Nhộn nhịp chợ rằm tháng 7 vùng cao

  • Cập nhật: Chủ nhật, 18/8/2024 | 3:02:26 PM

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng, ngày rằm tháng Bảy là dịp lễ quan trọng, là ngày Tết lớn chỉ sau Tết Nguyên đán. Và những phiên chợ Rằm tháng Bảy luôn có không khí mua bán nhộn nhịp, bởi ai cũng muốn chuẩn bị cho một ngày Tết thật chu đáo.

Chợ phiên ngày rằm tháng Bảy tại Cao Bằng nhộn nhịp không kém ngày chợ Tết Nguyên đán
Chợ phiên ngày rằm tháng Bảy tại Cao Bằng nhộn nhịp không kém ngày chợ Tết Nguyên đán

Rằm tháng 7, theo phong tục của người Tày, người Nùng ở Cao Bằng, các gia đình sẽ làm các loại bánh gai, bánh dợm, làm mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo. Do vậy, phiên chợ Cao Bình, thành phố Cao Bằng những ngày này cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Đây là từng là khu chợ đầu mối quan trọng của người dân thành phố Cao Bằng, huyện Hòa An cùng một số vùng lân cận. Những ngày này, khu chợ luôn tấp nập người từ khắp nơi đổ về. Nơi được quan tâm nhất là khu chợ bán vịt và các loại gạo nếp cùng nguyên liệu làm bánh.

Bà Đàm Thị Phận, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng cho biết: "Đây là cái tết truyền thống của dân tộc người Cao Bằng, từ lúc sinh ra lớn lên đã có rồi, thấy cha mẹ mình làm thì tiếp tục làm thôi. Nhà nào cũng làm nhiều bánh, gia đình đông người thì làm bún nữa, không thì ra chợ mua, vì đến Rằm là ngày nào cũng có bán".

Hiện Cao Bằng vẫn duy trì được nhiều chợ huyện, chợ xã họp theo phiên 5 ngày 1 lần. Chính vì người dân xem trọng dịp Rằm tháng Bảy, nên các chợ phiên cũng trở nên nhộn nhịp không kém chợ Tết Nguyên đán. Tại chợ phiên Trùng Khánh (huyện Trùng Khánh), dịp này có riêng một khu bán vịt kéo dài cả 2 khu phố. Người Tày, Nùng có câu "Bươn chiêng kin nựa cáy, bươn chất kin nựa pết - nghĩa là Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng Bảy ăn thịt vịt. Theo tục lệ, trên mâm cúng bàn thờ tổ tiên, mâm cỗ gia đình không thể thiếu thịt vịt. Chính vì vậy, chợ vịt Trùng Khánh tấp nập người mua người bán. Vịt cỏ Trùng Khánh vốn đã nổi tiếng từ lâu vì được người dân chăn thả tự nhiên ngoài sông suối, thịt thơm ngon. Để có những con vịt ngon nhất cho Rằm tháng 7, người dân đã phải nuôi từ sau Tết Nguyên đán. Mỗi cặp vịt to thường lên đến 500.000đ, còn trung bình cũng từ 400.000-450.000đ/đôi.


Một tiểu thương tại chợ huyện Trùng Khánh cho biết: Thời điểm này, sức mua tăng cao gấp 3-4 lần so với ngày thường, lượng hàng hóa dồi dào, giá cả tương đối ổn định. Phiên chợ vùng cao chủ yếu bày bán các loại mặt hàng thiết yếu, đa số là hàng nông sản địa phương được người dân đem ra trao đổi, mua bán: "Người dân chủ yếu đi mua đồ về làm bánh gai như gạo nếp, đỗ, lạc, đường. Năm nay giá cả bình thường, không tăng như mấy năm trước đâu”.

Mặc dù trong nhịp sống hiện đại bận rộn ngày nay, Rằm tháng 7 vẫn là dịp để gắn kết tình cảm gia đình với tục "pây tái” – tức là về ngoại để báo hiếu cha mẹ. Nét văn hoá đặc sắc này từ lâu đã được xem là một phần quan trọng trong đời sống văn hoá tâm linh của người Cao Bằng. Vì vậy, chợ phiên vào ngày rằm ở Cao Bằng cũng trở thành nét đặc sắc riêng có, là nét độc đáo với du khách thập phương.

(Theo VOV)

Các tin khác

Theo nếp xưa để lại, trong một năm, người Dao ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên thường có 4 lễ cúng là cúng vào dịp đón năm mới, tết Thanh minh, cúng cầu mùa và cúng rằm tháng 7. Trong các lễ vật dâng cúng thần linh, thổ công và gia tiên, trong đó không thể thiếu là những đồng tiền cúng. Điều đặc biệt là những xấp tiền và giấy cúng phải do chính gia chủ tự tay làm ra.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ tham gia gói bánh Xíp Xí cùng đồng bào trong ngày Tết Xíp Xí.

Tết “Xíp Xí” là tết cổ truyền của đồng bào Thái Mường Lò – Nghĩa Lộ được tổ chức vào ngày 14/7 Âm lịch hàng năm. Tết Xíp Xí mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc được thể hiện qua các nghi lễ, phong tục, tập quán tốt đẹp. Đây là dịp để mỗi gia đình, mỗi người dân tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, đấng sinh thành, cảm tạ trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cũng là dịp đồng bào giao lưu gặp gỡ, gắn kết cộng đồng, gìn giữ trao truyền những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cho con cháu.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề “79 năm vang mãi bản hùng ca

Tối 16/8, tại phố đi bộ Lý Đạo Thành, Công an thành phố Yên Bái phối hợp cùng UBND phường Nguyễn Thái Học tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề “79 năm vang mãi bản hùng ca".

UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình”.

"Từ Vĩ tuyến 17, hôm nay, chúng ta một lần nữa bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Âm vang hào hùng của lịch sử sẽ tạo nên nguồn sức mạnh vô tận để thế hệ hôm nay và mai sau vững bước trên con đường cách mạng, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân có cuộc sống phồn vinh, ấm no, hạnh phúc."

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục