Đầu năm với tục “Chẩu đàng” của người Dao
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - “Chẩu đàng” là một nghi lễ vừa mang tính xã hội sâu sắc trong cộng đồng người Dao, vừa thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, đậm bản sắc dân tộc, thấm đẫm nhân văn.
Thày Cả thả tranh thơ trước khi lễ “thụ đèn” trong “Chẩu đàng”.
|
“Chẩu” theo nghĩa rộng là làm. “Đàng” là đường, là cách. Đây không phải là làm đường mà là thủ tục, là cách tiến hành nghi lễ được tổ chức thường vào đầu năm. “Chẩu đàng” nhằm lễ tạ ơn Bàn vương (thủy tổ người Dao) kết hợp với “thụ đèn”, tức là lễ công nhận người đã trưởng thành mà đa số gọi là “cấp sắc”. Ngoài ra, “Chẩu đàng” còn làm một việc nữa, đó là lễ thụ đèn (cấp 7, cấp 12 đèn) dành cho những người muốn trở nên thầy cúng bậc 7, bậc 12 (tiếng Dao là Sày ông, Sày sa man..., hiểu là Sư ông).
Ở Yên Bái, tục này tùy theo vùng, tùy theo nhóm, thậm chí tùy theo dòng họ, từng gia đình mà có những nét riêng. Tuy nhiên, “Chẩu đàng” được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng văn tự (có trong chữ Hán – Nôm của người Dao) bằng việc tổ chức các nghi lễ long trọng không thể thiếu. Xin giới thiệu riêng về tục lễ thụ đèn dành tôn vinh, công nhận người đã trưởng thành, gọi chung là lễ “cấp sắc” hay thụ lễ “3 đèn”.
Người Dao quan niệm, một người đàn ông muốn được công nhận là người lớn nhất thiết phải qua lễ “thụ đèn”. Ở đây đèn là quả tăng (quá đăng) 3 chiếc mới được xem hợp pháp. Như thế, “quả tăng” (đèn) là một phần chính của lễ thành đinh, một “cửa ải” đối với người trai trẻ trước khi bước vào thế giới người lớn. Được thụ đèn (được cấp sắc) họ mới có đủ pháp danh, mới đủ tư cách trong gia đình, dòng họ, mới được quyền kết hôn; được Bàn vương và tổ tiên xem là con cháu; được tham dự ma chay, cưới xin. Khi chết, họ sẽ được về cõi trời, với tổ tiên... Để đỡ tốn kém, làng bản nào có nhiều con trai trong độ tuổi phải làm lễ thì họ tổ chức chung. Gia đình và người được thụ đèn phải chuẩn bị rượu, gạo, thịt tùy thuộc vào số lượng người, khách mời, chưa kể số thày cúng. Thường lễ thụ đèn “cấp sắc” thì có 3 thày. Còn lễ 7 đèn thì 7 thày, lễ 12 đèn có 12 thày làm chủ lễ.
Lễ “cấp sắc” (lễ thụ 3 đèn) trải qua 2 bước: “thụ đèn” và cúng Bàn vương (nên hiểu “thụ đèn” là chính và mang yếu tố xã hội, còn Bàn vương mang yếu tố tâm linh).
“Cấp sắc” sẽ do 3 thày cúng làm chủ lễ. Vật thờ và dâng cúng phải đủ thịt lợn sống, giấy bản làm tiền âm phủ, rượu, gạo. Mọi thứ được tẩy vệ sạch. Ba vị thày cúng mới đánh trống mời Bàn vương, tổ tiên, các vị thần linh về dự. Ông thày cả (ông thày đứng đầu) trực tiếp chủ trì, ông ta thả tranh (tranh thơ) trước bàn thờ rồi khai đàn (ảnh).
Người được “cấp sắc” ăn mặc chỉnh tề (áo dài đen), cầm một đoạn nứa hay vầu bằng cổ tay, ngồi trên chiếu để thày cúng đốt nến đèn. Đèn được đặt trên đỉnh đầu và 2 vai người thụ lễ. Trong bài cúng “thụ đèn”, ý nghĩa nhất là thày cả đọc nội dung 10 điều cấm kỵ, trong đó cấm quan hệ bừa bãi, không cờ bạc, rượu chè, không đánh lộn, không phá rừng bắt thú... Cùng 10 điều cấm kỵ là 10 điều phải làm. Những điều phải làm phần lớn là khuyên bảo người thành đinh phải tu nhân tích đức, làm việc thiện sao cho có ích cho gia đình, cho xã hội, từ bỏ thói hư tật xấu v.v...
Lễ thụ đèn (cấp sắc) sau đó là lễ tạ ơn Bàn vương. Ý nghĩa tôn giáo này luôn quyện chặt với ý nghĩa giáo dục lòng nhớ đến tổ tiên, sự trung thực, lòng dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài cùng các phép thuật chữa bệnh, các phương pháp canh tác.
Đồng bào Dao tổ chức “Chẩu đàng” như thế vào những dịp đầu năm, khi các trai làng thêm tuổi, đủ làm người trưởng thành. “Chẩu đàng” cũng là tục, trước hết là công việc của gia tộc. Bà con cho rằng, có “chẩu đàng” thì làm ăn mới gặp nhiều may mắn, con người, dòng họ mới phát triển. “Chẩu đàng” mang tính xã hội cao vì cũng là dịp thanh niên Dao trong làng bản đến tập sự, học hỏi ở các bậc thày, bậc cao niên về cuộc sống, sự giao tiếp, ứng xử cộng đồng.
Vậy nên, “Chẩu đàng” chính là một phần không thể thiếu trong thế giới tâm linh, trong xã hội được hình thành từ lâu trong tộc người Dao. Đó cũng là sự kết dính các thế hệ, các dòng họ người Dao trong tỉnh Yên Bái.
Bùi Huy Mai
Các tin khác
Lần đầu tiên một tập hồi ký của những chuyên gia quân sự Nga đã từng tham gia giúp Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ được công bố rộng rãi tại nước Nga. Tác phẩm này đã được NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật dịch, biên tập và phát hành rộng rãi với tên gọi Chiến tranh Việt Nam là thế đó.
Hãng Warner Bros. vừa thông báo họ sẽ chuyển thể phần cuối của loạt truyện "Harry Potter", Harry Potter and the Deathly Hallows của J.K. Rowling thành 2 bộ phim.
Để cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (HHHV) 2008 mang tầm vóc quốc tế diễn ra thành công tại nước ta, ngày 12/3, tại khách sạn Park Hyatt TP.HCM, Ban tổ chức HHHV 2008 đã tổ chức hội nghị các nhà tài trợ tiềm năng cho cuộc thi.