên rồi lại đi làm xa nhà, trong đó có không ít những người có năng khiếu. May sao, vẫn còn có những người như ông Nhạn, cô Kiệm, cô Vy…Trước nay, dù không chút thù lao nào nhận về từ việc luyện tập và duy trì đội tấu sáo, nhưng bằng lòng nhiệt tình và yêu tiếng sáo, hi vọng rằng sẽ có thêm một sự đầu tư thích đáng nào đó của các cấp, các ngành liên quan để tiếng sáo Mường Lai không lùi vào dĩ vãng.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Khi những tờ lịch cuối cùng rời khỏi bloc là đánh dấu một năm đã đi qua với vòng quay 365 ngày không ngơi nghỉ.
YBĐT - Tôi chăm chú nhìn người đàn ông đang phát cỏ. Anh bị mất chân trái đến non nửa đùi. Có lẽ phần đùi còn lại ngắn quá, không lắp được chân giả nên phải chống nạng. Tôi đã thấy một vài người bị mất chân như thế. Những người này đều phải đi bằng xe tay. Chống nạng lên núi phát cỏ như anh, quả là chưa thấy bao giờ.
YBĐT - Hôm nay người bản Tầng Co khăn piêu rực rỡ, mặc diện như đi chơi hội vì chàng trai của bản lấy được cô gái đẹp nhất vùng. Cả nhà Hà Thị Quả cũng vui lắm vì cô là con gái lớn đi lấy chồng. 10 cặp chăn đệm mang về nhà chồng với đủ thứ hoa văn khéo léo là công sức của bao đêm miết mài se tơ dệt vải. Học mẹ dệt vải từ năm lên 9 lên 10, Quả cũng như bao thiếu nữ Thái ở bản Tầng Co xã Nghĩa An này đều ý thức được rằng đã là con gái của bản mường, của đồng bào mình thì nhất thiết phải làm được chăn đệm, dệt được thổ cẩm. Và vì thế người con gái sẽ được tăng phẩm giá và đắt chồng cũng nhờ đôi bàn tay tài hoa khéo dệt ra những tấm vải đẹp.
YBĐT - Đồng dao - còn gọi là hát vui chơi của trẻ em người Thái Tây Bắc rất phong phú và đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Đồng dao không chỉ đem lại niềm vui trong trẻo cho tuổi thơ mà còn có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, góp phần giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan cho trẻ.