Con lợn ủn ỉn...
- Cập nhật: Thứ hai, 26/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong đời sống văn học của dân tộc, có rất nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về con lợn.
|
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con lợn được nói đến nhiều vì con lợn rất gần gũi với con người, nó là một trong số những con vật được con người thuần hóa đầu tiên. Trong 12 con giáp để tính năm tính tháng và đoán định tuổi cho con người thì bên cạnh con chuột, con trâu, con rồng, con hổ... có con lợn. Ai sinh năm Hợi là cầm tinh con lợn. Tuổi Hợi khi còn nhỏ hay ăn chóng lớn, khi lớn khôn thì hiền lành, chẳng nỡ hại ai và cũng làm ra tiền ra của. Ngay từ ngày xưa, con người đã biết nuôi lợn và quý trọng con lợn hơn mọi con vật khác.
Con người biết nuôi lợn để cải thiện đời sống, thịt lợn từ xưa đến nay vẫn được xem là nguồn thực phẩm chính. Trong các ngày lễ, ngày Tết, cưới xin, thiếu thịt lợn coi như bất thành lễ. Đặc biệt là trong lễ cưới, lễ hỏi ngày xưa đã thành tục lệ, không có con lợn không xong. Nhà gái bao giờ cũng thách cưới bằng lợn và rượu:
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Khi con cái đã nên vợ, nên chồng thì ông mai, bà mối bao giờ cũng được biếu cái thủ lợn để tỏ lòng biết ơn của gia chủ. Sau lễ rước dâu ba ngày, vợ chồng mới cưới phải quay về nhà gái làm lễ lại mặt. Lễ lại mặt bao giờ cũng có cái thủ lợn luộc chín.
Lễ lại mặt rất quan trọng, nếu bên nhà gái thấy cái thủ lợn luộc bị cắt mất một tai thì phải biết người vợ mới đó trước khi về nhà chồng đã không còn trinh tiết. Nếu nhà trai trả lại dâu, nhà gái phải cắn răng chịu và phải hoàn lại lễ vật cho nhà trai.
Đặc biệt trong ba ngày Tết, không có thịt lợn trong nhà, coi như không có Tết. Những cái tết xưa cũng như bây giờ, ngày tết bao giờ cũng có thịt mỡ - dưa hành - câu đối đỏ. Cho dù ngày thường thiếu thốn, ăn uống đạm bạc thế nào thì Tết đến cũng phải có thịt treo trong nhà vì "Đói giỗ cha, no ba ngày Tết".
Con lợn cũng đã đi vào tranh Tết dân gian Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Tranh gà, tranh lợn, tranh cá giỡn trăng... vẫn được nhiều người ưa thích mua về trang trí Tết. Con lợn đất đang bày bán ở các chợ bây giờ cũng chả khác mấy bức tranh lợn Đông Hồ.
Càng ngày càng cho thấy, con lợn gắn bó với đời sống vật chất, văn hóa của dân tộc Việt Nam. "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ" vẫn đọng mãi trong lòng dân tộc Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về.
Hoàng Mai
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái có nhiều dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, sắc thái thể hiện bản sắc dân tộc mình. Thật vậy, ở đó không chỉ thấy trong phong tục tập quán, thấy trong lễ nghi hay giao tiếp, đi lại, học hành mà còn ở những cuộc sinh hoạt, những cuộc giao lưu văn hóa văn nghệ giữa các thành viên nơi cộng đồng. Páo dung - chính là hát giao duyên của giới trẻ người Dao.
YBĐT - Trong bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, sự giao mùa giữa đông sang xuân là có nhiều dấu ấn hơn cả. Bởi từ trong giá rét, bão bùng chuyển sang ấm áp, yên lành luôn tạo cho con người niềm hứng khởi, lạc quan, rạo rực. Mùa xuân không nói gì với ta thành lời, không gọi ta bằng tiếng gọi yêu thương. Song, một chút nắng hiếm hoi ló rạng từ trong âm u, lạnh lẽo làm ta thấy nôn nao; một chút gió se se làm lay động những chồi non vừa nhú, khiến ta thấy háo hức về những ngày mới có hoa thơm cỏ lạ.
YBĐT - Mấy chục triệu người Việt, kể cả những người làm ăn sinh sống ở nước ngoài, nhất là những ai đã sinh ra và lớn lên từ nửa cuối thế kỷ trước, vẫn còn mãi mãi niềm hân hoan, hạnh phúc mỗi khi Tết đến xuân về được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Đến Tết này, đã gần 40 xuân Người đi vào cõi vĩnh hằng, bên tai ta vẫn văng vẳng lời người: "Xuân về xin có một bài ca. Gửi chúc đồng bào cả nước ta...".
YBĐT - Đây là khóa học thứ hai về chữ Thái mới mà ông già này vừa là người biên soạn chương trình giảng dạy đồng thời là giảng viên trực tiếp. Một tuần ba buổi đều đặn, ông có mặt ở đây để tận tay uốn nắn từng đường cong nét chữ, truyền kể những bộ sử thi, những bản anh hùng ca nổi tiếng một thời của dân tộc mình.