“Sú phả” - khát vọng cuộc sống gia đình hạnh phúc
- Cập nhật: Thứ tư, 24/10/2007 | 12:00:00 AM
YBĐT - Chung chăn đệm - “sú phả” là một nét đẹp có tự ngàn xưa của người Thái Mường Lò được tổ chức ở nhà gái sau khi người con trai đã vượt qua được những thử thách của thời kỳ ở rể. Từ đây, đôi người yêu nhau được hai gia đình và cộng đồng công nhận là vợ chồng.
|
Ngày trước, con trai người Thái phải trải qua một thời gian ở rể kéo dài từ ba năm trở lên. Đây là một thử thách rất lớn, nếu vượt qua mới được công nhận là con rể và được đón dâu về nhà mình. Trong thời gian ấy, chàng trai không những phải chăm chỉ lao động, đối xử tốt với mọi người bên gia đình vợ tương lai và bà con bản mường mà còn phải nhất mực thủy chung và giữ một tình cảm trong sáng, lành mạnh với người mình yêu theo kiểu “nam nữ thụ thụ bất thân”. Chàng trai nào lười nhác hoặc không kiềm chế được lửa lòng, nhẹ thì bị phạt hoặc tăng thời gian ở rể, nặng sẽ bị đuổi về và bị cộng đồng chê cười.
Vào ngày tốt, giờ đẹp, bà mối của bên trai và bà mối của bên gái cùng người đại diện của hai họ trải đệm ở buồng cô gái. Sau đó lấy chiếc áo mới chưa mặc của cô dâu trải lên đệm, ngửa hàng cúc lên trên, đặt áo của chàng rể còn mới chưa mặc lên trên áo của cô dâu, úp hàng cúc xuống, vắt tay áo như đang ôm nhau rồi đắp chăn lên như đã có hai người đang nằm, bốn người cầm bốn góc màn căng lên.
Bà mối của nhà trai hát rằng: “Khỏi cọ ha chớ đảy chớ ngài/ Sái chớ đảy chớ đi/ Khỏi chắng đảy dốm mứk má xo lai/ Xo tòi lúng tòi ta nái nạ/ Xo tòi ta nái phủ chính chặu pò mè ók cuông hướn/ Chí xo phụk phứn quảng lái lẹp bók lua cón nớk...”.
Nghĩa là: “Tôi chọn được ngày lành tháng tốt/ Chúng tôi mới được sắm lễ trầu cau/ Sang bên này chắp tay van lạy/ Chìa hai tay xin không/ Ngửa hai tay xin lấy/ Ngồi xổm rồi quỳ gối lại xin/ Xin với bác với ông bên ngoại/ Xin cha mẹ đã có công nuôi dưỡng sinh thành/ Tôi muốn xin chiếu rộng đỏ thắm hoa sen/ Xin chiếu to muôn màu hoa cúc/ Xin được trải hai chiếu để trải đôi đệm/ Xin cả đệm bông lau/ Xin cả chăn lông ngỗng/ Xin hai gối để cặp thành đôi/ Xin ri-đô che cả gió trời/ Xin màn đen bà ngoại mới may/ Xin cả áo cô dâu mặc từ thuở bé/ Xin áo cô dâu mặc thường ngày/ Lấy về nằm đệm đôi diềm đỏ/ Nằm bên người chồng yêu quý/ Tay trong tay nên vợ nên chồng/ Như đôi vịt mãi mãi sống chung/ Như đôi gà không bao giờ mất/ Thương yêu nhau đến răng long tóc bạc/ Được vui vầy bên con cháu đầy nhà”.
Trên mâm cơm cúng thường thắp đôi nến để bói nhân duyên. Nếu nến cháy đều, thẳng và hết tức là điềm báo đôi vợ chồng phấn đấu sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Còn nếu nến cháy dở dang hoặc đổ... thì đó là điềm báo đôi vợ chồng sẽ phải cố gắng rất nhiều để chiến thắng số phận.
Với các cô gái Thái đen, lúc này cũng đã búi tóc - “tằng cẩu” xong. Búi tóc của bà, của mẹ chồng lựa gom sau mỗi lần chải được bện cùng tóc của cô dâu ngay ngắn trên đỉnh đầu rồi gài trâm bạc. Đấy không chỉ là thông điệp hoa đã có chủ mà còn chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp về truyền thống, nghĩa vụ, trách nhiệm của người vợ hiền, dâu thảo.
Khi rước dâu về nhà chồng, các thứ chăn, đệm, màn, gối... được mang theo các lễ vật và của hồi môn về nhà chồng.
Bây giờ, con trai người Thái không phải trải qua thời gian ở rể dài như trước mà chỉ sang ở tượng trưng ba ngày rồi tiến hành lễ “sú phả” rồi được đón dâu.
Ngày nay, đám cưới của người Thái Mường Lò đã lược bỏ những hủ tục, trai gái được tự do hôn nhân, song tục “sú phả” vẫn được coi trọng. Mỹ tục ấy ẩn chứa khát vọng một cuộc sống gia đình hạnh phúc từ bao đời được các thế hệ trân trọng, nâng niu. Dẫu có mang đôi chút bóng dáng tâm linh nhưng sâu nặng tình người.
Nhiều du khách trong và ngoài nước có duyên may dù chỉ một lần được tham dự đám cưới của người Thái Mường Lò, được chứng kiến lễ “sú phả” không khỏi ngạc nhiên và thích thú trước nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
YBĐT - Ngày 24/10, Ban tổ chức Ngày hội văn - hoá thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc tổ chức khai mạc triển lãm văn hoá các dân tộc Tây Bắc và Hội trại văn hoá.
YBĐT - Từ đầu tháng 5 đến tháng 7/2007, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái và Sở VH-TT, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tổ chức khai quật thành công di tích khảo cổ học Bến Lăn (Tân Lĩnh, Lục Yên).
YBĐT - Theo điều tra dân tộc học gần đây, tỉnh Yên Bái có khoảng 30 dân tộc chung sống. Hầu hết cộng đồng dân tộc thiểu số thường cư trú ở những triền núi, hay những vùng đất bằng ven chân núi. Mỗi dân tộc cơ bản vẫn giữ được nét đặc thù riêng về văn hóa tộc người, trong đó có văn hóa trang phục.
YBĐT - Vùng sông Chảy của tỉnh Yên Bái gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Cao Lan ở huyện Yên Bình, Lục Yên từ xa xưa đã có lối hát giao duyên truyền thống. Dân tộc Tày có hát khắp, coọi, hát quan làng; dân tộc Cao Lan có hát sình ca; dân tộc Dao có hát ái dủng.