Yên Bái : Mạch nguồn nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/1/2024 | 7:43:50 AM

YênBái - Góc nhỏ trưng bày nào ba lô, túi xách, túi thơm, nào hộp bút, khăn tay, vỏ gối… thêu những họa tiết hoa văn đẹp mắt và rực rỡ trên chất liệu vải thô, vải chàm thật xinh xắn và đáng yêu. Đó là những sản phẩm tham gia Ngày hội STEM năm học 2023 - 2024 và từ Câu lạc bộ Thêu của Liên đội Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngòi A, xã Ngòi A, huyện Văn Yên- những sản phẩm thể hiện sự nối tiếp một tình yêu văn hóa dân tộc.

Thầy Nguyễn Hồng Việt - Hiệu trưởng và cô giáo Phùng Thị Thuần trò chuyện với các em học sinh về sản phẩm ứng dụng từ họa tiết thêu trên trang phục của đồng bào Dao.
Thầy Nguyễn Hồng Việt - Hiệu trưởng và cô giáo Phùng Thị Thuần trò chuyện với các em học sinh về sản phẩm ứng dụng từ họa tiết thêu trên trang phục của đồng bào Dao.

Nụ cười sáng tươi gương mặt thầy Nguyễn Hồng Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngòi A, xã Ngòi A, huyện Văn Yên: "Đây là các sản phẩm tham gia Ngày hội STEM năm học 2023 - 2024 và cả những sản phẩm từ Câu lạc bộ Thêu của Liên đội nhà trường. Khó nói hết niềm vui khi nhóm các em đoạt giải Nhì trong Ngày hội STEM lần đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái tổ chức”.

Bài tập vận dụng, sản phẩm ứng dụng

Cô giáo Phùng Thị Thuần - giáo viên môn Ngữ văn trực tiếp hướng dẫn nhóm học sinh thực hiện "Sản phẩm ứng dụng từ họa tiết thêu trên trang phục dân tộc Dao xã Ngòi A” tham dự Ngày hội STEM. "Khi giảng dạy môn Giáo dục Địa phương lớp 6, có nội dung về "Trang phục truyền thống các dân tộc ở Yên Bái”, tôi đã cho học sinh vẽ các họa tiết trên trang phục dân tộc Dao ở địa phương. Điều này không chỉ tạo cơ hội cho các em tìm hiểu trang phục của dân tộc mình, địa phương mình mà còn biết được về nét đặc sắc, ý nghĩa của các họa tiết hoa văn thêu trang trí trên trang phục dân tộc Dao” - cô Thuần chia sẻ.

Bài tập vận dụng dành cho các em là tập thêu một số hoa văn trang trí trên trang phục dân tộc Dao và sáng tạo các sản phẩm ứng dụng trong đời sống. Không xa lắm thị trấn Mậu A, xã vùng ven Ngòi A có tới 80% đồng bào dân tộc Dao, Tày chung sống. Dễ hiểu khi nhà trường có 60% học sinh dân tộc Dao, 30% học sinh dân tộc Tày. Hẳn rằng yếu tố này đã gợi mở trong cô Thuần về ý tưởng. 

Cô lựa chọn em Đặng Thị Uyên, học sinh lớp 8B và em Triệu Thị Thu Phượng, học sinh lớp 7B cùng là dân tộc Dao đi thi, trước tiên ở cấp huyện. Phượng nói: "Cô Thuần chọn đi thi, em đồng ý luôn ạ!”, còn Uyên thì bày tỏ: "Biết được chọn, ban đầu em hơi do dự vì ngại đám đông. Rồi em nghĩ, nếu tham gia thì mình sẽ dần dần không ngại đám đông nữa, mình sẽ có nhiều trải nghiệm hơn”. 

Cô muốn có các tiết học sinh động, hấp dẫn, thu hút học sinh, nhất là có thể ứng dụng từ chính những điều gần gũi, gắn bó với cuộc sống hàng ngày của các em. Trò muốn có nhiều hơn những trải nghiệm, có vẻ rất đơn giản như vượt qua chính bản thân mình. Cô trò đồng lòng, chung sức thực hiện, sẵn sàng chinh phục mục tiêu tham gia cuộc thi STEM. Tập thêu cho thuần thục, khi có sản phẩm thêu, các em bắt đầu thiết kế các sản phẩm ứng dụng phù hợp. Thêu trên chất liệu vải chàm, có những sản phẩm không tiếp xúc nhiều với nước như túi thơm, tấm thiệp, tranh trang trí trong nhà… Thêu trên chất liệu vải không phai, có những sản phẩm là túi xách, vỏ gối, hộp bút, ba lô… Mỗi họa tiết như cây thông, hoa cây bông, hoa cải… hay hình con chim, con chó, con hổ… hay hình người, mặt trời, hình học… đều chứa đựng biểu tượng của tình yêu, sum vầy, hạnh phúc…


Cô giáo Phùng Thị Thuần, Cầm Thị Lụa xem các em Đặng Thị Uyên, Triệu Thị Thu Phượng học thêu họa tiết trên trang phục của đồng bào Dao do bà Quán Thị Lầu, Phùng Thị Thim chỉ dạy. 

Khơi mở và nuôi dưỡng những tình yêu

Nói như cô Phùng Thị Thuần, xuất phát điểm và nền tảng để cô lựa chọn ý tưởng cho cuộc thi khởi nguồn từ "Gắn kết giữa vận dụng bài học với thực tiễn của địa phương, với hoạt động của Câu lạc bộ Thêu của Liên đội đã giúp cô trò có thêm nhiều thuận lợi trong suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc thi”. 

Ở vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thêu, cô giáo Cầm Thị Lụa - giáo viên Tin học thể hiện niềm say mê với họa tiết thêu trên trang phục của dân tộc Dao xã Ngòi A. Cô Lụa không thể quên dấu mốc đáng nhớ đã đưa mình đến và đi chặng đường tới ngày hôm nay: "Có lần, hai em học sinh nữ hỏi về nguồn gốc của vải chàm, vậy nên tôi ấp ủ thực hiện Dự án "Khơi nguồn bản sắc nhuộm vải của người Dao” vào năm 2019. Sau đó, tôi tiếp tục phát triển thành Dự án "Bảo tồn văn hóa thêu của dân tộc Dao đỏ”. 

Bao cuộc gặp và trò chuyện cùng các bà, các mẹ, các chị người Dao nơi đây, tôi thấy họ có mong muốn truyền dạy cho con, cho cháu nhưng không mấy ai quan tâm theo học. Thuận lợi vô cùng được Ban Giám hiệu rất ủng hộ, tháng 9/2021, Câu lạc bộ Thêu của Liên đội nhà trường chính thức thành lập nhằm thu hút mối quan tâm, khơi gợi tình yêu của học sinh với văn hóa dân tộc Dao qua những họa tiết thêu trên trang phục truyền thống. Mong muốn là có thể truyền đến các em tình yêu văn hóa dân tộc, dù các em là dân tộc Dao, Tày hay là dân tộc nào”. 

Giúp các em tiếp cận nhanh hơn, dễ học hơn, dễ làm hơn, cô Cầm đã công phu mã hóa 16 họa tiết thêu của cả dân tộc Dao đỏ và Dao trắng. 21 thành viên Câu lạc bộ Thêu, trong đó có 18 học sinh dân tộc Dao, 3 học sinh dân tộc Tày, thú vị có cả 3 học sinh nam. Em Phượng trở thành thành viên Câu lạc bộ Thêu từ tháng 9/2022, em Uyên tham gia Câu lạc bộ Thêu từ lúc được chọn đi thi Ngày hội STEM huyện Văn Yên năm học 2023 - 2024. 

Quá trình gắn kết, phối hợp và hỗ trợ hết sức thiết thực, hiệu quả với Câu lạc bộ Thêu để có sản phẩm tham dự cuộc thi STEM cấp huyện đoạt giải Nhì - năm nay cuộc thi không có giải Nhất cho đến quá trình cùng nhau dày công chuẩn bị của cô và trò đã làm nên thành công, mang về giải Nhì cấp tỉnh cho nhà trường. Niềm vui, niềm vinh dự ấy không của riêng ai bởi đã hòa quyện thành niềm vui chung lớn hơn…  

Nối dài niềm vui, tự hào bản sắc

Chị Lý Thị Pham ở thôn Làng Quạch là mẹ em Đặng Thị Uyên. Chuyện của chị Pham xôn xao niềm vui không hề nhỏ: "Trước đây, tôi chưa từng dạy con gái thêu bao giờ. Thế mà có một ngày, con đi học về lại đòi mẹ dạy thêu, nhờ mẹ dạy thêu dù mình cũng biết con đã vào Câu lạc bộ Thêu nhà trường. Sản phẩm đầu tiên của con thêu hình bông lau, tượng trưng cho sự ngay thẳng. Con biết thêu, mẹ thấy vui. Mẹ dạy thêm cho con, để con đi thi tốt”. Điểm đặc biệt trong thêu họa tiết trên trang phục của dân tộc Dao ở chỗ phải thêu mặt trái vải để có sản phẩm chính thức trên mặt phải. 

Đem thắc mắc hỏi bà Quán Thị Lầu, thôn Làng Quạch thì nhận về lời giải thích: "Từ lúc nhỏ bắt đầu học thêu, mình đã được dạy như thế. Tự nghĩ nếu thêu mặt phải vải thì dễ bị bẩn hơn”. Đấy, thật ra có những điều chỉ cần học cho đúng, làm theo đúng là được! Bà Lầu bảo, bây giờ, các cô gái Dao chuẩn bị lấy chồng đều được bố mẹ sắm cho 1 bộ quần áo, yếm, khăn… thêu truyền thống khoảng 18 - 20 triệu đồng, rồi nhà trai cũng mang tới cho cô dâu 1 bộ nữa. Thời đã xưa của các bà, ai nấy đều tự thêu quần áo cưới cho mình, nếu không tự thêu được thì phải mua vì tục kiêng không mượn quần áo cưới, sợ rằng hạnh phúc như đi mượn rồi sẽ đi mất, đi xa khỏi mình thôi. Nay theo cuộc sống hiện đại, mọi người thường chỉ mặc trang phục truyền thống dịp lễ hội. 

Bà Phùng Thị Thim ngồi gần đấy, mải mê chỉ cho cháu Uyên cách thêu, nghe bà Lầu kể chuyện chỉ gật gật đầu tỏ ý đồng tình. Có thêm thông tin của cô Lụa: "Tất cả các cuộc thi đều dừng lại nhưng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự quảng bá, tạo động lực giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa thêu của đồng bào dân tộc Dao. Câu lạc bộ Thêu và Tổ hợp tác Du lịch sinh thái - cộng đồng Khe Cam, xã Ngòi A sẽ có sự phối hợp hiệu quả hơn để quảng bá văn hóa thêu của đồng bào Dao, không ngừng sáng tạo các sản phẩm mới phục vụ phát triển du lịch của địa phương”. 

Chị Bàn Thị Nái - Tổ phó Tổ hợp tác Du lịch sinh thái - cộng đồng Khe Cam cho biết đã chuẩn bị để có 10 bộ trang phục dân tộc Dao phục vụ du khách check-in vào mùa cao điểm du lịch trong năm. Bao dự định cho ngày mai, cho tương lai, dẫu gần dẫu xa sao cứ háo hức, rộn ràng đến lạ...

Cô bé Uyên trầm tĩnh mơ làm chiến sĩ công an và tự thêu cho mình bộ quần áo cưới. Cô bé Phượng lanh lợi chưa biết chọn nghề nào, nói chắc chắn một điều sẽ sáng tạo thêm nhiều họa tiết mới, đẹp hơn để có thể bán được nhiều sản phẩm. Mong ước của cô Thuần, cô Lụa có thêm những tiết học thú vị, nhiều trải nghiệm cho học sinh để biết đến bản sắc văn hóa dân tộc, biết trước đã rồi yêu sau. Mong ước của bà Lầu, bà Thim, chị Pham, chị Nái có thể truyền dạy nghề thêu cho đời con đời cháu, có thể cùng quảng bá bản sắc văn hóa thêu của dân tộc Dao đến với nhiều người. Mong ước, dự định, nỗ lực ấy tựa những sợi chỉ muôn màu "thêu" tình yêu văn hóa dân tộc Dao với sức sống mùa xuân bất tận…

Nguyễn Thơm

Tags Yên Bái văn hóa dân tộc

Các tin khác
Tiết mục nghệ thuật trình diễn dân gian hát Then tại lễ bế giảng

Vừa qua, xã Kiên Thành phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trấn Yên tổ chức bế giảng lớp truyền dạy loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian hát Then.

Tái hiện trên sân khấu Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của đồng bào Mông.

Ngày 24/11/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo. Yên Bái đã có nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với thực tiễn, lan tỏa các giá trị văn hóa, tích cực phát huy nhân tố con người sau 2 năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị này.

Hình ảnh trong phim.

Bộ phim Gặp em ngày nắng tái hiện không khí ngày Tết với những tất bật lo toan từ người trẻ tới người già.

Hoạt động trải nghiệm vui xuân tại Trường Trung học cơ sở Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ.

Chuẩn bị Tết cổ truyền dân tộc 2024, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm vui xuân cho học sinh với các gian trưng bày văn hóa truyền thống các dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục