Đúc trống đồng tại Hoàng thành Thăng Long

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/2/2009 | 12:00:00 AM

Sáng nay 2-2 (tức mồng 8 Tết Kỷ Sửu), trong khuôn khổ Hội Xuân Hoàng Thành Thăng Long năm 2009 đã diễn ra nghi lễ biểu diễn đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống Đông Sơn.

8 nghệ nhân đúc trống đồng làng Đông Sơn, Thanh Hoá đã chuẩn bị khuôn đúc trống trong 65 ngày trước Tết. Đúng 9h30 phút sáng ngày 8 tháng Giêng Âm Lịch, sau nghi lễ thắp hương cầu khấn tổ tiên phù hộ trước thềm Điện Kính Thiên trong Hoàng Thành, ngọn lửa nấu đồng bắt đầu được nhóm lên trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên và công chúng Hà Nội. Nghệ nhân Thiều Quang Tùng, trưởng nhóm cho biết : " Chúng tôi vô cùng tự hào khi là những nghệ nhân đầu tiên được trình diễn đúc trống đồng tại sân Hoàng Thành Thăng Long, trung tâm linh thiêng của thủ đô. Hôm nay chúng tôi phục chế chiếc trống dựa theo mẫu trống đồng Ngọc Lũ, có đường kính 60cm, cao 49cm (trống Ngọc Lũ nguyên bản có đường kính 79cm, cao 63 cm). Dùng hơn 60 kg đồng lá, nhưng sau khi đúc chiếc trống sẽ nặng khoảng 50kg."
         

Đúc trống đồng có nhiều công đoạn từ khâu nhào đất lập khuôn. Đây là khâu mà các nghệ nhân đúc thường hay giữ bí quyết với tỷ lệ đất sét, tro, giấy bản, silicat để khuôn đúc trống đảm bảo thành công sau đó. Tiếp đến là khâu tạo hoa văn, nung khuôn, nấu đồng, đổ đồng, dỡ khuôn, chỉnh sửa hoàn thiện sản phẩm. Trong suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, người xem hồi hộp theo dõi thao tác của các nghệ nhân để chứng kiến kết quả công việc cuối cùng của họ. Sau khi khuôn được dỡ ra, những nụ cười rạng rỡ và tiếng vỗ tay ròn giã vang lên. Những lời trầm trồ khen ngợi " Ôi! Đẹp quá! Tuyệt quá!" . Mặc dù trống còn nóng hổi, mọi người đều chụm tay đánh thử. Một âm thanh vang và ấm làm xao động lòng người.
       

Trong lòng mọi người đều xúc động khi nhìn thấy những hoạ tiết hoa văn tinh xảo hiện lên trên mặt trống và tang trống. Ngôi sao mặt trời chính giữa với 14 tia cánh. Xen giữa các cánh sao là những hoạ tiết hình tam giác. Từ trong ra ngoài có tất cả 16 vành hoa văn đồng tâm bao bọc lấy nhau. Trên vành 6 diễn tả những cư dân Lạc Việt trong trang phục lễ hội, nhà sàn, người giã gạo. Vành 8 gồm hai nhóm, mỗi nhóm có 10 con hươu cách nhau bằng hai tốp chim bay, một tốp 6 con và một tốp 8 con. Cứ một con hươu đực thì đến một con hươu cái. Vành 10 gồm 36 con chim, 18 con đậu và 18 con chim đang bay. Chim bay là loại chim mỏ dài, có mào, đuôi và chân dài, mình gầy thuộc loại cò , sếu hoặc vạc mà ta thường gọi là chim Lạc. Chim đậu có nhiều loại. Con thì mỏ ngắn vênh lên, con thì mỏ dài chúc xuống, phần đông là chim ngậm mồi. Các con chim đậu đều có đuôi ngắn. Sáu đoàn thuyền lễ hội và thuyền chiến được diễn tả tinh xảo bên tang trống. Những thuyền này chuyển động từ trái sang phải, xen giữa các hình thuyền là chim đứng. Đứng giữa thuyền là người chỉ huy cầm trống đang điều khiển. Mũi thuyền có từ 1 đến 2 người tay cầm vũ khí như giáo hoặc rìu chiến. Mỗi thuyền đều có một người cầm lái đầu đội mũ lông chim cao, tay lái có trang sức lông chim. Với những đường nét kỷ hà mang tính cách điệu cao, những nghệ nhân Lạc Việt thời xa xưa đã diễn tả vô cùng khéo léo và tinh tế đời sống và những nghi lễ truyền thống của nền vinh minh sông nước thời các vua Hùng dựng nước. Và hôm nay lớp con cháu kế nghiệp, các nghệ nhân trẻ làng Đông Sơn đã tái hiện lại quy trình đúc trống, làm sống lại những giá trị văn hoá phi vật thể và vật thể quý báu của cha ông truyền lại.

Ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Chi hội Hội Di sản Văn hoá Việt Nam tỉnh Thanh Hoá tự hào phát biểu : " Ngắm hoa văn trên mặt trống đồng, bên tai ta còn vẳng tiếng thậm thịch từ thuở Vua Hùng vọng lại, gợi lại cho ta những buổi tế trời đất, được cử hành tại đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh từ đất Phong Châu, gợi lại cho ta những sinh hoạt đời thường của cư dân Lạc Việt, gợi cho ta những hồi trống trận, thúc giục nghĩa binh xông trận đuổi giặc thù, rồi tiếng trống lại tưng bừng khi đoàn quân khải hoàn ca trở về sau mỗi lần thắng trận. Điều đó càng khẳng định rằng: trống đồng là báu vật truyền đời của non sông ngàn thuở.".

(Theo HNMĐT)

Các tin khác
Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà văn hoá thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu.

Sáng nay - 4/5, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã tổ chức khánh thành Nhà văn hoá thôn Cửa Ngòi. Đây là công trình tiêu biểu của xã lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 79 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Yên Bái (7/5/1945 - 7/5/2024).

(Ảnh: tuyengiao)

Từ việc được đọc, được học, được nghe giảng bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu trong nhà trường, với thế hệ chúng tôi mỗi lần đọc lại bài thơ ấy vẫn như thước phim thời sự nóng bỏng, hôi hổi chuỗi thông tin chiến trường và sống động khúc ca trữ tình cách mạng reo vui muôn nốt.

Phim dự kiến ra rạp từ 17-5.

Phim "Vầng trăng thơ ấu" kể về thời thơ ấu của Bác Hồ được đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện, Công ty cổ phần phim Giải phóng sản xuất, dự kiến ra rạp từ ngày 17-5.

Thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc” vào ngày 4 - 5/5/2024.

Dự kiến trong 2 ngày 4 – 5/5, thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục