Trình diễn 3D mapping về sách và văn hóa đọc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/4/2024 | 2:40:19 PM

Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba - năm 2024 diễn ra lúc 19h ngày 17 - 4, tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) sẽ có phần trình diễn công nghệ 3D mapping hấp dẫn về sách, truyền thống hiếu học, văn hóa đọc.

Họp báo thông tin về chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba.
Họp báo thông tin về chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba.

Đây là chia sẻ của Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên trong cuộc họp báo về chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba, tổ chức sáng 12 - 4, tại Hà Nội.

Theo đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức với nhiều hoạt động, sự kiện phong phú, đa dạng nhằm tôn vinh sách và cổ vũ phát triển văn hóa đọc trên cả nước.

Chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay mang các thông điệp "Sách hay cần bạn đọc”; "Sách quý tặng bạn”; "Tặng sách hay - Mua sách thật”; "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe” được tổ chức trong suốt tháng 4, trọng tâm từ ngày 17 - 4 đến 1 - 5.

Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba diễn ra lúc 19h ngày 17 - 4, tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cùng với trình diễn 3D mapping, chương trình lễ khai mạc còn có các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và trực tuyến trên các nền tảng của các đài phát thanh - truyền hình địa phương cùng một số trang điện tử.

Trong khuôn khổ lễ khai mạc, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trưng bày các bộ sách quý về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; ảnh và sách về đất nước, con người Việt Nam trên các phiên bản điện tử hiện đại và các ấn bản trực tiếp.

Hoạt động được tổ chức quy mô nhất dịp này là Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba được tổ chức ngay tại khu vực Hồ Văn (nằm trong quần thể Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) từ 19h ngày 17 - 4 đến hết ngày 21 - 4. Dự kiến có khoảng 60 đơn vị xuất bản, phát hành tham gia trưng bày, giới thiệu và cung cấp cho bạn đọc trên 40.000 tựa sách có giá trị.

Theo ông Nguyễn Nguyên, hội sách sẽ mở từ 8h đến 22h hằng ngày và hoàn toàn miễn phí cho độc giả, du khách tham quan, trải nghiệm. Trong suốt thời gian diễn ra hội sách, độc giả được tham gia các sự kiện tọa đàm, giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật tiêu biểu... Ngoài ra, độc giả còn được hưởng nhiều chương trình ưu đãi về sách hấp dẫn của các đơn vị xuất bản, phát hành.

Song song với Hội sách thực địa, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Cục Thông tin đối ngoại và các nhà xuất bản tổ chức Triển lãm, Hội chợ sách online trên nền tảng số quốc gia vietnam.vn, từ ngày 15 đến 30 - 4 với chủ đề "Sách hay tìm bạn đọc” hướng tới phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Bạn đọc trong và ngoài nước có thể trực tiếp lựa chọn mua sách sau khi đã tham quan triển lãm thông qua sự kết nối trực tiếp giữa nền tảng số quốc gia vietnam.vn với sàn mua bán sách trực tuyến Books365.vn.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức lễ phát động Ngày đọc sách trong thanh niên Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba vào ngày 19 - 4, tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (Hà Nội).

(Theo HNMO)

Các tin khác

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh thông tin, vào ngày 10-10 tới đây, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ chiếu phim này cho khán giả cả nước xem.

Tái hiện cảnh Vua Hùng dạy dân cấy lúa.

Sau nhiều năm bị mai một, năm 1993, Minh Nông lần đầu tổ chức phục dựng lại một phần lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Năm 2018, lễ hội được thành phố Việt Trì khôi phục, tổ chức quy mô. Các nghi lễ truyền thống như cáo yết, cúng Thần Nông, tế lễ, rước kiệu, đặc biệt là phần tái diễn sự tích “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” được tiến hành đầy đủ, trang nghiêm.

Văn nghệ sĩ trong tỉnh tham gia Trại sáng tác chuyên ngành Văn hóa dân gian, VHNT các dân tộc thiểu số năm 2024 tại Lục Yên, góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất con người vùng đất ngọc đến với du khách gần xa.

Những năm qua, văn học nghệ thuật (VHNT) Yên Bái đã có nhiều đóng góp tích cực trong tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của huyện Lục Yên. Trong đó, nhiều tác phẩm VHNT của các tác giả đã đạt được giải thưởng, góp phần đưa hình ảnh du lịch Lục Yên đến đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh.

Chùa Thầy ở xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội là danh thắng nổi tiếng.

Từ ngày 12 tới 16-4, huyện Quốc Oai, Hà Nội sẽ tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và khai hội chùa Thầy năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục