Cội nguồn đất nước - cội nguồn thơ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chào mừng và hưởng ứng Chương trình Du lịch về Cội nguồn của ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Câu lạc bộ Thơ Người cao tuổi tỉnh Yên Bái cho ra mắt tập thơ - nhạc Cội nguồn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2006).

Tập sách là kết quả đóng góp nhiệt tình của 160 tác giả với gần 500 bài thơ, nhạc. Không hẹn mà gặp, không gặp mà vẫn trùng phùng bè bạn vì nguồn tình cảm thiêng liêng cao đẹp đối với quê hương, đất nước tiềm ẩn bấy lâu nay giờ được dịp bung nở, thắm sắc đưa hương.

Mở đầu tập thơ là bài Quốc tịch Văn Lang của vua Lê Hiển Tông, khẳng định tên nước Văn Lang đã được ghi vào lịch sử dân tộc. Chính nơi hợp lưu ba con sông: sông Hồng, sông Lô, sông Đà là đất truyền đời của các vua Hùng: “Mộ tổ trên đỉnh núi, Đền thiêng non tỏ mờ, Dân chúng chăm thờ phụng, Khói hương mãi tận giờ”. Thế nên, tất cả những người con đất Việt “Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Và cũng bởi đều từ một lịch sử mấy nghìn năm, đều chung một quá khứ vàng son và một tương lai sán lạn của dân tộc mà khá nhiều bài thơ hướng cảm xúc về Đền Hùng, đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ:

Theo bậc đá rêu phong lên, lên mãi
Chiều trung du mây quyện dưới chân Người
Tiếng chuông ngân đưa con về với mẹ
Nén nhang đầu dâng kính - cội nguồn ơi!
              (Chiều Đền Hùng - Hòa Bình)

Rồi những anh hùng dân tộc, một đời xả thân vì đất nước như Hai Bà Trưng, Vũ Công Mật, Nguyễn Thái Học và Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn là cảm hứng của lớp người làm thơ cao tuổi. Đứng trước hồ cô Giang, tác giả Hoàng Việt Quân ngậm ngùi cho sự nghiệp chưa thành của những nhà yêu nước “Không thành công cũng thành nhân”; thăm làng quê Kim Liên, vào Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Hoàng Tuyển không khỏi bồi hồi “Cháu con Bác khắp nơi nơi, Vào lăng viếng Bác lệ rơi lối về”. Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, đạo lý đó đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam, nên Lời mở đầu tập thơ viết: “Cây có gốc, gốc vững cây mới lớn tươi xanh. Nước có nguồn, nguồn dồi dào dòng mới mạnh. Người có tổ tiên, tổ tiên oanh liệt hậu thế mới hùng cường. Nhất sinh làm người, có lẽ ai ai cũng chung một suy nghĩ ấy”.

Là những người con quần cư tại Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai, không người làm thơ nào lại không có cảm xúc mạnh về mảnh đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời - cội nguồn dân tộc. Một trung du với những cây cọ “Rễ cầy vào sương gió, che cho đồi những nón quai thao, quạt cho đồi dạt dào ngọn gió” (Trung du - Tạ Minh Châu); một Sa Pa thơ mộng, Bắc Hà chợ phiên hay Âu Lâu bến lửa, Khau Phạ cổng trời:

Nắng vàng Tú Lệ quang mây
Púng Luông trắng xoá giăng dầy mưa rơi
Vẫn chung nhau một khoảng trời
Bên mưa, bên nắng cho người buồn, vui.
 ( Bên kia Khau Phạ - Mai Ngọc Giao)

Quê hương sâu nặng nghĩa tình nên ngõ quê, trường học thuở thiếu thời, hoa cau vườn trà, ngày xuân đi hội lồng tồng... bây giờ đều trở thành kỷ niệm in sâu vào tâm khảm. Đẹp và sâu sắc lại là những mối tình nồng cháy lúc thanh xuân, khi ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhớ lại, chiêm nghiệm:

Tóc em thơm biết bao nhiêu
Mà hoa ngô vướng vào chiều thế em?
   ( Màu xanh em dệt - Phạm Đức Hảo)
Yêu người hẹn trước, thề sau
Khi yêu mới biết mình đâu của mình.
                  ( Yêu - Nguyễn Xuân Huy)

Là tập sách thứ ba sau 10 năm thành lập Câu lạc bộ, các cây viết đã chững chạc hơn. Những bài thơ bớt dần sự dàn trải để cảm xúc dồn nén, hướng người đọc tới suy ngẫm, tìm ra ý nghĩa cuộc sống sau câu chữ. Có khá nhiều bài hay như: Tiếng kèn lá quê mình của Phạm Đắc Được, Em đi hội lồng tồng của Thiện Tâm, Trước tượng Tổ Mẫu Âu Cơ của Nguyễn Vũ Tiềm... Nhiều câu thơ thăng hoa đạt đến sáng tạo:

Đời nghèo bám lấy cổng làng
Hạt cơm cõng củ khoai lang lần hồi.
hay:                                
Người về ngựa dắt chiều nghiêng núi
Chợ tan chuếnh choáng cuộc tình say…

Vẫn biết rằng cái “tâm” đáng quý, song cái “lực” của người cao tuổi chưa đáp ứng được nên chỉ mong tập thơ - nhạc là “tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình”. Về giá trị của tập thơ, xin trích thư của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - Phùng Quốc Hiển gửi Câu lạc bộ Thơ Người cao tuổi: “Đây là những rung cảm thi ca sâu sắc, thiết tha của những con người sống và gắn bó trên mảnh đất “Cội nguồn”; và càng đáng trân trọng hơn khi đó là những sáng tác của người cao tuổi”.

Thế Quynh

Các tin khác
Quế lan hương. (Ảnh Lê Phiên)

YBĐT - Yên Bái là một tỉnh vùng núi, với tiểu vùng khí hậu tương đối ôn hòa: nóng ẩm mưa nhiều, rất thích hợp cho việc phát triển thảm thực vật nói chung và phong lan nói riêng.

Trao 7 giải A cho các tiết mục.

YBĐT - Ngày 24/3, Nhà thiếu nhi tỉnh Yên Bái phối hợp với Phòng Giáo dục thành phố Yên Bái và Thành Đoàn tổ chức liên hoan “Tiếng hát hoạ mi lần thứ IV”.

Gặp nhau ngày hội.
(Ảnh: 
Hoàng Nhâm)

YBĐT - Cả làng đồn ầm lên là mẹ cái Lả đang truyền ma lại cho nó, người dân tộc mình gọi ma đó là Phi tham kha (ma ba chân) trước khi bà sắp qua đời. Tục lệ của người dân tộc Thái thường truyền lại những gì thuộc về cá nhân mình cho con gái út và Lả là con út trong nhà.

YBĐT - Cùng với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, 8 nghệ nhân, nhạc công của đoàn Yên Bái được Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh đưa đi tham gia Liên hoan dân ca Việt Nam 2007 khu vực Tây Bắc tại thành phố Hòa Bình với các tiết mục đặc sắc đại diện cho các vùng miền của tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục