Văn học nghệ thuật Yên Bái: Tự tin để bước tiếp

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2007, con số đầu tiên cần nhắc tới là đã có 65 tác giả (già nửa số hội viên của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Yên Bái) có tác phẩm công bố, đó là chưa kể những tác phẩm công bố trên 12 số “Tạp chí Văn nghệ Yên Bái”, trên các tạp chí, báo Trung ương và các tỉnh bạn.

Riêng trên “Tạp chí Văn nghệ Yên Bái” đã công bố 125 truyện, ký, 200 bài thơ, 22 bản nhạc và hàng trăm ảnh nghệ thuật, thời sự. Trong số đó có nhiều tác phẩm đoạt giải Trung ương và địa phương, thu hút sự chú ý của độc giả trong và ngoài tỉnh. Điều đáng nói nữa là những tác phẩm này có mặt trong tất cả các loại hình nghệ thuật và các thể loại khác nhau. So với những năm trước, văn học nghệ thuật Yên Bái đã có sự phát triển và phát triển khá đồng đều. Sự phát triển này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Chủ quan là sự nỗ lực trong hoạt động sáng tạo và điều kiện công bố tác phẩm của các tác giả đã được cải thiện.

Khách quan, trước hết phải nói tới một môi trường với rất nhiều vấn đề. Môi trường ấy chính là cuộc sống và các sự kiện chính trị - xã hội - kinh tế ở địa phương đã là những xúc tác cho cảm hứng sáng tạo và chất liệu để xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật. Môi trường ấy là sự quan tâm, lãnh đạo, tạo điều kiện về vật chất cũng như tinh thần của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự cộng tác của các ban, ngành. Môi trường ấy còn là sự tổ chức các cuộc vận động sáng tác, cuộc thi, trại sáng tác như cuộc vận động viết ký về đề tài thương binh - liệt sĩ, sáng tác ảnh về đề tài an toàn giao thông, viết về “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái”, cuộc thi thơ Yên Bái năm 2007, trại sáng tác ảnh nghệ thuật.

Ngoài ra, các cuộc vận động và các trại sáng tác của Trung ương tổ chức đều có tác giả Yên Bái tham gia và đều có tác phẩm được công bố và đoạt giải. Và còn phải kể đến quỹ hỗ trợ công bố tác phẩm được sử dụng đúng mục đích, đúng địa chỉ, chế độ nhuận bút bước đầu có sự cải thiện v.v...

Có lẽ điều mà những người quan tâm tới văn học nghệ thuật Yên Bái băn khoăn, trăn trở trước nhất là làm sao nâng cao chất lượng sáng tác, đặc biệt là những đổi mới về nghệ thuật. Công tác sáng tác, phê bình, biên tập, in ấn, phát hành làm sao có được tính chuyên nghiệp hơn.

Điều thứ hai là bên cạnh lực lượng sáng tác có quá trình và kinh nghiệm, có tuổi đời từng trải, chúng ta còn cần đến một lực lượng sáng tác trẻ. Muốn có một đội ngũ tác giả trẻ, trước hết cần có sự phát hiện, bồi dưỡng, nuôi nấng và cần phải tạo ra một môi trường, chất xúc tác - đó là các cuộc vận động, cuộc thi phổ biến cho nhiều đối tượng tham gia, trong đó đặc biệt quan tâm tới đối tượng nhà trường. Muốn có được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội VHNT tỉnh và ngành giáo dục một cách thường xuyên, liên tục, đồng trách nhiệm.

Điều thứ ba là công tác phát hành. Làm sao để các tập sách của các tác giả, kể cả “Tạp chí Văn nghệ Yên Bái” về đến tay độc giả. Muốn phát hành tốt thì trước hết phải có tác phẩm thật. Công tác giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá cũng rất quan trọng. Và cuối cùng cũng cần một cơ chế, một sự phối hợp giữa Hội với các ban, ngành.

Trong báo cáo tổng kết văn học – nghệ thuật năm 2007, phương hướng hoạt động năm 2008 do Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Yên Bái Dương Soái trình bày đã nêu mấy vấn đề trọng tâm:

Về nhiệm vụ: Bám sát nội dung chính trị - kinh tế của tỉnh, phản ánh kịp thời trong từng số tạp chí đồng thời nâng cao chất lượng nghệ thuật trong từng chuyên mục; tích cực hưởng ứng cuộc vận động viết về “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái”; duy trì chất lượng ảnh nghệ thuật, có tác phẩm tốt tham gia liên hoan ảnh khu vực; hoàn thành đề án giải thưởng 5 năm trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt v.v...

Về giải pháp: Hội VHNT tỉnh tổ chức các trại viết, các đợt đi thực tế sáng tác của các văn nghệ sĩ; phát động hội viên chuẩn bị tốt các đề cương sáng tác tham gia các trại sáng tác văn học, mĩ thuật của địa phương và Trung ương; phối hợp với các ngành, các huyện, thị tổ chức tốt các hoạt động tuyên tuyền, tạo sự gắn bó chặt chẽ với các ngành và các địa phương; động viên các hội viên tích cực tham gia các cuộc thi sáng tác của địa phương và Trung ương; sử dụng có hiệu quả đầu tư sáng tác để có tác phẩm có giá trị.

Công việc sáng tạo nghệ thuật là của mỗi cá nhân, phụ thuộc vào tài năng nghệ thuật, sự đam mê và cả sự dám chấp nhận, dám hy sinh vì nghệ thuật của mỗi cá nhân nghệ sĩ. Muốn vậy, việc tạo một môi trường là chưa đủ mà còn cần một bản lĩnh sáng tạo. Muốn có được bản lĩnh ấy, điều đầu tiên là văn nghệ sĩ phải được coi trọng, tôn trọng; hiệu quả của văn học nghệ thuật cần được đánh giá đúng với đặc trưng của nó; sự quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ bằng vật chất cũng rất cần thiết với vai trò hỗ trợ.

Văn nghệ sĩ tỉnh Yên Bái đang rất mong mỏi bên cạnh giải thưởng thường niên có giải thưởng 5 năm. Giải thưởng ấy để khẳng định những giá trị nghệ thuật và hiệu quả của tác phẩm với cuộc sống, khẳng định những đóng góp của văn nghệ sĩ với văn học địa phương và thể hiện sự tôn trọng, sự quan tâm với văn học nghệ thuật.

Nhìn lại một năm đã qua, tuy chưa thật hài lòng với những gì đạt được nhưng so với mặt bằng chung của văn học các địa phương trong cả nước, chúng ta được phép tự hào và tự tin để bước tiếp, để hy vọng những thành công trong năm 2008 của các tác giả nói riêng và của văn học nghệ thuật Yên Bái nói chung.

Nguyễn Hiền Lương

Các tin khác

Tính đến sáng 19-3, di sản vịnh Hạ Long của Việt Nam đã trải qua 1 tháng liên tục đứng ở vị trí số 1 trong bảng xếp hạng 77 kỳ quan có số phiếu bầu cao nhất để tiến tới bầu chọn ra 7 kỳ quan tự nhiên thế giới. 77 kỳ quan kể trên được Tổ chức New Open World thống kê từ hơn 200 danh thắng được cả thế g

Hoa hậu Mai Phương Thúy.

Giải thưởng lớn nhất trong lịch sử cuộc thi - 150 triệu đồng và một chuyến du lịch nước ngoài sẽ thuộc về cô gái đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2008.

Những người mẫu tham gia chương trình lần thứ nhất -năm 2006.

Giải thưởng người mẫu Việt Nam 2008 - sự kiện diễn ra 2 năm/ lần của giới người mẫu và thời trang Việt Nam sẽ chính thức khởi động trong tháng 3-2008, giải do Cty cổ phần truyền thông sự kiện TAF tổ chức.

Leonardo DiCaprio và Kate Winslet  trong phim Titanic

Bộ phim từng giành được 11 giải Oscar với hai ngôi sao Leonardo DiCaprio và Kate Winslet - Titanic - đã được tạp chí The Sun bầu chọn là bộ phim hay nhất mọi thời đại trong một cuộc thăm dò ý kiến của 6000 khán giả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục