Tục treo nhau trẻ sơ sinh của người Thái Tây Bắc
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Người Thái ở vùng Tây bắc có câu: "Hé tốc, hộc hỏi" - có nghĩa là: “rốn rụng, nhau treo”, bởi mỗi khi một đứa trẻ chào đời, người Thái lại đem nhau của đứa trẻ cho vào ống treo lên cành cây như một thông điệp với đất trời và cộng đồng.
Người Thái ở Tây Bắc quan niệm trên mường trời có Then Lò (tức là Then đúc người) quyết định cho sự sinh nở dưới trần. Then Lò được gọi là "Me Bẩu", có nghĩa là Mẹ Khuôn. Mẹ Khuôn dùng một khuôn đúc gọi là “Háng Me Bẩu”. Me Bẩu quyết định ngày giờ sinh và sự sống của đứa trẻ khi được từ khuôn đúc đầu thai vào làm con một người mẹ cụ thể dưới trần.
Cũng vì vậy, mỗi đứa trẻ ra đời, các bà mẹ người Thái thường dùng một cái bát sứ cổ gọi là "thuổi bẩu", tượng trưng cho "Háng me Bẩu", trong "thuổi bẩu" để cuộn dây gai vò rối tượng trưng cho nhau của người mẹ, cùng mấy đồng bạc trắng và rốn của đứa trẻ khi đã rụng. Nếu "Me Bẩu" có vai trò của Mẹ Khuôn, thì vị thần trực tiếp đúc là đàn ông, tượng trưng cho người cha, được gọi là "Pú chang ló, po chang ti" có nghĩa là ông thợ đúc, cha khéo rèn.
Cùng với quan niệm về "Me Bẩu", người Thái ở Tây bắc còn quan niệm Then có rất nhiều vợ, có tới hàng chục vạn bà, mỗi lần một vợ của Then sinh nở là dưới trần lại có một đứa trẻ chào đời. Bởi vậy, phải cho nhau của đứa trẻ mới sinh vào ống rồi treo lên cây để Then biết đã có thêm một đứa con của Then được chào đời ở trần gian, các viên quan sát khi thấy các ống nhau treo trên cây sẽ về trời báo cáo để Then ghi vào sổ.
Cho đến nay người Thái ở Tây Bắc vẫn giữ tục lệ này như một mỹ tục đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Lược bỏ những yếu tố tâm linh, thì đấy chính là thái độ sống hướng thiện "uống nước nhớ nguồn", đề cao công đức của bậc sinh thành của người mẹ trực tiếp mang nặng đẻ đau, tần tảo một nắng hai sương hết lòng vì đứa con yêu và mỗi người Thái khi nghe câu: "Hé tốc, hộc hỏi" là lại thêm yêu, gắn bó với bản mường yêu dấu, nơi "chôn nhau cắt rốn".
Trần Vân Hạc
Các tin khác
YBĐT - Được sự giúp đỡ của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái đã tổ chức Trại sáng tác văn học, nghệ thuật năm 2008 tại Nhà sáng tác Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Tham gia Trại sáng tác có 15 hội viên thuộc các bộ môn: Văn học, Âm nhạc, Tạo hình và Nhiếp ảnh.
Cùng với những cảnh sắc được thiên nhiên ban tặng, như các dãy núi hùng vĩ, sông, suối và hang động, vùng đất Bắc Hà(Lào Cai) còn là nơi hội tụ các sắc màu văn hoá dân tộc truyền thống, những đặc sản riêng của miền Tây Bắc, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt níu giữ chân khách thập phương.
Ngày 28.5, Công ty FAHASA mở đợt phát hành sách và hoạt động phục vụ hè toàn quốc năm 2008 với chương trình triển lãm 10.000 tựa sách thiếu nhi gồm hơn 30.000 bản của các NXB, nhà cung cấp nổi tiếng trong và ngoài nước như: Kim Đồng, Trẻ, Thanh Niên, Giáo dục, Văn hóa Sài Gòn, Macmillan, Hachette, Bắc Kinh, Thượng Hải, tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng.
YBĐT - Mỗi dân tộc ở Yên Bái đều có các thể loại dân ca đậm sắc thái tộc người. Nếu dân tộc Thái có "Xống chụ xôn xao" (Tiễn dặn người yêu), dân tộc Tày có "Khảm hải" (Vượt biển) thì dân tộc Mông có "Gầu va nhéng" (Tiếng hát làm dâu), một khúc ca bi tráng nói về thân phận làm vợ nhà người dưới thời phong kiến. "Gầu va nhéng", nghĩa phổ thông là "Tiếng hát làm dâu". Đây là một trong 5 thể loại thuộc "Hu gầu" mà người Mông thường gọi là "Tiếng hát Mông".