Văn hóa đọc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một xã hội học tập, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Tuy nhiên, văn hóa đọc hiện nay dường như bị các bạn trẻ quên lãng. Việc xa rời văn hóa đọc trong giới trẻ Yên Bái đang đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm, mà để điều chỉnh điều đó, đòi hỏi cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường, cộng đồng và chính bản thân các bạn trẻ…
Theo đồng chí Hà Đức Hải - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, việc thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ là một nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và cộng đồng. "Bằng những giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực không ngừng, chúng ta hoàn toàn có thể khơi dậy niềm đam mê đọc sách và xây dựng một thế hệ trẻ Yên Bái giàu tri thức, có văn hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh nhà.” - đồng chí Hà Đức Hải cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, Yên Bái đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển văn hóa đọc. Nhiều hoạt động khuyến đọc được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên. Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc” do Tỉnh đoàn tổ chức là một ví dụ điển hình, tạo sân chơi lành mạnh và khơi gợi niềm yêu thích đọc sách cho các em… Cùng với đó là sự đầu tư, nâng cấp các thư viện trường học và thư viện công cộng, bổ sung nguồn tài liệu phong phú.
Một trong những hoạt động Tỉnh đoàn Yên Bái thực hiện để thúc đẩy, hình thành thói quen đọc sách, nâng cao văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên là tổ chức cho đội viên, thiếu nhi tích cực tham gia sinh hoạt chuyên đề "Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”; thường xuyên tổ chức, trao đổi các chuyên đề, chuyên mục, bài viết, các cuốn sách, bài báo về truyền thống lịch sử của Đội, các tấm gương anh hùng nhỏ tuổi, các gương thiếu nhi tiêu biểu trong các buổi sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt chi đội, liên đội...
Cùng với đó, để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của độc giả, nhất là độc giả trẻ, Thư viện tỉnh Yên Bái đã từng bước đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua chương trình đọc sách trên nền tảng số bằng nhiều việc làm cụ thể như: xây dựng thư viện số; xử lý nghiệp vụ số hóa tài liệu, đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu sách trên các nền tảng mạng xã hội thông qua các chuyên mục như Sách hay trong tháng, sách mới, sách chuyên đề, sách thiếu nhi, triển lãm trực tuyến…
Học sinh Trường TH&THCS Văn Phú, thành phố Yên Bái trong ngày hội đọc sách.
Theo đồng chí Đồng Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Thư viện tỉnh Yên Bái, góp phần phát triển văn hóa đọc trong giới trẻ, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã tổ chức các hoạt động như: cấp thẻ bạn đọc, chia sẻ tài liệu số tới các đơn vị, trường học; xây dựng các tủ sách đơn vị, tủ sách chi đoàn, tủ sách lớp học… Đồng thời tăng cường các hoạt động phục vụ lưu động, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa; bổ sung các loại sách phù hợp với sở thích và lứa tuổi của giới trẻ.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, phát triển văn hóa đọc trong giới trẻ Yên Bái nói riêng và giới trẻ cả nước nói chung vẫn nhiều khó khăn khi Internet, các nền tảng mạng xã hội… đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ, khiến thời gian dành cho việc đọc sách giảm đáng kể; thanh thiếu niên chưa được định hướng và khuyến khích đọc những loại sách phù hợp; việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho giới trẻ chưa hiệu quả...
Để phát triển văn hóa đọc trong giới trẻ một cách hiệu quả, trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển toàn diện của cá nhân và xã hội; mỗi gia đình, cha mẹ cần tạo điều kiện và khuyến khích con cái đọc sách, dành thời gian đọc sách cùng con, trò chuyện về những cuốn sách đã đọc; tăng cường các hoạt động khuyến đọc, giới thiệu sách hay và gương những người trẻ có thói quen đọc sách tích cực.
Các nhà trường, thư viện trường học cần được đầu tư, nâng cấp trở thành không gian đọc sách thân thiện, hiện đại và đa dạng về nguồn tài liệu; tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến sách như: câu lạc bộ đọc sách, các buổi nói chuyện của tác giả, các cuộc thi về sách, đưa việc đọc sách vào các môn học một cách linh hoạt và sáng tạo…
Đồng thời chú trọng tổ chức các ngày hội sách, các hoạt động giao lưu văn hóa đọc thu hút sự tham gia của giới trẻ; xây dựng các tủ sách, các không gian đọc sách tại các nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng.
Cùng với thời đại công nghệ 4.0, nhu cầu đọc sách không còn thuần túy, truyền thống mà dần thay đổi với nhiều loại hình, hình thức đọc sách. Mong rằng, với sự nỗ lực thay đổi tư duy về văn hóa đọc sẽ khơi dậy niềm đam mê đọc sách và xây dựng một thế hệ trẻ Yên Bái giàu tri thức, có văn hóa. Qua đó, giới trẻ Yên Bái sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn, thiện cảm hơn về văn hóa đọc để cùng hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.
Thành Trung