Lễ hội "Quảng Nam - hành trình di sản": Cơ hội kích cầu du lịch
- Cập nhật: Thứ năm, 4/6/2009 | 12:00:00 AM
Từ ngày 4-7.6, lễ hội văn hoá du lịch "Quảng Nam - hành trình di sản" lần thứ tư diễn ra tại nhiều địa điểm trong tỉnh với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao cùng các sản phẩm văn hoá du lịch phục vụ người dân và du khách.
Trình diễn thời trang trong đêm phố cổ Hội An.
|
Không chỉ là sự tôn vinh các di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn và Hội An sau 10 năm được UNESCO công nhận, lễ hội lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nên còn có mục tiêu kích cầu du lịch.
Đại tiệc văn hoá du lịch Di sản Mỹ Sơn.
Bức tranh lễ hội lần này được treo trên chiếc "đinh" Mỹ Sơn, Hội An nhằm kỷ niệm 10 năm 2 di sản này được tôn vinh. Chính vì vậy, các điểm nhấn chương trình lễ hội đều tập trung tại 2 địa phương Hội An và Duy Xuyên. Theo ông Nguyễn Hoàng Bích - Phó GĐ Sở VHTTDL, lễ khai mạc đêm 5.6 tổ chức tại di sản Mỹ Sơn với chủ đề "Ấn tượng một chặng đường" diễn ra trong không gian huyền ảo của đền tháp, trên một sân khấu "không sân khấu" hòa vào di tích, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Lễ bế mạc tại Hội An với chủ đề "Khát vọng Thu Bồn" tái hiện cảnh sông nước vùng hạ lưu Thu Bồn, biểu hiện tình cảm thủy chung của con người xứ Quảng và khát vọng hướng đến tương lai giàu đẹp từ những tiềm năng của vùng đất quê hương.
Trong suốt 4 ngày lễ hội, có nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đa dạng, vừa truyền thống vừa hiện đại và cả giao lưu văn hoá mang tầm quốc gia và quốc tế nhằm phục vụ người dân và du khách.
Một số hoạt động đáng chú ý của lễ hội như liên hoan nghệ thuật dân ca dân vũ toàn quốc, trình diễn nghệ thuật của đoàn đến từ di sản Watphou trong chương trình giao lưu văn hoá với di sản Mỹ Sơn, chương trình "Xe cổ với hành trình di sản" quy tụ hàng trăm xe cổ cả nước trình diễn, diễu hành cùng các hoa hậu thế giới và Việt Nam, chương trình dạ hội hoá trang các dân tộc Việt Nam và thế giới, thả diều quốc tế, giải golf quốc tế...
Hoà chung vào không khí lễ hội tưng bừng là các chương trình hội chợ, hội làng nghề, triển lãm, trưng bày hàng hoá, giao lưu văn hoá ẩm thực 3 miền... với sự tổ chức và tham gia của chính người dân. Đáng nói, hầu hết các hoạt động lễ hội đều được xây dựng theo hướng gần gũi với đời sống, mà trong đó chính người dân và du khách là chủ thể. Bởi vậy, lễ hội lần này hứa hẹn mang đến một "đại tiệc văn hoá du lịch" cho mọi người tham gia.
Nhiều loại hình du lịch cảm giác mạnh đang phát triển tại Hội An.
Mục tiêu kích cầu
Điểm mới nữa của lễ hội lần này là sự "xã hội hoá" đến tối đa các hoạt động. Ông Đinh Hài - GĐ Sở VHTTDL cho biết: "Lần này, tỉnh chỉ đứng ra chỉ đạo, điều phối chương trình lễ hội, còn mọi hoạt động được giao quyền tự chủ về cho các địa phương tổ chức, phát huy được sự năng động của từng vùng, điều tiết chương trình linh hoạt hơn... Kinh phí ngân sách tỉnh chi cho lễ hội cũng chỉ có 1 tỉ đồng (khoảng 1/5 so với các lần lễ hội trước), chủ yếu để lo các công tác chung như quảng bá, kết nối lữ hành, famtrip...".
Nguồn ngân sách các địa phương phục vụ lễ hội cũng chỉ trích từ kinh phí hoạt động thường xuyên, còn nhiều hoạt động lễ hội được vận động doanh nghiệp tài trợ tổ chức, như chương trình trình diễn 223 xe cổ sản xuất trong thập niên 1930-1960, cùng ba hoa hậu thế giới, hai hoa hậu Việt Nam do Palm Garden Resort chủ trì, thả diều của Victoria Resort, giải golf... có trị giá hàng tỉ đồng.
Lễ hội hành trình di sản lần thứ tư diễn ra trong bối cảnh kinh tế suy giảm, vì vậy, tỉnh Quảng Nam xem đây như một cơ hội, một giải pháp kích cầu du lịch. Hàng loạt chương trình khuyến mãi được tung ra nhân dịp lễ hội nhằm thu hút du khách quốc tế và nhất là nguồn du khách nội địa đầy tiềm năng, nhưng lâu nay chưa được chú trọng khai thác đúng mức.
Các điểm tham quan đều miễn phí, hầu hết các dịch vụ du lịch đều khuyến mãi như cơ sở lưu trú giảm giá trung bình 30%, khách lưu trú được vận chuyển Mỹ Sơn - Hội An miễn phí, hàng lưu niệm tặng quà khuyến mãi...
Theo ông Trần Minh Cả - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: "Cùng với yêu cầu kích cầu du lịch trong thời điểm hiện tại, lễ hội lần này là dịp để tổng kết, đánh giá hiệu quả của sự kiện lễ hội 2 năm 1 lần "Quảng Nam - hành trình di sản", qua đó có hướng đi thích hợp trong tương lai đối với "thương hiệu" này, từng bước đưa "Quảng Nam - hành trình di sản" thành một lễ hội "tự thân" với các sản phẩm văn hoá du lịch truyền thống và hiện đại được hoàn thiện, tự "sống" và phát huy giá trị".
(Theo Lao Động)
Các tin khác
"Bà Smith" đã "qua mặt" nữ hoàng truyền thông Oraph Winfrey để trở thành nghệ sĩ quyền lực nhất thế giới năm 2009 do tạp chí Forbes binh chọn. Trong năm qua, thu nhập của Angelina Jolie là 16,4 triệu bảng Anh, gấp đôi năm ngoái.
Ngày 3/6, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak đã công bố khoản tài trợ trị giá 74.500 USD dành cho Việt Nam để thực hiện việc bảo tồn Ô Quan Chưởng, cửa ô cổ duy nhất còn lại ở Hà Nội.
Chương trình Hòa nhạc Toyota xuyên Việt 2009: Ca sỹ Mỹ Linh sẽ hát cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam
Lần đầu tiên trong chương trình Hòa nhạc Toyota xuyên Việt 2009 có sự góp mặt của ca sỹ Diva nổi tiếng Mỹ Linh. Chương trình do Bộ VH,TT&DL, Quỹ Toyota Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại 5 thành phố lớn của Việt Nam.