Vài ý nghĩ về Ngày Thơ Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ mùa xuân Quý Mùi (2003), ngày Tết Nguyên tiêu có một nội dung ý nghĩa nghệ thuật tầm cỡ quốc gia - Ngày Thơ Việt Nam. Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức rộng rãi trên cả nước với lễ tiết, biểu tượng trang trọng: lá cờ Thơ, Hồ Chí Minh thi sĩ, với thi phẩm thần diệu Nguyên Tiêu. Điều đó đem lại một niềm vui lớn cho giới văn học nghệ thuật cũng như mọi người Việt Nam yêu thơ.

Các nghệ sỹ Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái ngâm bài thơ Nguyên Tiêu của Hồ Chủ tịch trong Ngày Thơ Việt Nam tại Yên Bái.(Ảnh: Hoàng Nhâm)
Các nghệ sỹ Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái ngâm bài thơ Nguyên Tiêu của Hồ Chủ tịch trong Ngày Thơ Việt Nam tại Yên Bái.(Ảnh: Hoàng Nhâm)

Cho đến giờ phút này, trong công chúng yêu thơ hẳn còn không ít những băn khoăn, đại loại như: Thơ là gì? Thế nào là thơ hay, không hay? Có hay không phương pháp làm thơ? Những ai được gọi là nhà thơ?... Hoặc giả: "Tôi chẳng đọc thơ cũng có sao đâu, còn khỏe là đằng khác!"... Tệ hại và quyết liệt hơn: "Mở tờ báo, không bao giờ tôi đọc thơ". Rồi, nào là "thơ lạm phát", "thơ rất khó nhai", "thơ ấy mà", "thơ với thẩn"...

Thế nhưng, trong cuộc sống của một con người, nhất là người Phương Đông, người Việt Nam, có ít nhất một lần đến trường thì ai cũng phải học thơ. Tôi nói "cũng phải học thơ" vì phải học bắt buộc một chương trình văn học và Tiếng Việt, phải thi một bài tương ứng với chương trình ấy. Xin thưa, ngay cả với những người đọc thơ một cách bất đắc dĩ như vậy, cũng không thể chối cãi được rằng, trong số đó, có nhiều người đã học được, đã thi được mà thơ vẫn không nhập tâm, vẫn "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"! Nhân khi nói đến việc đọc thơ và học thơ Tố Hữu, ông Hoài Thanh đã rất tinh tế mà bảo rằng: "Đọc thơ anh (Tố Hữu) mà chỉ nhằm mục đích là làm sao cho giỏi thơ văn, làm sao giành được điểm cao trong các kỳ thi thì rất khó mà hiểu đúng được thơ".

Thực ra, trong thư tịch hàng nghìn năm qua của Việt Nam và thế giới, có hàng ngàn cuốn sách, hàng ngàn học giả và thi sĩ đã đi tìm lời giải đáp các vấn đề trên, có điều, nó vẫn chưa thỏa mãn sự đòi hỏi của chúng ta, hoặc vì chúng ta yêu cầu quá cao, hoặc chúng ta chẳng cần đến thế! Nhưng thôi, bàn làm gì hoặc do chúng ta không đủ sức, đủ tầm, hoặc chưa đúng lúc, chỉ cần nhìn và đọc một vài khoảnh khắc (vài thôi) những bài thơ, những thi nhân sừng sững trong nền văn hiến của dân tộc! Như thế cũng quá đủ cho chúng ta tin tưởng rằng, thơ là một sản phẩm đặc biệt của trí tuệ và nhân cách, nó có thật với hình hài và sức mạnh khôn lường!

Còn nhớ, một mùa xuân đã qua lâu lắm rồi, từ giữa thế kỷ XI, một trí thức thiền sư, có pháp hiệu chính quy Mãn Giác, sau khi nói về cõi đời và cõi người đã hạ hai câu thần diệu: "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai". Một cành mai tạc vào đêm xuân như thế, mãi sau này ta lại gặp trong đôi câu tự bạch của Thánh Quát: "Thập tải luân giao tầm cổ kiếm. Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" và một lần ta được ngắm nhìn ở Lũng Dẻ, ba năm trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, một năm sau khi Bác về nước:

"Cử đầu hồng nhất cận
Đối ngạn nhất chi mai
                             (Thướng sơn - Hồ Chí Minh)

Trước Lý Trường một thế kỷ, chúng ta đã có một Quốc Tộ, một Nam Quốc sơn hà. Lý Thường Kiệt hay là ai đi nữa thì cũng vậy, đã viết và đọc vang như sấm cả bờ cõi và ngoài bờ cõi: "Nam Quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".

Giở lướt tới những trang của thế kỷ XIII, ta gặp một danh tướng Đặng Dung với những câu Cảm hoài bất hủ, có tầm cảm xúc vũ trụ mà người đời sau bái phục, cho rằng "Phi hào kiệt chí sĩ, bất năng" (không phải kẻ sĩ hào kiệt thì không làm được):

"Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma"

Còn Nguyễn Trãi, cái ông quan "nhập nội hành khiển", có lúc đã hai cha con đồng triều, tác giả một áng "thiên cổ hùng văn" ấy bằng chữ nôm, đã đưa bông sen, khóm trúc, ao nước đêm trăng, rau muống... vào thơ. Một búp chuối non hóa thành "Tình thư một bức phong còn kín. Gió nơi đâu gượng mở xem" khi đất nước đã "bốn phương biển cả thanh bình".

Đến đầu thế kỷ XVIII - XIX, chúng ta đã có rất nhiều thi hào, thi bá tên tuổi lẫy lừng, sáng chói, vượt qua mọi chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian, đến với công chúng như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Cao Bá Quát... đặc biệt là Tố Như, người đã có những lời thơ: "Tả ra như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía, ngậm ngùi như đứt ruột. Thế thì gọi tên là "Đoạn trường tân thanh" cũng phải" (Tiên Phong - Mộng Liên Đường).

Sang nửa đầu thế kỷ XX, thơ ca Việt Nam hiện đại lấp lánh với nhiều chòm sao vừa mới mẻ, vừa rực rỡ, kiêu sa với những Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ, Nguyễn Bính... rồi Tố Hữu mà thơ ông "như một bó hoa lửa lộng lẫy, nồng nàn, kết tinh trên cơ sở một hiện thực vĩ đại: cuộc cách mạng dân tộc dân chủ... dưới ánh sáng của Đảng, của tư tưởng Mác-Lênin" (Đặng Thai Mai). Nhiều người từ mê thơ Tố Hữu đã đến với Đảng, với cách mạng.

Và đặc biệt, rất đặc biệt, từ nửa đầu thế kỷ trước, chúng ta có nhà thơ Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn. Người mà một cộng sự, một thân hữu túc nho, Bùi Bằng Đoàn đã ái mộ tôn vinh: "Tri công quốc sự vô dư hạ. Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi" (Biết người bận việc nước, không có thì giờ nhàn rỗi, nhưng mỗi lúc vung bút lên là thành thơ đuổi giặc thù)…

Những bài thơ như thế, một nền thơ như thế, với những danh tướng thi sĩ, những anh hùng thi sĩ như thế đã làm nên một dân tộc, một đất nước có tầm nhân loại và xứng đáng với nhân loại như thế, tưởng cũng chẳng cần nhiều lời bàn cãi, tưởng cũng chẳng cần "cao đàm khoát luận" cho thêm nỗi phân tâm!

Đi trên vùng đất cổ Sơn Nam, Huy Cận đã dựng pho tượng người Việt Nam như sau:

"Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa
Trong là thật: sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa".
                                                    (Đi trên mảnh đất này)...

Đó là gì, nếu không phải thi ca?

Các bậc tiên liệt, các chiến sĩ, anh hùng, các danh nhân ấy là ai, nếu không phải là thi sĩ?

Những lời, những chữ viết ra đã trăm năm, nghìn năm, hôm nay vẫn xúc động đến gan ruột chúng ta, những người con của thiên niên kỷ thứ 3; ấy là gì, nếu không phải là sức mạnh của thơ?

"Gà gáy sáng. Thơ ơi mang cánh lửa!
Hãy bay đi. Con chim kêu trước cửa
Thêm một ngày xuân đến bình minh"
                                   (Tố Hữu - Bài ca mùa xuân 61)...

Một nhà thơ Ba Lan cho rằng: "Thế giới này rốt cuộc rồi chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: thi ca và lòng nhân ái... Không còn gì khác!". Thơ với Ngày Thơ Việt Nam của chúng ta chắc chắn trường tồn! Mọi người làm thơ và yêu thơ sẽ là những hiện hữu của lòng nhân ái! Nhà thơ Hồ Chí Minh sống mãi trong thơ ca Việt Nam!

Hán Trung Châu

 

Các tin khác
Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Cụm thi đua số 5 tích cực tham gia luyện tập  để tham gia Liên hoan

Công đoàn Viên chức tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động” năm 2024, dự kiến khai mạc vào ngày 18/5 tại Rạp Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Đền thờ Vua Hùng ở TP Cần Thơ

UBND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đề xuất xây dựng đền thờ Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công với đất nước tại địa phương này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục