Rượu cần “Bút cờ đoongr” trong văn hóa người Khơ Mú

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, có rất nhiều tộc người đã biết làm, sử dụng rượu cần như biểu tượng văn hóa của dân tộc và gắn liền với sự hình thành, phát triển của dân tộc đó.

Ông mối chuẩn bị cho lễ cúng rượu cần trong lễ cưới của người Khơ Mú.
Ông mối chuẩn bị cho lễ cúng rượu cần trong lễ cưới của người Khơ Mú.

Đối với đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Nghĩa Sơn (Văn Chấn), rượu cần “Bút cờ đoongr” có vai trò khá quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân. “Bút cờ đoongr” không chỉ có ý nghĩa trong sinh hoạt văn hóa ẩm thực mà còn bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa về văn hóa, gắn với các tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Do vậy, đồng bào rất coi trọng rượu cần, xem như một đặc sản rất quý chỉ dành để dâng cúng tổ tiên trong những ngày lễ quan trọng. Và cũng chính vì vậy, rượu cần “Bút cờ đoongr” của người Khơ Mú nơi đây không phổ biến rộng rãi như các dân tộc khác bởi đó là sản vật để dâng cúng tổ tiên và có những nghi thức, nghi lễ riêng biệt liên quan tới rượu cần với những cách thức kiêng kị.

Rượu cần của người Khơ Mú liên quan và gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của đồng bào. Họ quan niệm rằng, tổ tiên luôn che chở và phù hộ cho gia đình trong cuộc sống. Vì vậy, tổ tiên có vai trò quan trọng nhất và nơi thờ tổ tiên là một bếp lửa nhỏ đặt ngay chân cột nhà ở gian thứ hai, tính từ phía trong nhà ra cửa chính, trên mặt sàn nhà và gian nhà đó đồng bào quan niệm là gian thờ tổ tiên, nơi ngự của tổ tiên cho nên kiêng người lạ bước chân vào trong hai gian nhà trong cùng đó.

Theo chu kỳ đời người, đầu tiên rượu cần “Bút cờ đoongr” được sử dụng trong lễ lên nhà mới. Đối với người Khơ Mú, nếu cha mẹ đã mất thì khi làm nhà mới, đồng bào phải làm bàn thờ tổ tiên để thờ cúng. Lễ cúng tổ tiên trong lễ lên nhà mới bắt buộc phải cúng rượu cần là thức uống và lễ vật mà đồng bào quan niệm là ngon nhất. Cũng tại đêm hôm lên nhà mới diễn ra các sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như múa xòe, hát, tơm... bên vò rượu cần cùng dân bản và anh em đến mừng nhà mới.

Trong việc sửa lại nhà, làm lại nhà, tu sửa ngôi nhà, đồng bào cũng dùng rượu cần để cúng cầu xin ma nhà (tổ tiên), thông báo với ma nhà về việc gia đình động vào ngôi nhà đó, nơi có tổ tiên đang ngự... Do vậy, rượu cần được dùng để cúng ma nhà trong ngày này.

Ông mối nhà trai mời khách dự lễ cưới uống rượu cần “Bút cờ đoongr”.

Trong lễ cưới, đối với gia đình nhà gái có bàn thờ ma nhà thì nhà trai không thể thiếu một vò rượu cần để dâng cúng, để thông báo về việc nhà trai xin cưới. Trong đêm đó, nhà gái cũng có một vò rượu cần dâng cúng và hai vò rượu cần được đặt song song trước bàn thờ tổ tiên. Sau lời cúng thông báo cho tổ tiên biết công việc của gia đình, chủ nhà mở rượu cần mời khách tới dự lễ cưới và những người trong gia đình cùng uống rượu cần mừng đôi vợ chồng trẻ.

Ngoài ra, trong tang lễ của người Khơ Mú, rượu cần được dùng cúng cho người chết vào ngày thứ 3 và ngày thứ 9 sau khi đã chôn xác. Rượu cần được sử dụng để làm vía cho người chết, tiễn đưa chia biệt lần cuối với người chết cùng với việc cúng ma nhà trong tang lễ.

Liên quan tới văn hóa rượu cần của người Khơ Mú có rất nhiều điều thú vị và đặc sắc mà trong phạm vi bài viết này không có điều kiện giới thiệu toàn bộ. Tuy nhiên, có một phong tục đẹp liên quan tới rượu cần, đó là tục đãi con rể tương lai uống rượu cần trong lần dạm hỏi. Khi chàng rể tương lai đến dạm hỏi, nếu gia đình nhà gái thấy ưng ý và đồng ý cho tìm  hiểu con gái mình, họ sẽ lấy rượu cần ra mời như một lời giao kết giữa bố cô gái và chàng rể về việc đồng ý cho cưới.

Khi mời rượu, gia chủ phải mang đến một góc khuất trong ngôi nhà, không để thẳng với bàn thờ tổ tiên với quan niệm không cho ma nhà biết. Ở đây thể hiện lòng quý trọng của gia đình đối với chàng rể tương lai bằng việc lấy rượu quý của tổ tiên ra thết đãi. Trong ngày thường, tuyệt đối không bao giờ người Khơ Mú tự nhiên làm, uống rượu cần hay thết đãi người bình thường bằng rượu cần “Bút cờ đoongr”.

Trong cuộc sống hàng ngày, rất hiếm khi người Khơ Mú cúng tổ tiên và sử dụng rượu cần. Nếu có dịp dự một lễ cưới truyền thống, hay tham dự một lễ lên nhà mới, được tham dự đêm sinh hoạt văn hóa rượu cần của đồng bào thì mới cảm nhận hết được những giá trị độc đáo và đặc sắc trong văn hóa rượu cần của đồng bào.

Sau những lễ cúng rượu cần, thông thường gia chủ thường mời mọi người cùng uống để mừng cho những niềm vui của gia đình, sau đó các sinh hoạt văn hóa dân gian như múa xòe, hát tơm đối đáp sẽ diễn ra suốt đêm. Đó là sợi dây gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết và gắn bó người dân trong cùng bản làng của người Khơ Mú.

  Nguyễn Mạnh Hùng

Các tin khác

Chiều 11/3 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Quỹ Khuyến học Việt Nam, Đài Truyền Hình Việt Nam, ngân hàng Eximbank thông báo ra mắt chương trình “Thắp sáng tương lai”. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đến dự.

Sáng 11-3, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp báo công bố kế hoạch tổ chức lễ hội du lịch Hạ Long 2008.

Ca sĩ Hồng Nhung.

Các ca sĩ Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh cùng có mặt trong danh sách đề cử Nữ ca sĩ của năm của giải thưởng Âm nhạc cống hiến 2007. Cùng chung mục đề cử còn có ca sĩ Hồ Ngọc Hà và nhóm Năm Dòng Kẻ.

Múa lăn đàn tính dân tộc Tày ở xã Bình Thuận, Văn Chấn.
(Ảnh: Thanh Ba)

YBĐT - Xã Nga Quán, 1 trong 6 địa phương của huyện Trấn Yên (Yên Bái) vừa ra mắt xây dựng xã văn hóa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục