Chợ phiên Bắc Hà

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tỉnh Lào Cai có nhiều chợ nổi tiếng: chợ tình Sa Pa, chợ trâu Cán Cấu, chợ phiên Bắc Hà. Riêng chợ Bắc Hà là chợ phiên thuộc loại lớn nhất vùng cao biên giới "Đông vui nhất chợ Bắc Hà, sáu ngày trâu ngựa kéo ra chật đường".

Chọn vải cho bộ váy áo mới (Ảnh: Tuấn Anh).
Chọn vải cho bộ váy áo mới (Ảnh: Tuấn Anh).

Trên Dường đi, du khách sẽ gặp núi cao, vực sâu và những thửa ruộng bậc thang, những rừng mận tam hoa ngút ngàn cùng từng nhóm người dân tộc Mông, Tày, Dao cười nói ríu rít, dắt ngựa thồ hàng mang đến chợ bán.

 

Để kịp phiên chợ, họ phải đi từ rất sớm, thậm chí có người đi từ ngày hôm trước đến trưa hôm sau mới đến được chợ.

 

Trước đây, chợ họp trên một quả đồi thoai thoải, sau này được xây mới và được chia ra từng khu vực bán hàng nên đã phần nào mất đi vẻ đẹp nguyên sơ.

 

Chợ Bắc Hà là nơi bày bán đủ mọi sản vật của vùng cao, những vật dụng cần thiết cho người dân tộc: cày, cuốc, xẻng, dao; các loại rau quả, mật ong... Nhưng thu hút phụ nữ dân tộc và khách du lịch nhiều nhất chính là khu bán các đồ trang sức, váy, áo, vải thổ cẩm và cả những chiếc lù cở bằng mây. Tại đây, ta có thể tùy ý lựa chọn những sản phẩm thổ cẩm với những sắc màu rực rỡ của váy áo các thiếu nữ dân tộc Mông, Dao đỏ.

 

Khách du lịch nước ngoài thường trầm trồ trước những bức tranh được dệt thủ công với những họa tiết sinh động, màu sắc hài hòa và đẹp mắt. Đối với đàn ông vùng cao thì chợ cũng là nơi để một tuần họ có thể gặp gỡ, cùng uống rượu bên chảo thắng cố. Những miếng thịt ngựa, thịt bò nóng hổi múc ra bát, nhắm với rượu ngô Bản Phố làm ấm cái bụng trong se lạnh của khí hậu vùng cao. Rượu đặc sản của người Mông Bản Phố được nhiều người biết đến bởi độ nặng và mùi thơm rất đặc trưng.

 

Tới đây, du khách không thể không nhắc tới câu ca cửa miệng đầy ấn tượng: "Khi vào nhớ dốc Trung Đô, Khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà". Quả vậy, đường dốc Trung Đô dài mười bốn cây số cheo leo, quanh co, gấp khúc liên tục và gần như quanh năm có sương mù.

 

Còn rượu Bắc Hà được nấu bằng một loại ngô địa phương với công nghệ hoàn toàn thủ công. Ngô được gieo trồng trên núi đá, sau bốn tháng mười lăm ngày sẽ cho bắp có hạt nhỏ, chắc, màu vàng. Tuy năng suất không cao, nhưng bù lại, hạt mềm, bùi, giàu dinh dưỡng. Đem bung chín rồi ủ kỹ với men được chế từ hạt cây hồng my, một loại biệt dược của người Mông, lúc chưng cất lên sẽ thành loại rượu độc đáo, không thể lẫn với bất cứ  loại rượu nào.

 

Đến chợ Bắc Hà du khách sẽ lạc vào "chợ rượu", dù mua hay không người bán vẫn rút nút chai rót rượu ra và đặt vào tay bạn. Khi giọt rượu đầu tiên chạm môi, thì cảm giác nóng bừng lan tỏa khắp cơ thể khiến ta nhận thấy những giọt rượu chắt ra này cũng nồng nhiệt chẳng kém gì người làm ra nó. Cùng với mận tam hoa, rượu Bắc Hà đã theo chân du khách đi khắp mọi miền của đất nước, ai đã say một lần hẳn nhớ mãi không quên.

 

Khu bán ngựa là nơi thu hút nhiều đàn ông nhất, họ đến từ các bản làng xa xôi, thậm chí cả những người từ các tỉnh dưới xuôi cũng lên đây để mua ngựa. Trong tiếng ồn ào mua bán, nghe đâu đó tiếng khèn và tiếng hát lúc trầm lúc bổng của các chàng trai trẻ như mời gọi các cô gái, để mà "Vòng ô xòe trên tay, điệu khèn nghiêng nghiêng núi, lời chạm lời bối rối". Khách du lịch đến Bắc Hà, nhất là khách nước ngoài, rất thích thú với những khám phá mới về cuộc sống, phong tục của người dân nơi đây.

 

Trong xu hướng bị thương mại hóa của các chợ vùng cao hiện nay thì Bắc Hà là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ được bản sắc dân tộc, nét riêng độc đáo của các phiên chợ xưa. Đến Bắc Hà, bạn sẽ không gặp cảnh mời chào chèo kéo mua hàng, mà chỉ thấy những gương mặt thuần phác trong bộ quần áo dân tộc sặc sỡ, họ đến chợ ngoài mục đích mua bán còn là để vui với chợ, vui với khách đi chợ. Chiều đến, chợ bắt đầu vãn khách, người chồng say rượu ngồi liêu xiêu trên lưng ngựa, người vợ dắt ngựa về bản là một hình ảnh muôn thuở đọng lại trong tâm trí khách mỗi lần đến với nơi đây.

 

Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng nổi tiếng, chợ phiên văn hóa Bắc Hà tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt với du khách thập phương. Để giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người của Bắc Hà với du khách trong và ngoài nước, huyện Bắc Hà tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Hà năm 2007 vào đầu tháng 6 với các nội dung: ''Giải leo núi chinh phục đỉnh núi Ba mẹ con", "Đua ngựa" cùng các hoạt động văn nghệ, thể thao dân tộc, thi trang phục truyền thống đẹp của các xã, thị trấn... Bắc Hà sẽ là điểm hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan trong tua du lịch "Về cội nguồn".

 

Nam Hà

Các tin khác

Đã lâu rồi nhưng còn nhiều chàng trai Mông còn nhớ cô gái đẹp lên bản Mông dạy chữ. Cứ mỗi khi cuộc khèn vang tiếng là cô có mặt. Người Mông ở vùng Pà Cò này vẫn bảo cô đã mê tiếng khèn của người Mông rồi. Không chỉ có cô giáo người Kinh nọ bị tiếng khèn của những chàng trai Mông mê hoặc mà cả những vị khách xa đang trong chuyến du lịch sinh thái trên cùng núi cao Hang Kia, Pà Cò (Hoà Bình) mà bất chợt nghe vẳng xa đâu đó điệu khèn lại bỗng thấy cái cảm giác thư thái, yên bình.

YBĐT - Người Thái Mường Lò ở nhà sàn, có cách sắp xếp mang bản sắc văn hóa khá độc đáo. Trong nhà người Thái không có vách ngăn, nên khá rộng rãi. Cửa vào nhà từ hai đầu hồi, gần với hai cầu thang lên. Các cầu thang có bậc lẻ, bà con phân biệt với bậc thang chẵn, chỉ dành cho ma lên xuống. Khi trong nhà có người qua đời, gia chủ mới để dỡ vách, bắc cầu thang có bậc chẵn.

YBĐT - Vừa qua, Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Văn Yên và huyện Văn Bàn (Lào Cai) phối hợp với 2 xã Châu Quế Thượng và Tân An cùng đội thông tin lưu động hai huyện tổ chức chương trình giao lưu văn hóa - thể thao.

Ảnh minh hoạ. )Ảnh: Thành Trung.

YBĐT - Với người Thái Tây Bắc, "khắp" - tức là hát, hò, ngâm, là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu. "Khắp" có nhiều điệu và cách thức khác nhau. Song phổ biến và lôi cuốn lòng người chính là "khắp báo xao" - tức là hát trai gái giao duyên. Đây là tiếng nói của tình yêu mà cội nguồn là cuộc sống, được các đôi trai gái thổi vào hơi thở của tình yêu bất diệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục