Đi giữa cánh đồng
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/3/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tôi còn nhớ, một trong những công việc đầu tiên của giai đoạn làm "cán bộ hợp đồng thử việc" của mình là được đồng chí Tạ Xuân Hiếu, khi ấy đang là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái giao nhiệm vụ đọc thẩm định một số tác phẩm văn học nghệ thuật đề nghị xét giải văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái cách đây khoảng 3-4 năm. Khi ấy, tập truyện ngắn mang tên Hẻm 98 - ngách N của tác giả Vũ Quý đã để lại trong tôi một ấn tượng khó quên.
"Lúa non ở Mường Lai" - tập ký của Vũ Quý,
Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội năm 2006
|
Mang nặng tâm lý lo lắng về chất lượng công việc đầu tiên được giao, tôi cùng cô bạn đồng nghiệp đã đọc rất kỹ tập truyện, đọc không bỏ sót một từ nào. Cuối cùng, những ý kiến tham mưu của chúng tôi được sử dụng. Tập truyện sau này cũng đoạt được giải cao. Đó là một trong những kỷ niệm của ngày đầu tiên bước vào cuộc đời công tác của tôi. Cũng từ đó, chúng tôi biết đến một tác giả Vũ Quý viết văn, làm thơ, minh họa, làm bìa và viết báo. Một Vũ Quý có tới 23 năm làm nghề dạy học, hiện là biên tập, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Yên Bái.
Một trong những điều khá thú vị là khi tập ký Lúa non ở Mường Lai đang sắp chữ tại Công ty cổ phần In Yên Bái, tôi tình cờ nhìn thấy tập bản thảo có hai chữ Gần dân đã được gạch đi bằng bút màu đỏ, thay vào đó là năm chữ Lúa non ở Mường Lai. Khi ấy, tác giả cũng đang ở đó, tôi hỏi luôn:
-Sao bác không để nguyên cái tên Gần dân ? Nghe có vẻ ấn tượng hơn không?
Tác giả Vũ Quý không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, chỉ cười dí dủm và nói:
-À, ấy là tên một tác phẩm trong tập sách thôi…
Thế là, cái "bệnh nghề nghiệp" trong tôi trỗi dậy, tôi xin phép tác giả rồi cầm tập bản thảo, mở đúng đến bài ký Gần dân. Đó là câu chuyện về ông Đỗ Ngọc Lân - Chủ tịch UBND xã Nam Cường, thành phố Yên Bái, năm 17 tuổi đã được bà con bầu làm tổ phó sản xuất, có tới 30 năm làm công việc của làng xã. Công việc của người cán bộ cơ sở thật không đơn giản chút nào. Qua Gần dân, tác giả đã giải quyết được một cách trọn vẹn vấn đề "lấy dân làm gốc", làm sao để "dân tin". Đó "là dân, gần dân, chia sẻ ngọt bùi cùng dân, yêu làng xã mình tha thiết, ấm áp và trung thực thì dân biết và dân tin. Đã tin rồi thì "khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Trong một ngày vẫn còn dư vị của mùa xuân, tôi có dịp tâm sự với tác giả Vũ Quý. Khi tôi nhắc đến tập ký Lúa non ở Mường Lai ông mới xuất bản, tác giả đã cười phá lên:
-Giời ơi, làm gì có thứ văn chương "ép buộc phải viết" như thế ! Toàn là những cái người ta bảo mình làm thôi.
Mà đúng thật, hầu hết các phần mở đầu đều có các câu, đại loại như: "Viết gì thì viết nhưng ông chịu trách nhiệm cho chúng tôi hai mảng y tế và giáo dục…" (Phố huyện chiều say); "Kế hoạch của chúng tôi là đi viết văn - Vâng, viết văn giời ạ ! Dự định của chúng tôi: một ngày gặp lãnh đạo huyện, hai ngày đi thực tế lấy tư liệu, về mỗi người chắp bút một đôi bài cùng với bài thu thập được của anh em Văn Chấn, về dựng là xong" (Trở lại Mường Lò); "Tôi đến Cổ Phúc, Trấn Yên để làm một công việc vượt quá sức hiểu biết của tôi: viết về đơn vị huyện anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Biết vậy nhưng nhiệm vụ phóng viên thì đi, vụ lợi gì, đơn giản vô tư thì cứ đi ! Để rồi biết gì viết vậy, chứ có ai bắt khoan, bắt nhặt gì đâu" (Một ngày lên Cổ Phúc); "Mà thú thực tôi cảm thấy bất lực trước một việc làm quá sức: viết một bài về ngành kiểm sát sau 40 năm xây dựng và trưởng thành" (Ở nơi ranh giới bình yên); "Hôm nay các anh muốn đi đến đâu, lệnh sếp em chiều, các anh viết hộ chúng em" (Người kho bạc)… Đó, "bị ép buộc" nhưng vẫn hăng say đi, hăng hái viết với một tinh thần đầy trách nhiệm và cẩn thận trước ngòi bút của mình. Cuộc sống trong Lúa non ở Mường Lai là một cuộc sống đầy hối hả…
Vũ Quý chơi đùa với từng con chữ đáng yêu, dẫn dắt, lôi kéo người đọc đi trên những con đường, những cánh đồng, những mảnh đất sống động, đến với những con người thật bình dị, gần gũi mà cao đẹp, đáng khâm phục biết bao nhiêu ! Đó là Trạm Tấu, Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Cổ Phúc, Nậm Tung, Phù Nham, Cát Thịnh, Giới Phiên… Đó là Mường Lò, Mường Lai… Đó là những người làm ngành kiểm sát, bác sỹ, cầu phà, kho bạc… Đó là người Mẹ Việt Nam anh hùng, người thương binh giữa đời thường… Đôi khi, đó lại chỉ là những người nông dân v.v… 24 tác phẩm, chủ yếu là ký, ghi chép, phản ánh nhiều nội dung khác nhau, nhưng lối viết thì không thể lẫn vào đâu được. Phong cách ấy, lối viết ấy, cách dẫn chuyện và kể chuyện ấy chỉ có thể là Vũ Quý.
Trước khi nói ra điều sau đây, có lẽ tôi phải xin phép tác giả trước. Tôi có cảm giác giọng điệu Vũ Quý nhiều khi "tưng tửng" thế nào ấy. Giống như một sự ngang tàng đến mức hồn nhiên, một sự thông minh, dí dỏm. Tuy nhiên, cũng có những đoạn nghe có vẻ quá tự nhiên, đôi chỗ lại hơi "dài dòng văn tự" khiến người đọc cảm thấy hơi sốt ruột…
Có ai đó đã ví văn chương như một cánh đồng, cánh đồng của ngôn ngữ. Với ai thì tôi không biết, nhưng với riêng tôi, Lúa non ở Mường Lai của Vũ Quý đã đưa tôi đi trên những cánh đồng của mảnh đất Yên Bái thân yêu, những cánh đồng đem lại cuộc sống ấm no cho người nông dân, những cánh đồng mang lại vẻ đẹp cho miền đất, quê hương ấy đi vào trong cánh đồng văn chương của Vũ Quý bằng một phong thái hồn nhiên, ngôn từ phóng khoáng, lối dẫn chuyện rất riêng. Tôi đi giữa cánh đồng ấy, miên man và thích thú. Tôi chợt mơ ước có một ngày nào đó, mình được hối hả cày xới trên những cánh đồng ngôn ngữ để có được một vựa lúa của riêng mình. Và chính Lúa non ở Mường Lai đã khiến tôi nảy sinh suy nghĩ ấy…
Hồng Thanh Tâm
Các tin khác
YBĐT - Ngày 13/3, Sở Văn hoá thông tin đã phối hợp với Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh tổ chức cuộc tọa đàm với các họa sỹ chuyên và không chuyên trong tỉnh, đồng thời phát động Cuộc thi sáng tác mẫu Kỷ niệm chương “ Vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển tỉnh Yên Bái”.
YBĐT - Những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007, xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn) đã ngập tràn tiếng chiêng, tiếng trống. Bên những chân ruộng bậc thang, lúa đã bắt đầu bén rễ. Dường như cây cối cũng cảm nhận được sức xuân lan tỏa, trở dậy sau một giấc ngủ dài, đâm chồi nảy lộc. Cùng với nhiều dân tộc khác, đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Nghĩa Sơn cũng đón tết theo phong tục cổ truyền của dân tộc.
YBĐT - Mới Giêng mà trời cứ như mùa Hạ. Bầu trời xanh mênh mông. Nắng rực rỡ. Gió lộng không gian. Một chiều Giêng lẫn Hạ lạ lùng cứ dẫn dụ tôi lang thang trên con đường làng ven Sông Hồng. Dòng sông mùa này cạn he, nước đã lắng trong, bãi cát trắng phau được viền nâu bởi dải phù sa bồi.
YBĐT - Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó máu thịt với đời sống của người Thái Nghĩa Lộ – Mường Lò, người thiếu nữ Thái ngay từ tuổi cập kê đã được mẹ, được chị hướng dẫn trồng bông, dệt vải, thêu hoa văn, Có thể nói nghề dệt thổ cẩm đã làm nên nét đặc trưng riêng có trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc vùng Nghĩa Lộ – Mường Lò.