Miền đất của sắc màu trang phục
- Cập nhật: Thứ ba, 23/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo điều tra dân tộc học gần đây, tỉnh Yên Bái có khoảng 30 dân tộc chung sống. Hầu hết cộng đồng dân tộc thiểu số thường cư trú ở những triền núi, hay những vùng đất bằng ven chân núi. Mỗi dân tộc cơ bản vẫn giữ được nét đặc thù riêng về văn hóa tộc người, trong đó có văn hóa trang phục.
Trang phục của thiếu nữ Xa Phó (Văn Yên)
|
Đây là một yếu tố quan trọng giúp dễ dàng nhận diện về các tộc người và sự đa dạng về trang phục tộc người trong cùng một không gian văn hóa.
Chẳng hạn, đến vùng sâu, vùng xa của huyện Văn Yên, có thể nhận thấy cộng đồng người Dao đã xuất hiện nhiều loại trang phục của người Dao Đỏ, Dao Nga hoàng, Dao Quần trắng, Dao Quần chẹt, Dao Tuyển. Vùng dọc theo sông Chảy thuộc huyện Yên Bình, Lục Yên, ta sẽ vẫn gặp trang phục tiêu biểu của người Dao, Tày nhưng lại biết thêm về đặc thù trang phục của người Cao Lan, Sán Dìu, Nùng.
Riêng ở vùng phía tây, có lẽ là một vùng có một không hai ở nước ta thể hiện sự đa dạng về văn hóa trang phục tộc người. Ngoài trang phục của các ngành trong tộc người Dao, người Tày còn có trang phục của người Thái Đen, Thái Trắng, người Mường, người Khơ Mú, người Giáy, người Mông Đơ, Mông Si, người Hoa v.v...
Một nét rất chung trong văn hóa trang phục tộc người ở Yên Bái là đều có nguồn gốc lâu đời và được làm ra từ hình thái kinh tế tự túc tự cấp. Trang phục của mỗi tộc người đạt đến trình độ khá tinh xảo từ sản xuất nguyên liệu, dệt, nhuộm, in, thêu may do kỹ năng này được truyền dạy trực tiếp từ đời này đến đời khác.
Đối với các tộc người, trang phục không chỉ đơn giản là để mặc mà còn phải thỏa mãn cả về mỹ thuật, tín ngưỡng và tâm linh. Như với người Thái, những hoa văn thêu trên trang phục đều là những nét đẹp được cảm nhận từ thế giới tự nhiên: hình hoa gấc, ngọn rau dớn, dấu chân ngựa... Hoặc khuy áo của họ vì sao không làm bằng gỗ hay thắt nút vải mà lại là hình con bướm đực và bướm cái ngoắc đầu vào nhau? Vì sao số khuy áo của phụ nữ có chồng là những cặp bướm theo số chẵn, còn của người chưa có chồng là số lẻ? Đó chính là ước nguyện của con người luôn muốn âm dương giao hòa để cuộc sống sinh sôi.
Váy Mông. |
Còn trang phục của người Dao vì sao lại nhiều màu sắc như vậy? Truyền thuyết kể rằng, khởi thủy của họ là dân của nước do Bàn Vương cai trị nhưng luôn bị nước của Cao Vương áp bức dồn đuổi. Bàn Vương đã cố sức chống lại nhưng thất bại. Giữa lúc đó, tướng quân Bàn Hồ hình dạng xấu xí nhưng có tài thao lược đã tâu với Cao Vương xin được hóa thành con long khuyển mình rồng ngũ sắc (con chó thân rồng có 5 màu) để tiếp cận thành lũy của Cao Vương. Cao Vương đi tuần du thấy con chó rất đẹp mang về nuôi trong cung. Lợi dụng lúc Cao Vương say rượu, Bàn Hồ hiện nguyên hình và giết chết Cao Vương.
Từ đó trở đi, người Dao được sống hòa bình và Bàn Vương đã gả công chúa cho Bàn Hồ, ban cho một vùng đất đai rộng lớn, tặng nhiều vải quý và dặn dò người dân may quần áo có màu ngũ sắc để đời đời ghi nhớ công lao của Bàn Hồ tướng quân.
Người Khơ Mú thì mặc trang phục màu đen vì có liên quan đến sự tích quả bầu tiên. Truyền thuyết của họ kể rằng, mọi tộc người đều sinh ra từ một quả bầu tiên, nhưng người Khơ Mú ở phía ngoài cùng nên khi ông trời lấy dùi nung chọc thủng quả bầu để mọi người chui ra thì người Khơ Mú bị khói của dùi nung làm cháy vỏ bầu bám vào nên da thịt, quần áo bị ám khói đen. Và còn nhiều câu chuyện khác xung quanh trang phục của các tộc người ở Yên Bái.
Sự đa dạng, độc đáo về sắc màu trang phục là một yếu tố quan trọng tạo những nét trực quan sinh động trong đời sống thường nhật. Cứ thử hình dung, nếu đi vào vùng phía Tây của tỉnh - nơi có nhiều tộc người sinh sống, nếu tất cả đều mặc chung một loại trang phục thì sẽ thấy chẳng có gì hấp dẫn.
Nghiên cứu về văn hóa tộc người đang được chú trọng và du lịch văn hóa tộc người đang hấp dẫn du khách trong cũng như ngoài nước. Vì vậy, nơi nào có nhiều tộc người chung sống thì đó sẽ là nơi họ muốn tìm đến. Ngoài việc thăm quan các di tích, danh thắng, du khách được khám phá sự mới lạ trong đời sống văn hóa của mỗi tộc người. Riêng về trang phục, vải vóc của đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nơi năng động đã biến thành các loại hàng hóa, đáp ứng thị hiếu và thu bộn tiền từ khách du lịch.
Tuy nhiên, việc dệt may và sử dụng trang phục của nhiều tộc người ở Yên Bái đang có xu hướng giảm mạnh. Đây là điều có phần tất yếu do sự hội nhập văn hóa và biến đổi hình thái kinh tế. Để bảo tồn được nét đặc thù giá trị văn hóa truyền thống của trang phục tộc người, giữ được sự đa dạng sắc thái văn hóa, tạo được sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, đồng thời phát huy được tiềm năng kinh tế của trang phục tộc người - đó là những thách thức lớn đối với mỗi tộc người và đối với cả công tác quản lý Nhà nước trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Vùng sông Chảy của tỉnh Yên Bái gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Cao Lan ở huyện Yên Bình, Lục Yên từ xa xưa đã có lối hát giao duyên truyền thống. Dân tộc Tày có hát khắp, coọi, hát quan làng; dân tộc Cao Lan có hát sình ca; dân tộc Dao có hát ái dủng.
YBĐT - Ngày hội Văn hoá - Thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ X được tổ chức tại Yên Bái diễn ra từ 23/10 đến 26/10/2007 với sự tham gia của 6 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Điện Biên và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch, ước khoảng 1300 người tham dự.
YBĐT - Tôi là người có cái may mắn được đọc hết các tác phẩm của Hoàng Thế Sinh, kể từ những tác phẩm đầu tay cho đến tác phẩm gần đây nhất. Do đọc anh, làm bạn với anh đã nhiều năm, nên bao nhiêu hay dở của nhau đều hiểu cả. Vâng, nói hay dở là nói trong cõi văn chương thôi, nghĩa là cái nhan sắc và phẩm hạnh của một ngòi bút.
YBĐT - Tối ngày 16/10, tại khu làng nghề văn hoá du lịch xã Nghĩa An, UBND thị xã Nghĩa Lộ tổ chức Đêm văn hoá Mường Lò. Đây là một trong những hoạt động của tuần văn hoá du lịch Mường Lò, nằm trong chương trình du lịch về cội nguồn của ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ.