Quy định tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bảo đảm các quyền thụ hưởng văn hóa của con người trong tình hình mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/7/2024 | 7:38:24 AM

Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thừa ủy quyền của Chính phủ trình lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, dự án Luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 sắp tới. Đây là dự luật nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Hình minh họa
Hình minh họa

Bảo đảm các quyền thụ hưởng văn hóa của con người trong tình hình mới

Cơ bản thống nhất với các nội dung Tờ trình của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật, ĐBQH Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ cho rằng, các quy định trong dự thảo luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo tồn, phát triển văn hóa và bảo đảm các quyền thụ hưởng văn hóa của con người trong tình hình mới.

Đại biểu cũng bày tỏ tán thành với tên gọi và đối tượng áp dụng của dự thảo luật, dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung di sản tư liệu và bổ sung đối tượng áp dụng rộng rãi trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đã bổ sung các quy định về đầu tư, xây dựng, cải tạo công trình trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích, hoạt động kinh doanh dịch vụ về di sản văn hóa về các điều kiện đảm bảo trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng đã cơ bản bao quát các nội dung mà luật đã hướng đến.


Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Đào Chí Nghĩa đóng góp một số ý kiến cụ thể.

Thứ nhất, về kỹ thuật soạn thảo văn bản và ủy quyền lập pháp, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo luật để sử dụng và giải thích các khái niệm, thuật ngữ pháp lý đảm bảo tính cụ thể, chi tiết, áp dụng được ngay và có tính quy phạm cao.

"Các khái niệm được giải thích từ ngữ tại Điều 3, về di tích lịch sử văn hóa, về bảo vật quốc gia, hiện vật, bảo tàng cần được rà soát, chỉnh lý lại để bảo đảm tính pháp lý chính xác và thống nhất trong cách hiểu" - đại biểu nêu ví dụ.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định cụ thể ngay trong luật những vấn đề có liên quan đến quyền của chủ thể trong hoạt động di sản văn hóa.

Vấn đề thứ hai mà đại biểu Đào Chí Nghĩa đề cập đó là nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều 6. Theo đại biểu, khoản 5 quy định ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các nhóm dân tộc thiểu số có khó khăn, nhóm dân tộc thiểu số đặc biệt ít người, đặc thù và những di sản có giá trị toàn cộng đồng xã hội.

Về nội dung này, đại biểu đề nghị bên cạnh nội dung quy định ưu tiên bảo vệ di sản văn hóa, cần bổ sung nội dung quy định phát huy giá trị di sản văn hóa, vì đây cũng là tài sản văn hóa của các quốc gia, đồng thời nhằm thống nhất với định nghĩa tại khoản 1 của điều này.

"Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng dân tộc Việt Nam và cũng là một bộ phận của văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân" - đại biểu nhấn mạnh.

Rà soát để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi Quốc hội thông qua

Thứ ba, về chính sách của Nhà nước đối với di sản văn hóa, theo đại biểu, ngoài các quy định về di sản văn hóa ở Điều 7, dự thảo luật còn các nội dung có liên quan về di sản văn hóa rải rác ở các điều, cụ thể như Điều 13 quy định về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, điểm g khoản 1 Điều 81 quy định về hỗ trợ nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, người trực tiếp trông coi di tích lịch sử văn hóa, cá nhân, chủ sở hữu di sản tư liệu được UNESCO ghi danh theo quy định của pháp luật, tại khoản 1 Điều 88 quy định về khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, các hội về văn học nghệ thuật và khoa học - công nghệ đủ điều kiện tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đại biểu đề nghị gộp các nội dung chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa thành 1 điều sẽ bảo đảm tính phù hợp hơn.

Thứ tư, về các hành vi nghiêm cấm ở Điều 8, tại khoản 4 và khoản 6, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo gộp 2 khoản này thành 1 khoản quy định thì luật sẽ ngắn gọn hơn vì 2 khoản này thuộc phạm vi điều chỉnh giống nhau. Tại khoản 12, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ "tổ chức lễ hội" sau cụm từ "lợi dụng hoạt động di sản văn hóa" để quy định luật được bao quát hơn. Còn tại khoản 3, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh cụm từ "Giám đốc Bảo tàng" thành cụm từ "cơ quan có thẩm quyền" và bổ sung cụm từ "bằng văn bản" sau cụm từ "đồng ý" để quy định Luật được chặt chẽ và thống nhất với các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Vấn đề thứ năm mà đại biểu đề cập đó là về ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể (Điều 12). Tại điểm a khoản 3 Điều 12 quy định: "Di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh sẽ hủy bỏ trong trường hợp không còn đáp ứng tiêu chí quy định tại khoản 4 Điều 11 của luật này".

Theo đại biểu, quy định này có thể hiểu di sản sẽ bị hủy bỏ sau khi được ghi danh thay vì phải hiểu hủy bỏ ghi danh. Bên cạnh đó, cụm từ "không còn đáp ứng được tiêu chí" chưa cụ thể, không nêu rõ việc không đáp ứng các tiêu chí nào mới bị hủy bỏ ghi danh. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh để phù hợp hơn.

Vấn đề thứ sáu, theo đại biểu, tại hoạt động trưng bày hiện vật, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể (Điều 72). Trong đó, điểm c khoản 2 Điều 72 quy định: "Việc giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể phải gắn với hiện vật và nội dung trưng bày của bảo tàng, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể".

Đại biểu cho rằng việc quy định như vậy sẽ hạn chế phạm vi hoạt động giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của Bảo tàng. Vì thực tiễn cho thấy không nhất thiết phải có hiện vật nhưng bảo tàng vẫn có thể giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với hoạt động./.

Mong muốn thống nhất nhận thức về di tích lịch sử văn hóa tôn giáo là loại hình di tích hỗn hợp

Nêu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, dự thảo luật đã được nghiên cứu khoa học, nghiêm túc, có nhiều đổi mới và sát thực tiễn hơn so với luật hiện hành.

Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, đại biểu cho biết, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này có đề cập đến các quy định về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử văn hóa, di vật, cổ vật, di sản, tư liệu nói riêng.

Theo đại biểu, riêng về di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo đang chứa đựng không chỉ giá trị di sản vật thể, giá trị di sản phi vật thể riêng mà nó là hòa đồng, tích hợp các giá trị từ công trình kiến trúc, từ di vật, cổ vật, từ tập quán, xã hội, tín ngưỡng, từ cảnh quan thiên nhiên, từ lễ hội. Đây là đặc thù của di tích lịch sử văn hóa tôn giáo. Vì vậy đại biểu mong muốn cơ quan soạn thảo xem xét cụ thể hóa về tiêu chí nhận diện di tích hỗn hợp và về xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Cũng theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, với quá trình phát triển, nhiều ngôi chùa tại Việt Nam đã được xếp hạng các cấp di tích cấp tỉnh, quốc gia và có nhiều chùa là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Các chùa ở đây không chỉ là di tích lịch sử, kiến trúc, cảnh quan mang đậm dấu ấn Việt Nam mà còn là nơi diễn ra các lễ, như Lễ hội Phật Đản, Lễ hội Vu Lan đặc thù của Phật giáo và các Lễ cầu Quốc thái dân an, Lễ hội đình, đền, chùa tín ngưỡng và Phật giáo địa phương.

Với đời sống văn hóa cộng đồng, Nhân dân, trong các chùa còn là nơi chứa đựng các di vật, báo vật như các pho tượng, chuông, mõ, kinh điển được đúc bằng đồng, tác đá, tạc gỗ, các chất liệu, các nghệ nhân, biểu trưng cho nghề truyền thống trong văn hóa Việt Nam, trong các chùa có các di sản tư liệu của một giai đoạn lịch sử nhất định hay của một nền văn hóa quốc gia được trong nước và ngoài nước quan tâm.

Từ dẫn giải trên, đại biểu mong muốn thống nhất nhận thức về di tích lịch sử văn hóa tôn giáo là loại hình di tích hỗn hợp, vấn đề này cần được cụ thể hơn về đặc thù nêu trong luật, như nhận diện di tích xếp hạng, chính sách đặc thù cho người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích, cơ chế trong bảo vệ, sưu tầm, kiểm kê di vật, cổ vật và phát huy giá trị.

(Theo Tổ quốc)

Các tin khác
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh hướng dẫn thế hệ trẻ thêu họa tiết trang phục truyền thống của đồng bào.

Cộng đồng người Xa Phó sinh sống tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái. Đây là những cư dân đầu tiên đến khai khẩn vùng đất này. Đến nay, người Xa Phó vẫn còn gìn giữ được nét đẹp trong trang phục truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo.

Ban tổ chức Hội thi  trao giải Nhất toàn đoàn cho huyện Yên Bình, huyện Lục Yên, thành phố Yên Bái.

Trong 2 ngày (ngày 5-6/7), tại Trung tâm văn hoá huyện Yên Bình, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thi Tuyên truyền lưu động tỉnh Yên Bái lần thứ XVI, năm 2024. Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự Hội thi.

Hình vẽ được tìm thấy trên đảo Sulawesi có 3 người thú và một con lợn rừng. Ảnh: Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia

Một nhóm các nhà khảo cổ học quốc tế đã tìm thấy tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới trên một hòn đảo ở Indonesia.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Lục Yên cùng nhân dân tham quan Khu di tích lịch sử cách mạng Cổ Văn.

Xã Mường Lai, huyện Lục Yên vừa tổ chức động thổ tu sửa, nâng cấp Di tích lịch sử cách mạng Cổ Văn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục