Lời ru

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mới Giêng mà trời cứ như mùa Hạ. Bầu trời xanh mênh mông. Nắng rực rỡ. Gió lộng không gian. Một chiều Giêng lẫn Hạ lạ lùng cứ dẫn dụ tôi lang thang trên con đường làng ven Sông Hồng. Dòng sông mùa này cạn he, nước đã lắng trong, bãi cát trắng phau được viền nâu bởi dải phù sa bồi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tôi bước nhẹ dưới lũy tre, gió thoảng rì rào trên lá. Tiếng chim lích chích trên lùm cây. Bỗng nghe từ xa ngân lên lời ru à á à à ơi: Con ong làm mật yêu hoa. Con cá bơi yêu nước, chim ca yêu trời. Con người muốn sống con ơi. Phải yêu đồng chí yêu người anh em. Một ngôi sao chẳng sáng đêm. Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng. Một mình đâu phải nhân gian. Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi. Núi cao bởi có đất bồi. Núi chê đất thấp núi ngồi vào đâu. Trăm dòng sông đổ biển sâu. Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn...

Ôi giời! Có lẽ hơn ba mươi năm nay tôi mới lại được nghe lời ru con của một người mẹ nơi đồng quê xa vắng. Lời ru sao ngọt ngào nhẹ thoảng gợi cảnh đồng quê thanh bình nhưng thật là hoang biệt với dòng đời náo nhiệt ngoài kia. Thì vẫn biết, lời ru con của bao người mẹ tự ngàn xưa là lời ru ân tình được phổ từ cái vốn quí ca dao - dân ca Việt Nam, thấm sâu tâm hồn người mẹ rồi thổi qua giấc mơ màng của trẻ thơ, để nó cứ lớn lên theo năm tháng với những buồn vui trong lòng mẹ, với những nắng mưa, ngọt bùi, đắng cay cuộc đời mẹ... Nhưng lời ru chiều Giêng mà tôi đang được nghe, là lời ru trong bài thơ Tiếng ru của một nhà thơ cách mạng nổi tiếng, đã vượt qua cả không gian, thời gian bởi tầng sâu nghĩa lí. Tôi bước chậm lại, trong lòng trỗi dậy niềm tự ái! Ơ, cái người mẹ kia ru con hay là ru cho cuộc đời này? Lần lại dấu chân một thuở, tôi đã từng tha thiết yêu hoa, yêu nước, yêu bầu trời, và yêu vô cùng những người đồng chí, những người anh em, yêu đến mức có thể chết cho tình yêu đó. Rồi thời gian trôi đi, biết bao đổi thay trong cuộc sống, thứ tình yêu chân chính, giản dị mà thắm thiết đã nhạt phai, ngõ hầu chỉ còn lại như những câu chuyện cổ tích. Tôi mải đi tìm và chỉ ước mơ cái ăn, cái mặc, cái che nắng che mưa, ngoảnh lại thấy bạn bè, đồng chí mãi tít tịt chân trời, xa lắc xa lơ. Nhưng lâu quá, tôi không tìm thấy miếng ăn cho ra miếng ăn, không tìm thấy cái mặc cho ra cái mặc, không tìm thấy cái che nắng che mưa cho qua ngày giá lạnh, bão giông, lâu dần thành con cò con vạc, cũng quên luôn những lời ru của mẹ thời ấu thơ, cũng quên luôn những lời ru đầy nghĩa lí của nhà thơ cách mạng trong bài thơ Tiếng ru mà một thời ghi nhớ làm phương châm sống cho mình. Tôi lăn lóc, tả tơi giữa cuộc sống tả tơi!

Những tưởng tôi đã chết chìm trong "giấc mơ con đè nát cuộc đời con"! May thay, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đã tạo ra một thời kỳ lịch sử đầy ấn tượng với bao thành tựu rực rỡ. Việt Nam tìm thấy bạn bè khắp năm châu bốn biển, cùng nhau hợp tác phát triển. Tôi tìm thấy tôi, chính tôi, cũng tìm thấy bạn bè, đồng chí, không ai còn đói khổ nữa, không ai chỉ ước mơ cái ăn, cái mặc, cái che nắng che mưa nữa, mà ước mơ xa hơn, cao hơn, ước mơ được hiến dâng tình yêu, trí tuệ, sức lực của mình cho một tương lai tươi đẹp.

Tôi thấy bồi hồi quá vì lời ru của người mẹ nào đó giữa đồng quê xa vắng cứ vấn vít mãi chiều Giêng, như muốn khỏa lên trong lòng tôi điều gì. Phải rồi, lát nữa tôi sẽ qua nhà mấy anh bạn thời hàn vi ấy, để kể lại chuyện này. Tôi sẽ nói với các bạn rằng, nếu con các bạn lỡ quên những lời ru như thế thì các bạn hãy ôm các cháu của bạn vào lòng mà ru à á à à ơi: Con ong làm mật yêu hoa. Con cá bơi yêu nước, chim ca yêu trời. Con người muốn sống con ơi. Phải yêu đồng chí, yêu người anh em...

Bởi đó là lời ru ân tình và vô giá cho nhiều thế hệ!

Hoàng Tử Sơn

Các tin khác

YBĐT - Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó máu thịt với đời sống của người Thái Nghĩa Lộ – Mường Lò, người thiếu nữ Thái ngay từ tuổi cập kê đã được mẹ, được chị hướng dẫn trồng bông, dệt vải, thêu hoa văn, Có thể nói nghề dệt thổ cẩm đã làm nên nét đặc trưng riêng có trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc vùng Nghĩa Lộ – Mường Lò.

Các nghệ sỹ Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái ngâm bài thơ Nguyên Tiêu của Hồ Chủ tịch trong Ngày Thơ Việt Nam tại Yên Bái.(Ảnh: Hoàng Nhâm)

YBĐT - Từ mùa xuân Quý Mùi (2003), ngày Tết Nguyên tiêu có một nội dung ý nghĩa nghệ thuật tầm cỡ quốc gia - Ngày Thơ Việt Nam. Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức rộng rãi trên cả nước với lễ tiết, biểu tượng trang trọng: lá cờ Thơ, Hồ Chí Minh thi sĩ, với thi phẩm thần diệu Nguyên Tiêu. Điều đó đem lại một niềm vui lớn cho giới văn học nghệ thuật cũng như mọi người Việt Nam yêu thơ.

Hoa đào mùa xuân. (Ảnh: Quang Tuấn)

YBĐT - Thế là lại đến mùa xuân ! Ngắm hoa đào nở rồi rụng mà lòng bỗng gợn những nỗi niềm riêng tây không dứt. Xác hoa rơi thắm cả vườn xuân mà gió đông cứ vô tình bay mải miết, ngỡ chẳng hề biết đến nỗi chạnh lòng của niềm li biệt. Bỗng mơ mộng nhớ đến nàng Lâm Đại Ngọc đa sầu đa cảm đứng chôn hoa rồi thở dài vạn kiếp.

YBĐT - Trong đời sống văn học của dân tộc, có rất nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về con lợn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục