Văn Chấn: Khơi dậy tiềm năng văn hóa lịch sử của các di tích, danh thắng
- Cập nhật: Thứ hai, 15/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn có khoảng 26 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể. Thực tế do nhiều lý do khác nhau mà hầu hết các di tích, danh thắng này chưa được nghiên cứu, khảo sát một cách bài bản, khoa học để đề nghị chính quyền địa phương và Trung ương xem xét, ra quyết định công nhận.
Nậm Tốc Tát ở xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn.
|
Đứng trước yêu cầu hội nhập và phát triển, để tranh thủ tốt ngoại lực và phát huy tối đa nội lực nhất là yếu tố nội lực về văn hóa, truyền thống, con người của một địa phương giàu tiềm lực về tự nhiên, xã hội và nhân văn, năm 2009 HĐND huyện Văn Chấn đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HĐND phê chuẩn Đề án “Nghiên cứu khảo sát lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Văn Chấn”. UBND huyện đã phối hợp với Bảo Tàng tỉnh Yên Bái tích cực triển khai thực hiện. Trong quí I/2009, đã hoàn thành việc khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đối với di tích lịch sử cách mạng Khu ủy Tây Bắc tại xã Phù Nham và di tích thành Viềng Công tại xã Hạnh Sơn.
Di tích lịch sử tại bản Chanh xã Phù Nham được quy hoạch có diện tích trên 1836m, là nơi Khu ủy Tây Bắc đóng trụ sở từ cuối năm 1953 đến cuối năm 1954 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La vừa tiễu phỉ vừa xây dựng lực lượng, đóng góp sức người, sức của góp phần cùng quân dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, mở ra một trang sử mới cho dân tộc.
Di tích thành Viềng Công thuộc xã Hạnh Sơn là di tích lịch sử văn hóa. Diện tích toàn thành ước tính khoảng 11 ha. Thành tọa trên khu đất cao, có phong thủy đẹp, lưng tựa núi Pú Ký, trước có dòng Nậm Thia, Nậm Cò Noòng bao bọc; phía Tây Bắc có suối Hoong Lồm nối với ngòi Thia. Nơi đây vừa có thành vừa có lũy, được xem là nơi đặt chân đầu tiên và là nơi định cư lâu đời, ổn định của người Thái, đồng thời là căn cứ địa vững chắc của cuộc khởi nghĩa chống giặc Cờ Vàng vào thế kỷ XIX.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, phong trào chống thực dân Pháp do Nguyễn Quang Bích chỉ huy, thành Viềng Công cũng là nơi diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt. Thành Viềng Công xứng đáng được ghi vào danh mục di tích lịch sử để trở thành điểm du lịch văn hóa. Đây là địa chỉ đỏ về nguồn để các cấp bộ Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong và ngoài huyện phát huy truyền thống lịch sử của quê hương, bảo tồn và khai thác giá trị của di tích, thưởng ngoạn những nét đẹp còn nguyên sơ, hấp dẫn của văn hóa bản địa, với bề dầy giá trị lịch sử của thành cổ rêu phong, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông xưa, đồng thời giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ.
Từ nay đến cuối năm 2009, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu khảo sát, lập hồ sơ khoa học đối với các di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể, các danh lam thắng cảnh điển hình gồm: đèo Lũng Lô, địa danh Đá Xô, khu chè cổ thụ Suối Giàng, cánh đồng Mường Lò, Nậm Tốc Tát, suối nước nóng bản Bon, bản Hốc, Tú Lệ, nhà thờ bản Hẻo, múa sạp dân tộc Thái, chữ viết dân tộc Thái... để trình các cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận, đồng thời, UBND huyện đưa vào danh mục dự kiến đầu tư 2009 bằng nguồn vốn ngân sách quốc phòng đối với di tích đèo Lũng Lô và di tích Khu ủy Tây Bắc.
Sau khi được công nhận, xếp hạng các di tích, danh thắng và di sản văn hóa phi vật thể, UBND huyện lập kế hoạch xây dựng một số hạng mục cần thiết như: nhà bia, biển di tích, nhà văn hóa, khuôn viên, cây xanh, nhà truyền thống... phục vụ công tác quản lý và khai thác.
Trước mắt, giao cho UBND các xã trực tiếp quản lý, xây dựng kế hoạch bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và sử dụng, đồng thời chỉ đạo lồng gắn phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành giáo dục. Mỗi cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ nhận chăm sóc, bảo vệ một di tích lịch sử; các trường học ở vùng cánh đồng Mường Lò sẽ phổ biến điệu múa sạp truyền thống dân tộc Thái, phát triển việc dạy chữ Thái cổ cho đồng bào... để bảo tồn, phát huy nét đẹp, góp phần giáo dục truyền thống trong cộng đồng.
Việc tiến hành quy hoạch một cách tổng thể, toàn diện các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện đòi hỏi tính xã hội hóa sâu rộng và nguồn lực đầu tư lớn từ các đơn vị, cá nhân đã và đang quan tâm đến vấn đề này. Hướng tới khai thác tiềm năng và các giá trị nhân văn của địa phương, gắn phát triển văn hóa - xã hội với phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn trong tuyến du lịch miền Tây của tỉnh Yên Bái.
Hoàng Thị Chanh
Các tin khác
Đại hội lần thứ nhất, Hội Áo dài Việt Nam vừa qua ở Huế, đã bầu bà Tôn Nữ Thị Ninh, trưởng ban vận động thành lập, làm chủ tịch hội.
YBĐT - Nói một cách chân thực nhất thì mỹ thuật Yên Bái rất phát triển bởi cả tỉnh có tới 6 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, phải kể đến những cái tên như họa sĩ Quách Hùng, Trần Quang Minh, Nguyễn Đình Thi, Đào Thị Sinh, Đặng Quang Thắng, Trương Tiến Lợi.
YBĐT - Ai đã từng một lần lên xứ Thái Tây Bắc, đều không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh trời mây non nước nên thơ và hùng vĩ, đậm chất hoang sơ, huyền thoại và lịch sử, đặc biệt là nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng rồi vẫn không khỏi băn khoăn: Sao những tinh hoa văn hóa tuyệt vời đến nhường kia cứ ngày một bị pha trộn, thậm chí bị lãng quên và có khi biến chất ?
YBĐT - Ngày 12/6, Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Hội (12/6/1979 - 12/6/2009) và khai mạc triển lãm mỹ thuật lần thứ VII.