Ở “Xứ Mưa” có Hoàng Thế Sinh
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tôi là người có cái may mắn được đọc hết các tác phẩm của Hoàng Thế Sinh, kể từ những tác phẩm đầu tay cho đến tác phẩm gần đây nhất. Do đọc anh, làm bạn với anh đã nhiều năm, nên bao nhiêu hay dở của nhau đều hiểu cả. Vâng, nói hay dở là nói trong cõi văn chương thôi, nghĩa là cái nhan sắc và phẩm hạnh của một ngòi bút.
Hoàng Thế Sinh - tác giả của những tiếng hú.
|
Tôi vẫn cứ nghĩ, tất cả các tác phẩm mà Hoàng Thế Sinh viết ra, cả trong văn xuôi lẫn thơ, cả trong truyện ngắn lẫn tiểu thuyết, cả ký và truyện cười…đều hiện lên một cái nhìn nhất quán về cuộc đời: sự phân minh của đạo lý và công lý trong tư thế làm người. Chính vì thế mà thế giới nhân vật của anh bao giờ cũng được nhìn nhận và mô tả theo cái nhìn phân tuyến: một bên là những người tử tế, còn bên kia là những kẻ đểu cáng bất lương. Nơi ấy, người tử tế thường hay bị vùi dập, oan khuất, hay phải chịu thiệt thòi, còn những kẻ không ra gì thì đắc thắng, trâng tráo, mặc sức tác oai tác quái.
Cái nhìn của nhà văn rất sòng phẳng. Có thể những người tử tế chưa chắc đã được cuộc đời đền bù, song dứt khoát những kẻ khốn nạn thể nào cũng bị quả báo. Đúng như tên một truyện ngắn của anh: Luật của rừng, trong đó có nhân vật thằng Lường lợn lòi sống độc ác, táng tận lương tâm, phá rừng, đánh người quản rừng cuối cùng bị gấu rừng vả vào mặt suýt chết. Nhân vật thằng Liêng trong Rừng thiêng cũng thế, cả đời chuyên làm những điều độc ác, cuối cùng bị lũ cuốn suýt toi mạng… Đại thể, cái nhìn về đời sống của Hoàng Thế Sinh bao giờ cũng dứt khoát, rạch ròi. Văn chương của anh là sự lên tiếng nghiêm khắc của công lý và đạo lý. Đó cũng là khao khát nồng nhiệt và thường trực của nhà văn này.
Bìa tiểu thuyết tuyển chọn vừa được xuất bản. |
Cả đời anh không tiếc tâm huyết và bút lực để phát hiện và tôn vinh những con người nhỏ bé nhưng đầy dũng khí. Mặc dù bị cuộc đời bầm dập, nhưng họ vẫn bám trụ quyết liệt vào mảnh đất đời người để sống. Phải sống. Đó là tư thế của những Bảo Châu (Xứ mưa), Đam (Rừng thiêng)… Nhân vật người nông dân trong truyện ngắn Người nông dân nhỏ bé (vừa lọt vào vòng chung khảo cuộc thi truyện ngắn mới đây của Tuần báo Văn nghệ) cũng nhất quán trong một tinh thần chung ấy.
Đọc truyện của Hoàng Thế Sinh, khi miêu tả nhân vật, thấy anh rất thích sử dụng tiếng hú gọi. Khi yêu nhau mê man trên một cánh rừng nào đó, bỗng hú gọi. Khi đau khổ đơn độc, cùng cực trên rừng núi cũng hú gào. Khi một mình mơn man da thịt trong làn nước suối trong veo, cô gái cũng cất lên tiếng hú hát. Lúc bị rơi tõm lạc vào hang động, các nhân vật cũng hú hét… Hóa ra, các nhân vật của Hoàng Thế Sinh rất khỏe khoắn, mạnh mẽ, quyết liệt. Nhà văn muốn đẩy nhân vật đi hết tận cùng cái sự sống sôi sục bên trong nhân vật.
Cũng có thể nhận thấy ở các nhân vật ấy một thói quen trong đời sống của người miền rừng. Họ sống chết với rừng, cả đời ăn ở với rừng, hình thành một thói quen sống giữa rừng: hú gọi. Hành vi hú gọi với nhiều sắc thái, cung bậc của cảm xúc, tâm trạng hình như thể hiện một bản năng sống của con người ở giữa không gian đại ngàn mà bất cứ ai cũng có. Con người trước không gian thiên nhiên, vũ trụ hoang sơ, hùng vĩ, vĩnh hằng thường hay hú hét lên để tự đo mình, để nhận ra mình không bị lút chìm, để thấy mình đang bám chặt mặt đất cần lao và nhiều hệ lụy, nhưng cũng đầy tình nghĩa này.
Hoàng Thế Sinh là một cây bút hiện đang sung sức. Số lượng tác phẩm của anh cũng đã có trên mươi cuốn. Có một điều thật đáng quý ở nhà văn này là anh đặc biệt thủy chung gắn bó với núi rừng Yên Bái, tuy không phải là quê gốc, nhưng anh đã ăn đời ở kiếp cùng xứ sở này. Văn chương của anh đi vào đời sống tinh thần của người Yên Bái theo cái cách thật thú vị. Không ít các danh xưng đã trở nên thân thuộc của đồng rừng Yên Bái lại được đi ra từ các tác phẩm của Hoàng Thế Sinh.
Anh là người đầu tiên gọi mảnh đất tỉnh lỵ Yên Bái, bây giờ đã lên thành phố là Xứ Mưa. Anh cũng là người đầu tiên đặt tên cho một cái động đá là động Thủy Tiên, gọi một hòn đảo trong lòng hồ Thác Bà là đảo Trinh Nam. Cái danh xưng “bụi hồ” tuy không hẳn do anh là người đầu tiên gọi, nhưng sau tiểu thuyết Bụi hồ của anh, lại nhất là sau lần tiểu thuyết ấy được chuyển thể thành phim, thế là người dân Yên Bái có cách nói cửa miệng “bụi hồ”…Văn chương đi vào cuộc sống theo những cách thật bất ngờ. Đó chẳng phải là sức sống của tác phẩm Hoàng Thế Sinh đó sao! Đó cũng chính là phần thưởng mà bạn đọc rộng rãi dành tặng cho anh.
Mảnh đất văn chương Yên Bái đương đại đã có một nhà thơ Ngọc Bái, một nhà văn Hà Lâm Kỳ quen thuộc với bạn đọc cả nước, và có không ít các cây bút sung sức khác. Các sáng tạo của nhà văn Hoàng Thế Sinh là một giọng điệu vạm vỡ góp phần làm cho văn chương xứ sở Yên Bái có sức lan xa, tỏa sức sống cùng với văn chương cả nước.
Cái thủy thổ văn chương Yên Bái danh giá hiện nay không chỉ có Hoàng Thế Sinh. Nhưng cứ thử vắng Hoàng Thế Sinh mà xem… Nói thế, đã là văn nhân thì cũng chẳng lấy làm kiêu.
Tôi thật vui khi được Hoàng Thế Sinh chọn để ghi vài lời nhân bộ ba tiểu thuyết của anh ra mắt cùng bạn đọc.
Văn Giá - Hà Nội chớm thu 2007
Các tin khác
YBĐT - Tối ngày 16/10, tại khu làng nghề văn hoá du lịch xã Nghĩa An, UBND thị xã Nghĩa Lộ tổ chức Đêm văn hoá Mường Lò. Đây là một trong những hoạt động của tuần văn hoá du lịch Mường Lò, nằm trong chương trình du lịch về cội nguồn của ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ.
YBĐT - Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ X sẽ diễn ra tại tỉnh Yên Bái từ ngày 23/10 đến ngày 26/10 với sự tham gia của các diễn viên, nghệ nhân đến từ Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình và Điện Biên.
YBĐT - Đã có 204 tác phẩm lựa chọn từ hơn 868 ảnh của 240 tác giả đã được treo triển lãm tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực các tỉnh miền núi phía bắc khai mạc sáng 15/10 tại Yên Bái.
Trong muôn màu sắc phục rực rỡ của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai, có lẽ chúng ta không thể nào quên nét duyên dáng thầm kín của người phụ nữ dân tộc Pa Dí. Vẻ đẹp độc đáo và duyên dáng ấy được thể hiện qua nét tài hoa trên trang phục của những cô gái miền sơn cước này.