Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tập trung triển khai kịp thời nhằm tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong xây dựng môi trường, đời sống văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân.
Một trong những nỗ lực nổi bật là đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hoá. Những năm gần đây, chính quyền địa phương các cấp đã đẩy mạnh xây dựng và sửa chữa thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần tăng cường đáng kể khả năng tiếp cận và thụ hưởng các hoạt động văn hóa của người dân trên địa bàn.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa không chí tạo ra những không gian thuận lợi để người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia các hoạt động văn hóa mà còn giúp nâng cao nhận thức, kiến thức; góp phần rèn luyện kỹ năng sống, gắn kết cộng đồng và tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của con người.
Nhà văn hóa tổ dân phố Phúc Sơn, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái nhiều năm nay đã trở thành điểm tập luyện thể dục thể thao, cũng như diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của tổ dân phố. Mỗi buổi chiều, 2 sân bóng chuyền, cùng sân dụng cụ thể dục đều thu hút đông đảo người dân tham gia.
Bà Nguyễn Thị Vân - tổ Phúc Sơn chia sẻ: "Chiều nào, tôi cũng ra đây tập luyện, vừa khoẻ vừa sảng khoái, trò chuyện cùng mọi người vui vẻ, thắt chặt tình làng nghĩa xóm”.
Chị Trần Thị Hải lại thường xuyên đến đây vào mỗi tối để tập luyện cùng câu lạc bộ dân vũ của tổ. Chị chia sẻ: "Từ ngày thành lập đội dân vũ, tôi tham gia đầy đủ. Luyện tập giúp tôi quên hết mệt mỏi sau một ngày làm việc, lao động”.
Cùng với việc quan tâm tới các thiết chế văn hóa cơ sở, chính quyền địa phương các cấp chú trọng đa dạng hóa các hình thức và nội dung hoạt động văn hóa nhằm thu hút sự tham gia của người dân. Các chương trình như trình diễn nghệ thuật dân gian, liên hoan văn hóa cộng đồng, triển lãm ảnh hay các lớp học dạy nghề truyền thống... đã được tổ chức thường xuyên và thu hút đông đảo người tham gia.
Ông Hoàng Văn Tuấn ở xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình chia sẻ: "Trước đây, các hoạt động văn hóa ở địa phương không mấy phong phú và hấp dẫn. Nhưng trong vài năm trở lại đây, chúng tôi thấy mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Các chương trình văn hóa ngày càng đa dạng. Đây là những cơ hội tuyệt vời để chúng tôi được học hỏi, giao lưu và thư giãn sau những ngày làm việc vất vả”.
Trung tâm Văn hóa tỉnh là đơn vị nòng cốt trong hoạt động đưa văn hóa về cơ sở. Hàng năm, Trung tâm tổ chức 60 buổi biểu diễn phục vụ cơ sở, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; tuyên truyền lưu động trên 100 buổi.
Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: "Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa cơ sở, với chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng năm, Trung tâm mở 2 lớp hướng dẫn các hạt nhân văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Sau mỗi lớp đều xây dựng các tiết mục, tổ chức biểu diễn báo cáo. Cùng với đó, Phòng Nghiệp vụ văn hóa cơ sở thường xuyên tham mưu để xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ hoạt động văn hóa cơ sở”.
Hiện nay, Trung tâm có 8 câu lạc bộ hoạt động trực thuộc đơn vị. Mỗi năm, Trung tâm tổ chức trên 350 buổi sinh hoạt cho các câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng, có các nghệ sĩ chuyên nghiệp hướng dẫn từ biên đạo múa, xây dựng chương trình, dàn dựng tiết mục hát, cử nhạc công phục vụ luyện tập… Từ đó, những diễn viên của các câu lạc bộ về địa phương làm nòng cốt cho phong trào văn hoá, văn nghệ cơ sở.
Bên cạnh việc tăng cường khả năng tiếp cận văn hóa, các cấp, các ngành trong tỉnh cũng nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Các di sản văn hóa vật thể như kiến trúc, hiện vật cổ và phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật dân gian... đều được quan tâm bảo tồn và phát huy một cách bài bản.
Ngoài việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh còn chú trọng vào việc gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hoá phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật truyền thống đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, góp phần đưa các giá trị văn hóa truyền thống của Yên Bái đến gần hơn với công chúng. Các nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian cũng được tôn vinh, động viên và có cơ hội giao lưu, truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Yên Bái đang từng bước trở thành một điểm đến văn hóa đầy hấp dẫn, không chỉ đối với du khách mà còn đối với chính người dân địa phương. Mức độ thụ hưởng văn hóa của người dân ngày càng nâng cao.
Thanh Vy