Thăng hạng cho bảo tàng

  • Cập nhật: Thứ bảy, 7/10/2023 | 8:25:51 AM

Vốn được xem là “vùng trũng” trong các hoạt động văn hoá, tuy nhiên bằng sự chuyển mình ngành bảo tàng đang tạo dựng cho mình vị thế, dần trở thành địa chỉ hấp dẫn với công chúng.

Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Không để tụt lại phía sau

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cả nước hiện có 188 bảo tàng, bao gồm 128 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập. Các bảo tàng đang lưu giữ trên 4 triệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý giá về lịch sử, văn hóa, dân tộc học, mỹ thuật…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận trong một thời gian dài khi nói đến tham quan bảo tàng, nhiều người thường cảm thấy ngần ngại bởi sự khô cứng, nhàm chán tẻ nhạt, thì nay nhiều bảo tàng đã trở thành các điểm đến hấp dẫn. Trong những năm trở lại đây, nhiều bảo tàng đã nỗ lực đổi mới hoạt động, cách tiếp cận với công chúng. Không ít bảo tàng đã mạnh dạn đưa các công nghệ tiên tiến vào hoạt động trưng bày như công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, công nghệ lưu trữ điện toán đám mây... giúp khách tham quan chủ động tìm hiểu thông tin về hiện vật với cảm giác tự khám phá, trải nghiệm.

Điều này rất hấp dẫn với giới trẻ vốn yêu thích công nghệ và khám phá. Đơn cử như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với tour tham quan theo chủ đề - Highlight tour, với hoạt động trải nghiệm tham quan "Tranh sơn mài Việt Nam” và "Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” vừa mới chính thức được ra mắt. Bảo tàng Lịch sử quốc gia với hàng loạt trưng bày ảo 3D như "Việt Nam thời Tiền sử”, "Văn hóa Đông Sơn”, "Triều Ngô- Đinh - Tiền Lê - Lý, Trần”, "Văn hóa Óc Eo - Phù Nam”…

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số đang là "cánh tay” nối dài giúp các bảo tàng đến gần hơn với công chúng hiện nay, cho dù trong giai đoạn việc "bắt tay” này khiến không ít Bảo tàng gặp phải những khó khăn. 

Đơn cử như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong giai đoạn đầu đặt nền móng cho ứng dụng iMuseum VFA, đã gặp nhiều vướng mắc trong việc lựa chọn đối tác phù hợp, gắn bó lâu dài, cũng như xác định cơ chế hợp tác, bởi thời điểm đó chưa có quy định cụ thể về hợp tác công - tư, cũng như cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa. 

Ở đó, mô hình hợp tác "win - win” giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với Công ty cổ phần phần mềm ứng dụng di động Việt Nam VINMAS là chưa từng có tiền lệ, được xây dựng hoàn toàn trên cơ sở bình đẳng đôi bên cùng có lợi.

Theo TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đơn vị và đối tác đã cùng đồng hành thực hiện dự án từ những bước đi đầu tiên: từ xây dựng đề án, phê duyệt đến triển khai thực hiện. Với nguồn kinh phí đầu tư của đối tác, Bảo tàng xây dựng nội dung, đối tác xây dựng nền tảng công nghệ; Bảo tàng cung cấp địa điểm, đối tác lo nhân sự thực hiện dịch vụ; Bảo tàng và đối tác cùng truyền thông, quảng bá cho sản phẩm… và điều quan trọng là đôi bên cùng chia sẻ lợi ích thu được từ sản phẩm công nghệ.

Đồng hành và phát triển

Có thể nói, bảo tàng không thể tự đổi mới, các hoạt động công nghệ chuyển đổi số không thể tự triển khai bởi những cán bộ còn nặng tư duy cũ, lạc hậu, không chịu làm mới mình. Nói cách khác, công cuộc đổi mới cần bắt đầu từ việc đào tạo, giáo dục nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng nhân sự trẻ - những người có khả năng cập nhật, nắm bắt, tiếp thu nhanh chóng, cũng như năng lực tư duy và sáng tạo mạnh. Bởi thực tế, quá trình đổi mới chắc chắn không thể diễn ra trong vài ngày mà đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian. Do đó, chính những cán bộ nguồn này sẽ là những người đồng hành đắc lực cùng Bảo tàng trên hành trình dài hơi đó.

TS Nguyễn Anh Minh cho rằng, bài toán đổi mới trong bối cảnh công nghệ hiện nay không thể giải quyết một cách đơn độc bởi các đơn vị văn hóa Nhà nước, mà đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Đó là những chính sách ban hành cập nhật kịp thời với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu hợp tác, là sự hỗ trợ về mặt công nghệ, nhân lực kỹ thuật cũng như tài chính từ các đối tác công nghệ, song song với đó là tính tích cực và chủ động của các đơn vị bảo tàng trong nỗ lực chuyển đổi số để chuyển mình. Trong đó, cơ chế phối hợp các bên cần đảm bảo tuân thủ pháp luật, hài hòa cả về mặt lợi ích lẫn trách nhiệm.

Bên cạnh đó, để có một "bệ đỡ” vững chắc về tài chính trong việc chuyển đổi số thì câu chuyện xã hội hoá đang trở thành "kim chỉ nam” cho nhiều bảo tàng.

Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết, xã hội hóa không chỉ mang lại nguồn thu tài chính, mà còn mở rộng thêm các mối quan hệ, thêm hướng hoạt động trong tương lai, góp phần nâng cao vị thế bảo tàng, và công chúng đến và biết đến bảo tàng nhiều hơn. Công tác xã hội hóa bảo tàng đã giúp cho bảo tàng phát huy được sức mạnh, thu hút được nhiều công chúng. Chính vì thế, bảo tàng cần phải phát huy hơn nữa tinh thần liên kết, hợp tác trong công tác lưu giữ, trao đổi, trưng bày hiện vật, các sự kiện liên quan vấn đề xã hội hay giới có tầm ảnh hưởng.

Tuy nhiên, bà Tuyết cũng cho rằng, việc chuyển mình của các bảo tàng là xu thế tất yếu. Nhưng sự phát triển và chuyển đổi đó diễn ra chưa đồng bộ và chưa có hệ thống, chưa trở thành một vấn đề sống còn cho sự phát triển của mỗi bảo tàng. Do đó, bên cạnh việc các bảo tàng tự thân phải đầu tư về chuyên môn, nghiệp vụ và bắt kịp xu thế thì sự tham gia chỉ đạo, định hướng và chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước về di sản, các đơn vị đào tạo trong thời gian tới là rất quan trọng.

"Đây là thời điểm cần thiết để thiết lập một mạng lưới kết nối chặt chẽ giữa các bảo tàng trong nước. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, trao đổi nghiệp vụ để cập nhật những kiến thức và xu hướng phát triển mới cũng là vấn đề cần thiết” - bà Tuyết bày tỏ.

(Theo daidoanket)

Các tin khác
Lễ hội Lam Kinh năm 2023 khai mạc sáng 6-10 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa)

Sáng 6-10, tức ngày 22-8 năm Quý Mão, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ hội Lam Kinh kỷ niệm 605 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, 590 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Cắt băng khai mạc Triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền về các giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Triển lãm giới thiệu 150 tác phẩm của các họa sỹ trên toàn quốc được tuyển chọn từ các Cuộc thi sáng tác tranh cổ động do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức và 40 tranh cổ động tuyên truyền.

Nhà văn Jon Fosse.

Nobel Văn học 2023 vinh danh nhà văn Na Uy Jon Fosse vì những vở kịch và văn xuôi sáng tạo của ông, "mang lại tiếng nói cho những điều vốn không thể lên tiếng".

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phát biểu tại lễ phát động cuộc thi.

Hướng tới Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) và Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2023), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phối hợp Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường tổ chức Cuộc thi "Sáng tác ca khúc về Bình đẳng giới".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục