Góc khuất vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cả làng đồn ầm lên là mẹ cái Lả đang truyền ma lại cho nó, người dân tộc mình gọi ma đó là Phi tham kha (ma ba chân) trước khi bà sắp qua đời. Tục lệ của người dân tộc Thái thường truyền lại những gì thuộc về cá nhân mình cho con gái út và Lả là con út trong nhà.

Gặp nhau ngày hội.
(Ảnh: 
Hoàng Nhâm)
Gặp nhau ngày hội. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

Từ ngày còn ở làng, Lả là đứa chơi rất thân với tôi, nó hiền lành và chất phác. Lả có đôi mắt rất đen, lúc nào cũng mở rất to để nhìn cái gì đó mà tưởng chừng như ngạc nhiên lắm và chưa từng thấy bao giờ. Tôi và nó thường đi thả trâu cùng nhau và đi học cái chữ cũng chung nhau sách in vì nhà hai đứa đều nghèo. Có những hôm, hai đứa vừa chăn trâu, vừa đi lấy quả mâm xôi ăn thật no, đến tối về chẳng ăn được cơm rồi cứ thế là đi ngủ luôn. Trẻ con thì biết đâu là bẩn, là sạch, chỉ biết chơi cả ngày và tối đến lại lăn ra ngủ. Cái ngày còn nhỏ, nghe các bà, các chị trong làng nói chuyện về ma ba chân, họ bảo loại ma này đi đến nhà nào có trâu, bò, lợn, gà mới đẻ là hút chất tanh, khi con ma đó về là con vật non chết ngay. Mỗi lần nghe vậy, tôi cứ mắt tròn mắt dẹt và lại hỏi nó có ăn thịt người không. Các chị chỉ cười mà không trả lời, có chị bảo tôi trẻ con thì cố gắng chăn cái con trâu cho no, học cái chữ thật tốt và không quên nhắc thêm là đừng chơi với con Lả nhiều, nhà nó có nhiều ma ba chân lắm. Tôi chỉ nghe vậy, lúc đó thì cũng sợ, xong tối về lại quên ngay vì tôi rất mến cái Lả. Hai đứa lúc nào cũng có nhau và nó thì rất hiền lành, chẳng hại ai bao giờ cả, làm sao mà có ma được?

 

Thời gian cứ dần trôi, miệng độc ác của người làng thì cứ đồn thổi ngày càng nhiều đến nỗi chị cả của Lả năm nay đã 35 tuổi rồi mà chẳng có chàng trai nào ngó ngàng đến. Thật tội nghiệp, chị ấy ngày ngày phải ở trên nương để tránh cái miệng độc ác của người làng! Tôi và Lả lớn lên bên nhau. Lả ngày càng xinh đẹp, nước da trắng hồng, đôi mắt ngày càng đen hơn mặc dù gia đình rất vất vả. Tôi may mắn hơn Lả vì gia đình có bà con họ ở xa rất tiến bộ đã động viên bố mẹ cho tôi đi học nội trú, rồi tôi cũng cố gắng học và thi đỗ đại học sư phạm. Tương lai của tôi chắc có lẽ may mắn hơn cái Lả...

 

Đi học xa nhà, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn viết thư cho nhau. Lả là đứa rất ít nói, ít khi tâm sự chuyện tình cảm riêng nên tôi cũng không biết nhiều chuyện về gia đình nó. Chỉ biết, nhà nó rất nghèo, bố hay uống rượu và đánh mẹ con nó; có hôm, bố nó đánh mẹ nó, đuổi khắp làng và luôn miệng chửi vì mẹ nó mà con ông không được lấy chồng. Nhà có ba chị em gái, mẹ Lả đã cố sinh lấy một cậu con trai cho bố nó nhưng vẫn không có con trai mà mẹ nó thì lại ngày càng vất vả, gầy yếu. Người làng tôi vẫn còn cổ hủ lắm, gia đình nào mà không có con trai thì đàn ông trong làng chê cười và khinh miệt là không biết đẻ nên mỗi lần đi đâu ăn cỗ lại phải ngồi mâm dưới. Chị gái của Lả 35 tuổi vẫn không lấy được chồng, còn cô chị thứ hai bỏ nhà đi làm xa giờ cũng không biết ở đâu nữa. Còn Lả, nó thương mẹ nên chăm chỉ ở nhà giúp mẹ làm nương, phát rẫy. Càng lớn nó lại càng xinh, nhưng hình như lớn lên nó càng hiểu hơn hoàn cảnh gia đình và đôi mắt lại càng buồn sâu thẳm hơn. Năm nay, nó đã 22 tuổi rồi mà ở cái tuổi này chưa có chàng trai nào dạm hỏi cũng là ế rồi...

 

Những lá thư của Lả gửi cho tôi nét chữ thật nắn nót, thật tròn đẹp như nét người nó vậy. Cứ mỗi dịp nghỉ hè, hai đứa tôi lại ra bờ suối ngắm trăng và tâm sự. Trăng miền núi thật đẹp! Lên trường, lúc nào tôi cũng kể cho các bạn ở đồng bằng nghe những câu chuyện của người miền núi. Trời càng về đêm càng lạnh, dưới làn sương mờ ảo, hai đứa vẫn tâm sự. Trăng càng sáng lại càng buồn hơn nhưng nỗi lòng của Lả thì không ai đo được. Lần này, hai đứa ngồi kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn. Tôi thì toàn kể chuyện vui và những điều mới lạ ở thủ đô cho nó nghe, nó cũng chỉ cười và đôi mắt hơi sáng lên một chút. Im lặng một chút, nó nhìn tôi rất lâu và hỏi:

 

-Muôn này, mày có sợ tao có ma không?

 

Tôi rất ngạc nhiên vì từ nhỏ đến giờ nó chưa bao giờ hỏi tôi điều này. Tôi cũng không biết phải nói thế nào... Bản thân tôi thì chưa bao giờ gặp ma, tôi đi học và biết nhiều, cũng không thấy ai nói là trên đời này có ma.

 

-Tao chưa bao giờ tin trên đời này có ma đâu. Tao thấy mày là người tốt, có hại ai bao giờ đâu. Đừng tin miệng lưỡi dân làng độc ác!

 

Tôi ngước nhìn nó trong làn sương mờ, hình như hai hàng nước mắt nó đang rơi nhưng nó vội lau đi. Sau lần đó, không bao giờ bọn tôi nhắc lại chuyện này nữa. Năm cuối đại học, thời gian của tôi kín lịch, lúc thực tập, khi chuẩn bị thi hết môn, rồi lại chuẩn bị tài liệu để làm luận văn tốt nghiệp. Tôi cũng ít có thời gian tâm sự với Lả. Một buổi chiều trên giảng đường, tôi nhận được thư của nó. Lá thư rất dài, những sáu mặt giấy. Đọc những trang thư lần này, tôi cảm thấy vui hơn! Lả kể với tôi về chuyện tình của nó, một anh kỹ sư mỏ địa chất quê Thái Bình cùng đoàn lên quê tôi đã bén duyên với cô gái nơi rẻo cao. Điều đó có thể lắm chứ, cô bạn tôi xứng đáng được như vậy mà! Nó hiền lành, chăm chỉ, ngoan ngoãn lại rất xinh, có đôi mắt mà biết bao người thiếu nữ mơ ước! Lả cũng kể về những khó khăn, trở ngại khi anh đến với nó. Người làng vẫn độc mồm để ngăn cản tình yêu của nó, vẫn phao tin gia đình nó có ma để anh sợ không đến với nó nữa. Nhưng hai người đã trải qua bao thử thách và lời đồn thổi của dân làng. Nó đã đồng ý theo anh về xuôi để thăm gia đình và nhờ tôi về đợt này "quân sư" cho nó và dẫn tôi đi cùng về quê anh ấy.

 

Tình yêu đã đến với cô bạn bé nhỏ của mình, hạnh phúc nào hơn khi bạn mình được như vậy! Ông trời cũng có mắt đấy chứ, người tốt đâu cứ phải khổ mãi! Sắp xếp thời gian vào cuối tuần, tôi nghỉ một ngày về quê, trong lòng vui rộn ràng. Về đến đầu làng, nghe thấy ba hồi trống thúc giục từ đình làng vang lên, tôi bước nhanh hơn. Chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ đoán làng đã có chuyện rồi... Nhóm trẻ chăn trâu thi nhau chạy về phía cuối làng, nơi nhà Lả ở đó. Tôi hỏi chúng đi đâu, chúng bảo đi xem con ma chết. Tôi giật mình chạy thật nhanh đến nhà Lả. Dưới gầm sàn rất đông người, họ bảo mẹ Lả đang sắp qua đời. Không một ai dám lên nhà vì sợ ma truyền vào người. Tôi lao lên, trong nhà vắng tanh, chỉ có Lả và bố nó cùng một người dì ruột, một ông thầy mo của làng đang yểm bùa quanh ngôi nhà. Tôi lặng người đi. Tôi cảm thấy uất ức trong lòng khi người dân làng chỉ hiếu kỳ đứng dưới xem và sợ không dám lên, thật tệ! Đám tang lặng lẽ rồi cũng qua, không trống kèn ầm ĩ, không khóc than thảm thiết. Trước khi xuống trường, tôi và Lả lại ra bờ suối quen thuộc. Lần này thì Lả không nói một câu, hai đứa đang theo đuổi những suy nghĩ riêng, Lả cũng không khóc. Mặt nó xanh hơn, mắt sâu trũng vì trải qua những ngày đau khổ. Đột nhiên Lả mở lời hỏi tôi:

 

-Anh Thành vẫn rất cần tao đấy, tao sợ làm họ khổ thôi! Mày bảo tao phải làm sao?

 

Tôi nắm tay nó và an ủi, cố gắng vượt qua thách thức của cuộc sống, ngày mai tương lai sẽ khác... Và tôi tin, hạnh phúc đang rộng mở đón Lả ở phía trước!

 

Thu Hương

Các tin khác

YBĐT - Cùng với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, 8 nghệ nhân, nhạc công của đoàn Yên Bái được Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh đưa đi tham gia Liên hoan dân ca Việt Nam 2007 khu vực Tây Bắc tại thành phố Hòa Bình với các tiết mục đặc sắc đại diện cho các vùng miền của tỉnh Yên Bái.

Vòng xòe đêm hội Mường Lò. (Ảnh: Phạm Ngọc Triển)

YBĐT - Nói tới Mường Lò (Yên Bái), người ta luôn nhớ đến một vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa Thái. Song không chỉ có vậy…

Tỉnh Yên Bái gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng dịp kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến. (Ảnh: Quang Thiều)

YBĐT - Sinh ra trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi tôi đến tuổi tới trường thì chiến tranh đã chấm dứt, đất nước đã hòa bình, thống nhất. Tôi và bạn bè cùng trang lứa may mắn được cắp sách đến trường mà không sợ bom rơi đạn lạc và được hưởng mọi thành quả từ sự hy sinh xương máu của cha anh.

YBĐT - Tôi còn nhớ, một trong những công việc đầu tiên của giai đoạn làm "cán bộ hợp đồng thử việc" của mình là được đồng chí Tạ Xuân Hiếu, khi ấy đang là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái giao nhiệm vụ đọc thẩm định một số tác phẩm văn học nghệ thuật đề nghị xét giải văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái cách đây khoảng 3-4 năm. Khi ấy, tập truyện ngắn mang tên Hẻm 98 - ngách N của tác giả Vũ Quý đã để lại trong tôi một ấn tượng khó quên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục