Những trang tư liệu quý viết về Nguyễn Quang Bích lập căn cứ chống Pháp ở Văn Chấn - Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ bảy, 7/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tháng 8 năm Nhâm Ngọ, con trai cả Nguyễn Quang Bích (còn gọi Ngô Quang Bích) là Ngô Quang Đoan, tự là Chương Phủ, hiệu là Tượng Phong có viết về tiểu sử và công trạng của cha với tiêu đề Ngư Phong tướng công hành trạng bằng chữ Hán để lại cho con cháu và hậu thế.
|
Bản dịch đầu tiên do cụ Vũ Đình Ngạn dịch từ một bản chữ Hán của Viện Hán Nôm. Giáo sư Đỗ Văn Hỷ căn cứ vào một bản chữ Hán khác do Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn sưu tầm được vào khoảng năm 1965 hiệu đính lại.
Đây không chỉ là một tác phẩm ghi chép về dòng họ, thân thế, sự nghiệp của tướng quân Nguyễn Quang Bích như một cuốn gia phả, mà còn được coi như là một tác phẩm văn chương thời cận đại. Đọc tác phẩm này, ta cảm kích nhận thấy hình ảnh Nguyễn Quang Bích có mặt không chỉ ở chốn sinh thành thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, mà còn bắt gặp ông ở nhiều nơi trong nước, giữ nhiều chức vụ quan trọng.
Đặc biệt từ năm Hàm Nghi thứ nhất, Ất Dậu (1885) khi Vua sắc phong ông làm Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần Thuần Trung tướng quân, hình ảnh ông nổi lên với tài thao lược, kiên trì cầm quân kháng chiến chống thực dân Pháp ở phủ Hưng Hóa và khắp các vùng rừng núi Tây Bắc của đất nước. Ông lập căn cứ ở Cẩm Khê (Phú Thọ) đến cuối năm 1886 sau khi đi công cán ở Vân Nam (Trung Quốc) về, ông lại cho xây dựng căn cứ địa tại vùng Nghĩa Lộ (châu Văn Chấn, nay thuộc tỉnh Yên Bái) để chống nhau với giặc Pháp lâu dài.
Tác phẩm Ngư Phong tướng công hành trạng của Ngô Quang Đoan đã kể lại chuyện, Nguyễn Quang Bích lập căn cứ kháng chiến chống Pháp ở vùng Nghĩa Lộ (Văn Chấn) khá cụ thể. Xét thấy đoạn văn này là nguồn tư liệu lịch sử rất quý cho những người quan tâm đến lịch sử - văn hóa vùng Văn Chấn - Nghĩa Lộ xem xét tham khảo, nên tôi xin trích đoạn văn này như sau: "Ông đến Vân Nam lần thứ hai. Tổng đốc là Sầm Dục Anh chuyển quốc thư tới triều đình nhà Thanh. Ông lưu lại ở nhà công quán đợi chiếu chỉ, trải qua ba tháng chưa thấy trả lời, các đồ hành lý để công quán bị kẻ gian lấy trộm. Ông đến hội đàm với Sầm Dục Anh. Dục Anh nói: "Nay triều Thanh vừa ký hiệp ước với người Pháp, việc cầu viện của ông khó xong. Bọn chúng tôi cảm kích vì tấm lòng trung nghĩa của ông, xin giúp riêng một số súng đạn. Ông về nước triệu tập nghĩa binh mưu việc lớn, chúng tôi sẽ gửi thêm súng đạn đúng kỳ hạn đưa sang". Điều đình xong, ông về nhà công quán thu xếp hành lý để về nước. Các quan văn võ Trung Quốc quen biết đều đến tiễn tặng. Nhưng ông đều không nhận. Những người cùng đi nói: "Người Trung Quốc tặng là lệ thường, vả lại nay hành lý xác xơ, nếu không nhận thì không có gì để chi phí trong khi đi đường". Ông nói: "Chuyến đi này một thân ta tuy nhỏ, nhưng hệ trọng tới việc nước nếu nhận của biếu, sợ mất quốc thể. Bọn ta còn có được chút ít quần áo khi cần bán đi cũng có thể tạm đủ".
Ông giục gấp đường về, lại đóng tạm ở châu Văn Chấn. Chưa bao lâu, quả nhiên đúng hẹn, Sầm Dục Anh gửi sang 600 khẩu súng, 60 hòm đạn, hai nghìn cân thuốc phiện, kèm theo các đồ hành lý bị mất trộm trước kia, mới điều tra ra, gửi trả. Ông thu nhận xong, cho triệu tập các nghĩa quân lân cận đến phân phát súng đạn. Rồi lập đồn lớn ở châu Văn Chấn làm kế chống giặc lâu dài. Hình thế ở đây có nhiều thuận lợi cho việc đóng quân. Ở giữa có một thung lũng độ 10 mẫu, lại có hai suối bao bọc chung quanh. Nhân dân 3 tổng ở quây quần, ruộng đất màu mỡ, thóc gạo dư thừa. Phía Bắc có suối nước nóng quanh năm, đến mùa đông lại càng nóng. Phía Nam có động đá, bên trong có đường đi ra bốn phía, lại có nhiều thạch bàn rộng có thể nằm ngồi được. Bốn mặt có núi cao bao bọc như bức thành chỉ có 3 con đường hẻm có lối ra châu khác. Ông liền lập một doanh trại ở giữa. Đường hiểm về phía bên phải là Đèo Ách do Chánh đề đốc Kiều đem quân đóng giữ. Đường hiểm trở bên trái tục gọi là Đèo Pha, sai Phó đề đốc Mạc đem quân đóng giữ. Một đường phía sau tục gọi là Khê Vu sai lãnh binh là Vương Văn Doãn đem vệ binh và quân Thanh mới quy phục đóng giữ. Các châu và huyện tranh nhau đem nộp lương thực, đều nộp vào kho dự trữ. Các dân tộc ít người như Thổ, Mường, Mèo, Mán đều phục tùng mệnh lệnh.
Bấy giờ các đoàn quân khởi nghĩa ở miền Trung và miền Bắc: võ tướng như Đề Cương, Đề Cồ ở Sơn Tây; Đề Vân, Đề Vinh ở Bắc Ninh; Đề Tính, Đề Nho ở Bãi Sậy (Hưng Yên); Đề Vũ ở Nam Định; Đề Ngữ ở Thanh Hóa; Đề Nhường, Đề Quảng ở Thái Bình đều do ông cấp phát văn bằng và điều khiển. Văn thần như Chu Thiết Nhai ở Hồ Nam; Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh; Tống Duy Tân ở Thanh Hóa; Nguyễn Tử Ngôn ở Ninh Bình; Nguyễn Thiện Thuật ở Hải Dương; Nguyễn Tán Lý ở Phù Khê; Nguyễn Tán Dương ở Bất Bạt; Đàm Trí Trạch ở Nam Định, đều vượt suối băng ngàn đến bàn tính việc phục quốc, công văn đi lại liên tục như mắc cửi.
Khoảng năm Đinh Hợi (1887), quân Pháp đi lẻn theo đường hẻm, từ Lai Châu đến đánh úp phía sau đồn. Lãnh binh Vương Văn Doãn được tin báo liền điều động vệ binh và quân lính người Thanh chia đường phục sẵn. Khi giặc Pháp tiến vào, phục binh đều đổ ra bắn giết, hai bên bắn nhau dữ dội suốt một ngày đêm. Quân Pháp chết và bị thương rất nhiều phải rút lui. Quân ta vì có ít không dám đuổi theo, chỉ bắt được vài chục khẩu súng đem nộp cho đại bản doanh. Giặc Pháp chở xác chết, cáng thương binh theo đường cũ rút lui. Đồng bào Mèo, Dao biết giặc Pháp thua to liền đốc nhân dân các động ra chặn đường diệt giặc và thu được súng đạn rất nhiều. Hôm sau đem nộp ở doanh trại, ông truyền đem tiền bạc úy lạo cho dân. Đồng bào Mèo, Dao reo mừng cảm tạ. Cách một tháng, giặc Pháp lại đến đánh đồn bên trái, giao tranh mấy trận rồi lại rút quân. Bốn năm tháng hoàn toàn không động tĩnh.
Sau đó đến tháng 3 năm Mậu Tý (1888), có tin báo có độ bốn năm mươi quân Pháp đến khiêu chiến ở đồn bên tả. Tướng sĩ ta đều coi là thường bảo nhau rằng: "Bằng ấy quân lính chẳng đáng lo ngại", không ngờ giặc Pháp dùng mẹo "dương đông kích tây" đem đại binh lẻn theo đường Lạo Khê, tắt qua đường rừng đến thẳng sau lưng đồn Đèo Ách. Đồn này do Chánh đề đốc Kiều đóng giữ cậy thế hiểm trở, trước nay chưa từng bị quân Pháp đến đánh nên chủ quan, phòng bị có phần thiếu chu đáo. Đột nhiên quân giặc đã đông lại ập đến bất ngờ, nên tướng sĩ trở tay không kịp, phải phân tán chạy đi bốn phía. Giặc Pháp ồ ạt kéo vào. Đồn bên trái và đồn phía sau nghe tin có giặc đánh đồn bên phải, kéo quân đến cứu viện thì đồn lớn ở giữa đã bị giặc chiếm rồi. Ông phải tạm lánh vào động người Mèo, rồi rút về thủ hiểm ở châu Phù An. Sau 2 ngày được tin báo quân định rút lui, ông quay về đồn cũ, lại nghe tin thắng trận ở Dụ Phong. Nghĩa quân do Đề Cương (Hoàng Đinh Cương) chỉ huy thắng to, chém được 13 đầu Tây đưa về. Lính Pháp và lính ngụy vừa bị thương vừa chết đến năm sáu trăm người, quân trang quân dụng thu được rất nhiều. Ông có cảm xúc làm bài thơ:
Thoái xá sơn đồn tọa tịch huy
Tự lân điều độ thất tiên ky (cơ)
Gia Nguyên tiệp hỷ liên thời đáo
Thập giải phiên đầu mã tự phi!
Tạm dịch:
Lui đóng sơn đồn, bóng xế tây
Giận mình điều động lỡ cơ hay
Gia nguyên thắng trận tin đồn đến
Mười giải phiên đầu phóng ngựa bay.
Bấy giờ, Hiệp đốc đại thần là Nguyễn Văn Giáp ốm nặng. Ông vẫn đóng quân ở động Mèo. Vừa được hai ngày, thì người dò tin lại báo, quân Pháp đã rút hết, ông trở về đồn cũ thì chẳng may Hiệp đốc đại thần Nguyễn Văn Giáp từ trần. Ông chôn cất và tế xong, ông bảo với tướng sĩ: "Giặc Pháp sợ ta phản công cho nên tạm rút về, đường sá thực hư chúng đã biết rõ, nơi này không nên ở lâu", rồi ông nhổ trại về xã Quế Sơn, thuộc châu Yên Lập tìm đất lập dinh trại, các tỳ thuộc đều sai về nơi cũ để quân sĩ nghỉ ngơi".
Hoàng Việt Quân (Sưu tầm)
Các tin khác
YBĐT - Một số nhà khảo cổ học đã phát hiện được tại di chỉ Hang Hùm nằm bên lưu vực sông Chảy thuộc địa phận huyện Lục Yên những dấu vết của người Việt cổ sống cách đây hàng nghìn năm. Trong vùng lòng Hồ Thác Bà khi chưa ngập nước, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện được nhiều di vật công cụ thời kỳ đá mới.
YBĐT - Việc nghiên cứu về luật tục, cũng như duy trì và ứng dụng nó là phương cách tốt nhất để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng bản làng vùng đồng bào thiểu số ở Yên Bái hiện nay.
YBĐT - Chào mừng và hưởng ứng Chương trình Du lịch về Cội nguồn của ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Câu lạc bộ Thơ Người cao tuổi tỉnh Yên Bái cho ra mắt tập thơ - nhạc Cội nguồn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2006).
YBĐT - Yên Bái là một tỉnh vùng núi, với tiểu vùng khí hậu tương đối ôn hòa: nóng ẩm mưa nhiều, rất thích hợp cho việc phát triển thảm thực vật nói chung và phong lan nói riêng.