Được trao truyền qua nhiều đời, cây khèn đã trở thành vật báu gắn với đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông. Dù bao phen dời đổi chạy theo mùa rẫy, cây khèn vẫn là vật bất ly thân, được đồng bào trân trọng, gìn giữ.
Người Mông không nhớ cây khèn có từ bao giờ chỉ biết rằng cây khèn tượng trưng cho tình đoàn kết trong cộng đồng, sự hiếu thảo của con dành cho cha mẹ, tình thương yêu vợ chồng và tấm lòng tương thân, tương ái của anh em trong một nhà.
Khèn (tiếng Mông gọi là "kềnh" hay "khềnh") là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn rỏi, tài hoa hiên ngang giữa đại ngàn gió núi.
Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, đồng thời là nhạc khí linh thiêng kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh, cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời làm tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai Mông.
Với mong muốn bảo tồn, gìn giữ tiếng khèn - nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn, nghệ nhân
Thào Cáng Súa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải đã tận tình hướng dẫn, kèm dạy cho con em trong bản từ động tác cầm khèn, cách điều tiết hơi, đến động tác múa khèn và các điệu nhạc truyền thống của người Mông, khơi dậy niềm say mê, tình yêu nhạc cụ của dân tộc mình.
Nghệ nhân Thào Cáng Súa chia sẻ: "Tôi rất vui khi nghệ thuật khèn của người Mông được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Muốn lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc thì mình phải truyền đạt những gì mình biết cho con cháu, sau này mình già đi, thế hệ con cháu mình sẽ giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc để mang tiếng khèn đi giao lưu với bạn bè thế giới”.
Không chỉ với nghệ nhân, việc nghệ thuật khèn của người Mông ở Yên Bái được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cũng giúp cho thế hệ trẻ thêm tự hào và có động lực để chung tay gìn giữ, phát huy loại nhạc cụ này. Anh Sùng A Dà ở bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, vui vẻ cho biết: "Bản thân tôi thấy rất vinh dự và tự hào. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục duy trì và truyền dạy khèn Mông cho thế hệ trẻ”.
Nếu cây khèn là niềm tự hào của người dân tộc Mông thì chàng trai Mông biết làm khèn, thổi khèn và múa khèn được coi là truyền nhân, được mọi người trong cộng đồng cảm mến. Bởi, họ là những truyền nhân biết kính hiếu tổ tiên, kiên trì tiếp nhận tinh hoa văn hóa của cha ông trao truyền lại, đồng thời tiếp tục là người gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này cho các thế hệ sau.
Khèn được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo và tài năng của những người đàn ông Mông bởi những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương như gỗ, sặt, nứa. Có cây khèn trong tay, nghệ nhân phải rèn cách nhấn nhá, nhả hơi cùng điệu vũ phù hợp theo cung bậc.
Nghệ nhân Thào Cáng Súa tâm đắc: "Khèn hay là khi chơi người và khèn nhập làm một, cuồng say để từng động tác múa hóa thân vào giai điệu. Chính vì thế mà lúc chơi không có động tác thừa, thở ra, hít vào cây khèn đều cất lên âm hưởng của núi rừng, chuyển tải thông điệp, thổ lộ tâm tư, tình cảm của người thổi khèn đến bạn bè và vạn vật quanh mình”.
Bởi gắn bó sâu sắc trong đời sống vật chất, tinh thần nên khèn Mông được ví như hơi thở cuộc sống. Mùa xuân, khèn cất lời rạo rực vui tươi gọi hội, phiên chợ khèn gọi bạn gần xa, chúc lời may mắn. Làng bản mất người, lời khèn trầm đục, lặng buồn tiễn người về với thế giới người hiền. Bởi tâm niệm tiếng khèn là thứ linh thiêng có thể nối được "mường trời, mường đất”, kết nối âm - dương nên đồng bào mượn lời khèn để gửi gắm lòng mình đến thế giới siêu nhiên, gần gũi hơn là gửi gắm đến bè bạn và mọi người trong cộng đồng xã hội.
Tiếng khèn làm quên đi những khó khăn, vất vả sau một năm chăm chỉ lao động mệt nhọc, góp phần gắn kết tình bạn, tình yêu thương con người, tình làng nghĩa bản. Nhưng để nhuần nhuyễn với cây khèn, các nghệ nhân người Mông phải trải qua một quá trình dài kham khổ học luyện. Việc học thổi khèn, múa khèn phần nhiều cần sự cảm hứng, chí thú, say mê, không thể áp đặt. Mỗi ngày một chút, nhất là những đêm trăng, vào hôm có phiên chợ, người học khèn bắt đầu "trình diễn” những bài khèn và vũ đạo giản đơn nhất.
Để lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của khèn Mông, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đã khôi phục nhiều lễ hội có sự hiện diện của tiếng khèn, đưa múa khèn vào các giờ học ngoại khóa để học sinh tìm hiểu và hứng thú với những nhạc cụ dân tộc.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã 3 lần tổ chức thành công Hội thi trình diễn khèn Mông thu hút đông đảo các đội tham gia với nhiều màn biểu diễn chất lượng, hay, hấp dẫn. Đặc biệt năm 2022, huyện Mù Cang Chải lần đầu tiên tổ chức
Festival khèn Mông nhằm khuyến khích, từng bước sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa khèn và nhạc cụ khèn Mông để tổ chức tốt các nghi lễ tín ngưỡng văn hóa dân tộc truyền thống và các hoạt động văn hóa cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của huyện Mù Cang Chải và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Yên Bái.
Đối với khối học sinh trung học phổ thông, huyện tổ chức định kỳ các hội thi múa khèn, múa khăn. Cùng với đó, các trường học trên địa bàn huyện đều có các chương trình dạy và học về khèn Mông, thực hiện thường xuyên, liên tục trong các giờ ra chơi, ngoại khóa thay vì tập thể dục bình thường. Qua đó, lan toả bản sắc văn hóa dân tộc Mông đến thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ và quảng bá nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông đế du khách, dần đưa di sản trở thành tài sản trong phát triển du lịch của địa phương.
Khèn Mông- vật báu biết "nói" lời núi, lời sông, là tiếng lòng nối tiếng lòng. Việc nghệ thuật khèn của người Mông được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia được kỳ vọng giúp các cấp, các ngành có những chính sách đúng đắn, tạo điều kiện và hỗ trợ các nghệ nhân, câu lạc bộ khèn Mông gìn giữ và phát huy giá trị khèn Mông một cách hiệu quả nhất.
Thu Trang