Đâu rồi “mák Pém” ngày xưa ?
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ai đã từng một lần lên xứ Thái Tây Bắc, đều không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh trời mây non nước nên thơ và hùng vĩ, đậm chất hoang sơ, huyền thoại và lịch sử, đặc biệt là nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng rồi vẫn không khỏi băn khoăn: Sao những tinh hoa văn hóa tuyệt vời đến nhường kia cứ ngày một bị pha trộn, thậm chí bị lãng quên và có khi biến chất ?
Thiếu nữ Thái với áo “cỏm”.
|
Chỉ nói riêng bộ trang phục của người con gái Thái. Quả thật, ít có bộ trang phục thiếu nữ dân tộc nào vừa trang nhã, vừa kín đáo, vừa tôn những đường cong tuyệt mỹ như vậy, đặc biệt là đôi hàng “mák pém” - cúc bạc hình bướm. Áo mặc ngoài của người con gái Thái gọi là “xửa cỏm”. Đây là áo dài tay được may bó sát người, dài vừa chớm tới vòng eo thon thả.
Trên ngực áo thường là đôi hàng cúc bạc hình bướm. Một bên là hàng bướm đực, một bên là hàng bướm cái. Bướm đực có đầu hình tam giác, mang đôi râu kiêu hãnh vươn ra phía trước. Bướm cái đầu tròn, có lỗ nhỏ hình thoi ở giữa. Khi luồn đầu bướm đực vào đầu bướm cái, vạt áo được khép lại kín đáo. Hai hàng bướm như đang chụm đầu vào nhau trong vũ điệu giao duyên huyền ảo. Mỗi bước đi hàng cúc hình bướm long lanh sống động. Trong mỗi bước xòe, bướm bạc như bay lên trong điệu dân vũ (Trên áo cỏm của con gái Thái còn có cúc bạc hình ve sầu, ở Mường Lò xưa thường mặc trong hội xuân chơi hang Thẩm Lé…).
Từ bao đời rồi người già vẫn kể cho con cháu nghe câu chuyện về khát vọng tự do hôn nhân của dân tộc mình. Chuyện rằng: Ngày xưa có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết, chàng trai giỏi làm ruộng, nương và săn bắt thú rừng. Tiếng khèn của chàng mỗi khi cất lên là núi ngàn và muôn loài đều rạo rực đắm say. Cô gái đẹp như bông hoa ban đương độ, vừa giỏi quay xa dệt vải, vừa có giọng hát hay tuyệt trần, mỗi khi cô cất tiếng hát là chim rừng cũng im lặng lắng nghe, vầng trăng cũng sà xuống trải vàng trên lá thắm. Song, do chàng trai quá nghèo khổ nên cha mẹ nàng không gả cho chàng. Chàng trai quyết chí đi xa làm giàu, hai người hẹn thề son sắt. Năm tháng trôi đi biền biệt, ở nhà mẹ của chàng trai và người yêu mòn mỏi chờ đợi rồi lâm trọng bệnh, cùng qua đời một lúc. Từ nơi xa, như có linh tính mách bảo, chàng trai hối hả băng rừng vượt suối trở về. Chàng đau đớn khôn cùng, một tay nắm chặt vạt áo của mẹ, một tay nắm chặt vạt áo người yêu. Khi nắp quan tài đóng sập xuống, chàng trai vẫn không rời tay, mọi người đành cắt vạt áo của mẹ và người yêu của chàng. Trong tay chàng trai, hai vạt áo vụt biến thành cánh bướm sóng đôi bay vút lên trời”.
Từ đấy mỗi người con gái Thái đều đính hàng khuy bạc hình bướm lên ngực áo, nơi trái tim mình để nhớ mãi mối tình sắt son chung thủy. Ý nghĩa âm dương giao hòa để có một cuộc sống sinh sôi bất diệt được gửi gắm vào hàng khuy áo, nơi luôn được trái tim rực lửa yêu đương ấp ủ sao mà tinh tế và cao đẹp biết nhường nào!
Những người am hiểu văn hóa Thái Tây Bắc còn thấy không chỉ trên đôi hàng “mák pém”, mà nghệ thuật trang trí, từ nhà cửa, thổ cẩm, mỗi hoa văn, họa tiết đều rất coi trọng nguyên lý âm dương, ngũ hành chuyên chở khát vọng sống từ bao đời. Xưa áo “cỏm” của con gái Thái thường chỉ dùng vải bông nhuộm chàm, hoặc mầu trắng (tùy theo đó là người Thái đen hay Thái trắng). Áo cỏm của con gái Thái đen bao giờ hàng cúc cũng đơm dầy sít nhau. Con gái chưa chồng hàng cúc mang số lẻ như còn chờ đợi cặp đôi. Con gái có chồng hàng cúc mang số chẵn chuyên chở hạnh phúc vẹn tròn. Nhưng bây giờ thì đủ mầu sắc, tay ngắn, vai bồng, hở cổ, hàng cúc chẵn lẻ tùy ý…
Đành rằng khi xã hội phát triển, ảnh hưởng sự giao lưu các nền văn hóa cùng sự cách tân theo quan điểm thẩm mỹ của thời đại, không thể cứ nệ cổ. Nhưng với chiếc áo sắc mầu diêm dúa, thêm chút phấn son, các em như bước ra sân khấu, để rồi những du khách, những người Thái cao tuổi, đặc biệt là các nhà nghiên cứu không khỏi day dứt, tiếc nuối.
Người viết bài này khi thấy trên áo “cỏm” của các em gái Thái đen chưa chồng, cái thì mang hàng số chẵn, cái mang hàng số lẻ, tò mò hỏi về ý nghĩa đôi hàng cúc bạc, các em nhìn nhau lắc đầu cười: “Bấu hụ” - tức là không biết. Ngày nay, hoạt động du lịch đang đem lại một nguồn lợi chính đáng không nhỏ, có tác dụng như một đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế, văn hóa… Song, muốn lâu bền, nên chăng một trong những điều cần thiết là phải giữ được văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, thu hút được du khách ngày một đông hơn. Thế nhưng, làm thế nào để văn hóa dân tộc mãi giữ được cái hồn cốt riêng ấy? Đó là câu hỏi lớn dành cho các cấp, các ngành chức năng có liên quan.
Các nước có ngành du lịch phát triển, cũng từng phải trả giá không nhỏ cho những điều tưởng như nhỏ nhặt kia. Song, họ nhanh chóng biết rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời, bởi vậy tự thân các sản phẩm du lịch của họ, trong đó có văn hóa dân tộc, tỏa ra một sức hút đến say lòng du khách trong và ngoài nước. Cứ nhìn sang các nước láng giềng, mà khởi điểm của họ cũng như ta, chưa nói có những yếu tố tự nhiên và xã hội nhiều cái không bằng ta, vậy mà bao giờ chúng ta theo kịp họ? Đã đến lúc cần đánh thức ý thức giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa tinh thần của chính mỗi người dân bản địa.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
YBĐT - Ngày 12/6, Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Hội (12/6/1979 - 12/6/2009) và khai mạc triển lãm mỹ thuật lần thứ VII.
YBĐT - 30 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là những thành tích đạt được trong 5 năm từ 2004 đến 2008: được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, được đón nhận cờ thi đua và bằng khen nhiều năm của UBND tỉnh, Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; được đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp 30 năm thành lập Hội.
Ngày 10-6, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin - Truyền thông và thành phố Hà Nội tổ chức lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Không thu hút được sự quan tâm chú ý nhiều bằng danh hiệu người phụ nữ có bộ ngực tự nhiên đẹp nhất thế giới, nhưng danh hiệu bộ ngực “tệ hại nhất” của sao cũng nhận được không ít ý kiến đánh giá, bình bầu của giới chuyên môn cũng như các fan hâm mộ.