Một tích chuyện trong trường ca Khảm Hải
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đã có từ xa xưa trong những đêm "văn hóa tâm linh" của người Tày trong vùng Yên Bình, Lục Yên (Yên Bái), Hà Giang, Tuyên Quang, cả một đêm "nấn ná" của ông thầy Pựt cùng mũ áo, chùm nhạc trong vai "quan say" đưa lễ vật dâng lên lễ tổ trong những đêm đẹp trời của mùa xuân để cầu phúc, cầu may hay làm vía, làm mụ (hắt khoăn, hắt mụ), có đoạn hay nhất của cả một đêm hát là đoạn Khảm Hải (vượt biển). Đoạn này kéo dài hai tiếng đồng hồ vào lúc đêm đã khuya, gà cất tiếng gáy báo một ngày mới.
Ông Pựt biểu diễn trong đoạn Khảm Hải không trong vai "quan say" mà trong vai sa dạ sa dồng (nô lệ chèo thuyền), vượt biển chở lễ vật dâng lễ tổ khiến ai cũng cảm động rơi nước mắt xót thương cho cuộc đời sa dạ sa dồng. Miền núi làm gì có biển, qua nghe hát người miền núi đã biết đến biển. Biển ở đây có thể là không có thật, đó là biển luân hồi, bể khổ dưới âm ty đầy ma quỷ chặn đường. Câu chuyện bắt đầu bằng việc kể lại:
"Không nói chẳng ai biết
không tỏ, chẳng ai rõ thân tôi
Ngày nọ tôi có hai anh em
Như đôi chim tha mồi
cùng kiếm củi lần hồi nuôi nhau.
Rồi anh lấy được vợ
Vun vén ngày càng giàu.
Ngày ngày anh sung sướng
Em khổ tưởng chết đi
Anh không hề nhòm ngó
Bỏ mặc em đói nghèo..."
Và chiều ấy, khi người em về tới cổng nhà, chị dâu tay đang quấy cong chàm nơi góc vườn, nom thấy em áo rách tựa lá đao:
"Chị thương em nước mắt ứa ra
Chị lại gần khẽ bảo:
-Rách hết rồi,
Lên nhà chị lấy kim khâu lại mau em!
Ai ngờ dấu chàm đen
Anh cho em nên tội
Anh giận dữ hằm hằm
Rằng: Chim sẻ ăn gạo nếp
Em chú tằng tịu với chị dâu
Hằm hằm anh mang dao đi mài
Hằm hằm anh mang gươm đến chém
Chém đầu em treo ngọn cọ
Chặt chân em treo ngọn vông
Em chết cả mường bản lại xem
Em chết cả mường người đến ngó
Hồn em bay trên không
Mới hóa thành sa dạ sang sông
Mới hóa thành sa dồng qua biển
Ngày chết chẳng tấm chiếu bó thân
Ngày chết mang mình trần em đi
Cay đắng lắm, cực nhục thay
Chao ơi, trời đất ơi!
Ngỡ chết là đời được bình yên
Lại bị quan bắt về làm tớ
Ngày ngày đi chèo thuyền qua biển"
Ông Pựt lúc này đã "hoàn chỉnh" trong vai sa dạ sa dồng chèo thuyền vượt biển. Người nghe cũng quên luôn là mình đang "thưởng thức" mà nỗi lòng đang theo sa dạ sa dồng vượt biển. Câu chuyện đẩy lên cao và sang "cao trào" mới đã dẫn dắt người xem, nghe không rời ra được, vì muốn biết sa dạ sa dồng chèo thuyền vượt 12 bến (rán) nước đầy thuồng luồng, ma quỷ dữ ra sao. Trong cuộc đời mỗi người ai chẳng một lần tạm biệt căn nhà của mình, nhưng sa dạ sa dồng lại khác vì chuyến đi này được trở về may họa. Sa dạ sa dồng nhắn lại tất cả:
"...ở lại nhé cái nhà bốn góc
ở lại nhé cây củi đương hồng
ở lại nhé cái nồi miệng bằng
ở lại nhé cái kiềng ba lưỡi
ở lại nhé mái cọ bên ngoài che dột
ở lại nhé sợi lạt buộc chắc bên trong
ở lại nhé sàn thích gỗ bay
ở lại nhé thang cây gỗ viền
Chiếc thang ba ngày làm
cầu thang bảy ngày đóng
Chao ơi, trời đất ơi!
Bước xuống bậc thứ nhất
Vợ chỉ còn chiếc yếm che thân
Cởi trao mang theo đường đổi gạo
Được ống để nấu ăn
Nửa ống để dành phần vượt biển..."
Cứ thế từng bậc, từng bậc đi xuống, sa dạ sa dồng nhắn chào anh em làng bản. Đến bậc thang thứ bảy sa dạ sa dồng nhắn:
"...Ở lại nhé ba tấc đất chôn nhau
Ở lại nhé miếng đất bằng ta đứng
Thân tôi khổ đến chết
Dưới bãi chẳng sợi rơm
Cổng vườn chẳng vỏ trấu
Ngày đi được trở về may họa
Nhắn nhà người ở lại mát mẻ đằng sau"
Người nghe, xem lúc này càng thương sa dạ sa dồng hơn vì anh ta dù nghèo khó, chết thê thảm thành kiếp khác nhưng cuộc sống vẫn thắm đượm tình người. Rồi cuộc vượt biển diễn ra khó khăn, vượt qua 12 rán nước, lời hát lúc này là tiếng lòng trầm buồn, tự nhủ mình:
"...Khổ không chết mới sống
Chèo đi thôi chèo đi
Nước biển đỏ như máu
Nước biển nóng như lửa
Cay đắng lắm đời sa dạ sa dồng".
Năm 2007, tại Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam trên sóng VTV, một nghệ nhân đoàn Yên Bái đã biểu diễn hơn sáu phút trích đoạn Khảm Hải và đạt giải cao. Điều đó nói lên "Khảm Hải" là loại hình dân ca, trường ca rất hay trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam.
Hoàng Tương Lai
Các tin khác
YBĐT - Trong tâm lý của cộng đồng người Việt trước đây, đều có chung một mong muốn cho con cái sau khi dựng vợ gả chồng là phải sinh được "con đàn cháu đống". Vì vậy, hầu như mỗi dân tộc đều có nghi lễ cầu tự theo cách riêng của mình. Họ có thể tiến hành nghi lễ này khi con cái đến tuổi trưởng thành; tiến hành trong lễ cưới hỏi hoặc khi đã cưới rồi mà bị hiếm muộn con...
Ngày 4-6, lễ tế Nam Giao được tỉnh Thừa Thiên - Huế phục dựng bài bản và trang nghiêm dựa trên một phần nguyên bản lễ tế Giao đầu triều nhà Nguyễn ngày xưa.
YBĐT - Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Ban tổ chức phòng, chống ma túy tội phạm tỉnh Yên Bái năm 2008, cùng với hoạt động của Đội Thông tin lưu động biểu diễn phục vụ tại các huyện thị trong tỉnh, từ ngày 26/5/2008 đến 31/5/2008, Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh tổ chức Triển lãm tranh cổ động với chủ đề “Phòng, chống ma túy, tội phạm năm 2008”.
YBĐT - Hàng năm, Chi nhánh Bảo tàng thị xã Nghĩa Lộ thuộc Bảo tàng tỉnh Yên Bái đều đăng ký sưu tầm được từ 50 hiện vật trở lên và từ đầu năm 2007 đến nay đã sưu tầm được 140 hiện vật. Đó là kỷ vật của các đồng chí cán bộ hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm: cặp đựng tài liệu, ba lô, đồ dùng cá nhân khác...