Tết của người Khơ Mú

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007, xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn) đã ngập tràn tiếng chiêng, tiếng trống. Bên những chân ruộng bậc thang, lúa đã bắt đầu bén rễ. Dường như cây cối cũng cảm nhận được sức xuân lan tỏa, trở dậy sau một giấc ngủ dài, đâm chồi nảy lộc. Cùng với nhiều dân tộc khác, đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Nghĩa Sơn cũng đón tết theo phong tục cổ truyền của dân tộc.

Lễ
Lễ "Pa Sưm" của người Khơ Mú. (Ảnh minh họa)

Trong những ngày tết, nhân dân trong làng tụ họp tại trung tâm xã. Những già làng và những chàng trai khỏe mạnh thực hiện các động tác đánh chiêng cho gái, trai nắm tay nhau nhảy múa, ca hát. Các điệu múa mừng mẹ lúa, mừng ngày mùa được thể hiện một cách say sưa, nhịp nhàng; động tác múa lúc khỏe khoắn, lúc khoan thai, thể hiện sinh động những hoạt động lao động sản xuất hàng ngày. Kết thúc điệu múa, mọi người nắm tay nhau thành vòng lớn vừa múa hát ca ngợi tình đoàn kết vừa cầu chúc cho một năm mới an lành. Trong lễ hội đánh chiêng, người ta thường tổ chức các trò chơi đẩy gậy, ném còn, kéo co, bắn cung… góp phần làm cho không khí lễ hội thêm sinh động. Theo các già làng ở xã Nghĩa Sơn, trước đây lễ hội đánh chiêng thường kéo dài từ 30 Tết đến hết rằm tháng Giêng, khi đó hầu như nhà nào cũng có 1-2 chiếc chiêng. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa mới, lễ hội đánh chiêng chỉ kéo dài trong 3 ngày tết. Tuy nhiên, những hoạt động, những nét đặc sắc và phong tục truyền thống trong dịp tết của người Khơ Mú vẫn được giữ gìn.

Người Khơ Mú vẫn còn giữ thói quen ăn tết cộng đồng. Tết đến, nhà nhà mổ lợn, vài ba nhà chung nhau một con lợn béo, lợn mổ ra chia đều cho mỗi nhà. Trong những ngày tết, mỗi nhà thay phiên nhau làm cỗ, mời cơm anh em, bạn bè, hàng xóm. Những ngày tết, mọi người đều có mặt đông đủ, cùng nhau bày tỏ tình cảm, chúc nhau một năm mới mạnh khỏe, ăn nên làm ra. Người Khơ Mú quan niệm rằng, ngày tết là ngày đoàn tụ, gia đình nào càng có nhiều anh em, bạn bè, con cháu đến chia vui thì năm đó làm ăn càng phát đạt, sung túc.

Tết đến, người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn cũng có hoa quả, bánh kẹo để thờ cúng tổ tiên. Nhưng thứ bánh không thể thiếu là món bánh tét. Để làm loại bánh này, người dân phải chọn loại gạo nếp thơm ngon, loại đỗ tốt và những lá dong đẹp. Bánh gói thành hình tròn, dài như ống bương được luộc nhừ. Mỗi gia đình có một cách gói, một cách gia giảm, hương vị nhưng khi thưởng thức đều cảm nhận được những hương vị đặc trưng như: vị của núi rừng, vị của những giọt mồ hôi, vị của những thành quả lao động.

Tết Nguyên đán và những lễ hội đối với người Khơ Mú là dịp để nhân dân bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên; là dịp để nhân dân bày tỏ tình đoàn kết, quyết tâm phấn đấu cho một năm mới giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc hơn. Đây cũng là dịp thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa, phong tục, tín ngưỡng dân tộc và mang lại niềm vui, sự hứng khởi cho thời gian làm việc sắp tới.

Trần Van

Các tin khác
Ảnh minh họa.

YBĐT - Mới Giêng mà trời cứ như mùa Hạ. Bầu trời xanh mênh mông. Nắng rực rỡ. Gió lộng không gian. Một chiều Giêng lẫn Hạ lạ lùng cứ dẫn dụ tôi lang thang trên con đường làng ven Sông Hồng. Dòng sông mùa này cạn he, nước đã lắng trong, bãi cát trắng phau được viền nâu bởi dải phù sa bồi.

YBĐT - Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó máu thịt với đời sống của người Thái Nghĩa Lộ – Mường Lò, người thiếu nữ Thái ngay từ tuổi cập kê đã được mẹ, được chị hướng dẫn trồng bông, dệt vải, thêu hoa văn, Có thể nói nghề dệt thổ cẩm đã làm nên nét đặc trưng riêng có trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc vùng Nghĩa Lộ – Mường Lò.

Các nghệ sỹ Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái ngâm bài thơ Nguyên Tiêu của Hồ Chủ tịch trong Ngày Thơ Việt Nam tại Yên Bái.(Ảnh: Hoàng Nhâm)

YBĐT - Từ mùa xuân Quý Mùi (2003), ngày Tết Nguyên tiêu có một nội dung ý nghĩa nghệ thuật tầm cỡ quốc gia - Ngày Thơ Việt Nam. Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức rộng rãi trên cả nước với lễ tiết, biểu tượng trang trọng: lá cờ Thơ, Hồ Chí Minh thi sĩ, với thi phẩm thần diệu Nguyên Tiêu. Điều đó đem lại một niềm vui lớn cho giới văn học nghệ thuật cũng như mọi người Việt Nam yêu thơ.

Hoa đào mùa xuân. (Ảnh: Quang Tuấn)

YBĐT - Thế là lại đến mùa xuân ! Ngắm hoa đào nở rồi rụng mà lòng bỗng gợn những nỗi niềm riêng tây không dứt. Xác hoa rơi thắm cả vườn xuân mà gió đông cứ vô tình bay mải miết, ngỡ chẳng hề biết đến nỗi chạnh lòng của niềm li biệt. Bỗng mơ mộng nhớ đến nàng Lâm Đại Ngọc đa sầu đa cảm đứng chôn hoa rồi thở dài vạn kiếp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục