Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Yên Bái tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu

  • Cập nhật: Chủ nhật, 18/8/2024 | 10:59:12 PM

YênBái - Tối ngày 18/8 (tức 15/7 Âm lịch), tại Chùa Tùng Lâm - Ngọc Am, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu (Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024).

Đây chính là dịp để hàng ngàn phật tử khắp nơi trong tỉnh tề tựu về chùa Tùng Lâm - Ngọc Am dâng hương, dự lễ; cúng Phật, cầu siêu cho các vong linh tổ tiên, ông bà, bố mẹ và những người thân đã khuất, bày tỏ lòng tri ân báo hiếu của con cháu với các bậc tiền nhân.

Tại buổi lễ, các tăng ni, phật tử và nhân dân đã được nghe về ý nghĩa ngày lễ Vu lan báo hiếu, đạo làm người, tinh thần hướng Phật nhớ về công ơn sinh thành của cha mẹ. 

Với nhiều người dân Việt Nam, lễ Vu lan là ngày báo hiếu, cầu nguyện cho cha mẹ còn sống được mạnh khỏe, bình an và những người đã mất, mọi người cầu nguyện được siêu độ, an nghỉ trọn vẹn. Cha mẹ là đấng sinh thành luôn dạy con những điều hay lẽ phải, làm tấm gương mẫu mực cho các con, là bóng cây che mát cho đời con. Con cái phải luôn nhớ công ơn, trở thành người tốt trong gia đình và cống hiến cho xã hội để báo hiếu mẹ cha.


Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng Đại lễ Vu lan.

Trong lễ Vu Lan, "Bông hồng cài áo" chính là nghi thức mang tính chất tôn vinh cao nhất. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc tưởng nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ "hiếu" mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo với ý nghĩa hạnh phúc vì đang còn mẹ. Ai không còn mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng với ý nghĩa tưởng nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục dù mẹ đã khuất. Nhiều người còn thực hiện cài bông hoa màu đỏ với ý nghĩa tự hào, hạnh phúc vì còn có cả cha lẫn mẹ bên cạnh. 


Hàng ngàn phật tử khắp nơi trong tỉnh tề tựu về chùa Tùng Lâm - Ngọc Am dâng hương, dự lễ.

Kết thúc Đại lễ là nghi lễ thả đèn hoa đăng. Đây là một phần nghi thức quan trọng của Phật giáo, mang ý nghĩa cầu siêu cho người đã khuất. Mỗi chiếc đèn hoa đăng được kèm theo những tâm niệm tốt lành và lời cầu nguyện cho sự an lành.

Đây chính là dịp để các tăng ni, phật tử và người dân bày tỏ lòng tri ân báo hiếu của con cháu với các bậc tiền nhân. Lễ Vu lan chính là dịp để mỗi con người hướng tấm lòng về cội nguồn báo hiếu cha mẹ, đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hoá Phật giáo. 

Với ý nghĩa nhân văn, Lễ Vu lan không chỉ là ngày lễ của các phật tử mà trở thành ngày báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam.

Hình ảnh đẹp tại Đại lễ Vu lan báo hiếu (Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024)


Dâng lễ cúng giàng của các Phật tử.


Thượng tọa Thích Minh Huy - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Yên Bái tặng hoa mẫu thân trong ngày Đại lễ Vu lan.


Các phật tử  thực hiện nghi thức "Bông hồng cài áo".


Nghi lễ truyền đăng tại Đại lễ Vu lan chùa Ngọc Am.

Minh Huyền - Bùi Minh

Tags Đại lễ Vu Lan chùa Ngọc Am phật tử

Các tin khác
Alain Delon là ngôi sao đình đám của màn ảnh Pháp và quốc tế (Ảnh: News).

Ngày 18/8, ngôi sao màn bạc người Pháp Alain Delon trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng trong vòng tay những người thân, hưởng thọ 89 tuổi.

Chợ phiên ngày rằm tháng Bảy tại Cao Bằng nhộn nhịp không kém ngày chợ Tết Nguyên đán

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng, ngày rằm tháng Bảy là dịp lễ quan trọng, là ngày Tết lớn chỉ sau Tết Nguyên đán. Và những phiên chợ Rằm tháng Bảy luôn có không khí mua bán nhộn nhịp, bởi ai cũng muốn chuẩn bị cho một ngày Tết thật chu đáo.

Theo nếp xưa để lại, trong một năm, người Dao ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên thường có 4 lễ cúng là cúng vào dịp đón năm mới, tết Thanh minh, cúng cầu mùa và cúng rằm tháng 7. Trong các lễ vật dâng cúng thần linh, thổ công và gia tiên, trong đó không thể thiếu là những đồng tiền cúng. Điều đặc biệt là những xấp tiền và giấy cúng phải do chính gia chủ tự tay làm ra.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ tham gia gói bánh Xíp Xí cùng đồng bào trong ngày Tết Xíp Xí.

Tết “Xíp Xí” là tết cổ truyền của đồng bào Thái Mường Lò – Nghĩa Lộ được tổ chức vào ngày 14/7 Âm lịch hàng năm. Tết Xíp Xí mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc được thể hiện qua các nghi lễ, phong tục, tập quán tốt đẹp. Đây là dịp để mỗi gia đình, mỗi người dân tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, đấng sinh thành, cảm tạ trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cũng là dịp đồng bào giao lưu gặp gỡ, gắn kết cộng đồng, gìn giữ trao truyền những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cho con cháu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục