Một vùng văn hóa lâu đời dưới lòng hồ Thác Bà

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/4/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Một số nhà khảo cổ học đã phát hiện được tại di chỉ Hang Hùm nằm bên lưu vực sông Chảy thuộc địa phận huyện Lục Yên những dấu vết của người Việt cổ sống cách đây hàng nghìn năm. Trong vùng lòng Hồ Thác Bà khi chưa ngập nước, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện được nhiều di vật công cụ thời kỳ đá mới.

Những dấu tích kiến trúc thời Trần ngay bên bờ sông Chảy, thuộc địa phận huyện Lục Yên.
Những dấu tích kiến trúc thời Trần ngay bên bờ sông Chảy, thuộc địa phận huyện Lục Yên.

Đặc điểm địa hình ở vùng này có nhiều núi cao, lâm thổ sản phong phú và dưới chân núi là những thung lũng rộng, bằng phẳng tạo nên những cánh đồng trù phú hàng ngàn mẫu ruộng. Con sông Chảy là huyết mạch giao thông rất thuận tiện ra vùng ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì) để đi tiếp về xuôi... Những yếu tố trên khiến cho dân cư quần tụ ở nơi này rất sớm, tạo nên châu Thu Vật có mối giao lưu kinh tế giữa miền xuôi, miền ngược khá sôi động. Cũng có lẽ vì thế mà ngay từ thời Trần, khi Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật được triều đình giao trấn ải miền biên viễn phía Bắc nước Đại Việt đã chọn nơi đây làm thủ phủ. Đến thời Hậu Lê, một công thần của triều đình là Gia Quốc Công Vũ Công Mật được giao nhiệm vụ khai phá, mở mang vùng Yên Bình, Lục Yên, Thủy Vĩ (thuộc Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang) cũng chọn nơi này làm thủ phủ.

Tuy nhiên, vào năm 1971, khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà ngăn dòng để phát điện thì cả một vùng văn hóa thuộc châu Thu Vật xưa biến thành hồ nước hàng ngàn héc-ta và nơi sâu nhất khoảng 150m. Điều đó làm cho thế hệ sau này và những khách ở nơi xa đến đây chỉ biết đến một hồ Thác Bà - hồ nước nhân tạo rộng mênh mang. Bởi lẽ đó, việc nói lên những nét khái quát về vùng văn hóa này là điều rất cần thiết.

Về đặc thù văn hóa ở vùng này, có nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng, ngoài những đặc trưng văn hóa tiền sơ sử thì ở đây nổi bật các yếu tố đặc trưng văn hóa của người miền núi (Tày, Nùng, Dao, Cao Lan...); đặc trưng văn hóa của người Việt; đặc trưng văn hóa của sự giao thoa giữa văn hóa của người Việt và văn hóa cư dân miền núi. Cũng có nhà nghiên cứu đã hợp nhất các đặc trưng văn hóa ở vùng này và vùng phụ cận để đưa ra khái niệm "nền văn hóa sông Chảy".
Những nét đặc trưng văn hóa của cư dân miền núi tạm gọi là "văn hóa bản địa" hiện nay vẫn còn thể hiện rất rõ ở ngôn ngữ, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán và các loại hình văn hóa dân gian khác của họ. Yếu tố giao lưu văn hóa giữa văn hóa người Việt và văn hóa bản địa có từ rất sớm, bằng chứng thông qua việc phát hiện được ở vùng này một số trống đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn có niên đại cách đây hơn hai nghìn năm. Nhiều đền, đình, chùa, tháp là những kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo của người Việt đã xuất hiện rất sớm trong địa bàn cư trú của người bản địa, như chùa Hang Úc ở Tân Lập, huyện Lục Yên; đền Đồng Bánh ở trung tâm cũ của huyện Lục Yên. Ngoài ra còn phải kể đến hơn chục đền, chùa, miếu, đình tiêu biểu khác đã được di chuyển hoặc chìm trong vùng lòng hồ như: đình Đồng Phường, đình Lăng, đền Bà Loàn; đình Cát Tường, Đại Đồng Vũ Miếu, chùa Trấu, Chùa Vắp hay còn gọi là Minh Pháp Tự, Đền Miễu... đều thuộc tổng Đại Đồng -  thủ phủ châu Thu Vật, trấn Tuyên Quang.

Sự giao lưu văn hóa giữa người Việt và người bản địa còn được thể hiện rất rõ trong giao lưu thương mại. Địa danh phố Cát (phố Cát Tường của tổng Đại Đồng) nổi tiếng là một trung tâm giao lưu thương mại giữa mạn ngược với miền xuôi. Câu ca "Ai lên phố Cát Đại Đồng"... hàm ý đề cập đến việc người miền xuôi lên đây buôn bán. Ngoài ra, trong vùng lòng hồ còn có địa danh chợ Ngọc mà theo nhiều người cho rằng, đó là một chợ buôn bán rất nhiều hồng ngọc, đá quý. Câu ca: "Còn tiền chợ Ngọc chợ ngà. Hết tiền xuôi ngược Thác Bà, Thác Ông" đã một phần cho thấy cảnh mua bán sôi động. Ở vùng ven hồ Thác Bà thuộc xã Động Quan (Lục Yên), mấy năm trước, người dân còn đào được cả một khu rộng lớn toàn đồ gốm sứ thời Trần, Lê. Có ý kiến cho rằng, đó là một cảng tập kết hàng hóa của người dưới xuôi lên buôn bán, hoặc đó là khu vực chợ gốm sứ. Thời kỳ chưa có Hồ Thác Bà, một số nhà nghiên cứu khảo cổ học còn phát hiện được ở đây những lò sản xuất gạch ngói, đồ gốm gia dụng có niên đại cách đây hàng trăm năm...

Tất cả những điều đó có thể coi như những minh chứng sống động về một vùng văn hóa lâu đời, rất đặc sắc và đậm chất văn hiến của Châu Thu Vật xưa. Và bây giờ, phần lớn không gian của vùng văn hóa ấy chỉ còn là một hồ nước mênh mang - nguồn thủy năng quý giá của Nhà máy Thủy điện Thác Bà.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

YBĐT - Việc nghiên cứu về luật tục, cũng như duy trì và ứng dụng nó là phương cách tốt nhất để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng bản làng vùng đồng bào thiểu số ở Yên Bái hiện nay.

YBĐT - Chào mừng và hưởng ứng Chương trình Du lịch về Cội nguồn của ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Câu lạc bộ Thơ Người cao tuổi tỉnh Yên Bái cho ra mắt tập thơ - nhạc Cội nguồn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2006).

Quế lan hương. (Ảnh Lê Phiên)

YBĐT - Yên Bái là một tỉnh vùng núi, với tiểu vùng khí hậu tương đối ôn hòa: nóng ẩm mưa nhiều, rất thích hợp cho việc phát triển thảm thực vật nói chung và phong lan nói riêng.

Trao 7 giải A cho các tiết mục.

YBĐT - Ngày 24/3, Nhà thiếu nhi tỉnh Yên Bái phối hợp với Phòng Giáo dục thành phố Yên Bái và Thành Đoàn tổ chức liên hoan “Tiếng hát hoạ mi lần thứ IV”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục