Cổ tích Việt Nam dưới cái nhìn hiện đại

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/6/2010 | 8:29:55 AM

Dù ở thời đại nào, truyện cổ tích vẫn là món ăn tinh thần yêu thích của trẻ thơ. Vào dịp hè năm nay, bộ sách 9 cuốn "Truyện tranh Cổ tích Việt Nam" do NXB Mỹ thuật và Nhã Nam thực hiện vừa ra mắt bạn đọc, cho cái nhìn khác lạ, mới mẻ về những nhân vật dân gian quen thuộc.

Gần hơn với cuộc sống hiện đại
Bộ sách giới thiệu những câu chuyện dân gian "kinh điển" của Việt Nam: "Đeo nhạc cho mèo", "Sự tích dưa hấu", "Quạ và công", "Từ Thức gặp tiên", "Bốn anh tài"… Mỗi cuốn sách được thể hiện bằng 32 trang tranh màu, được vẽ bởi các họa sĩ khác nhau, theo lời kể của những nhà biên soạn khác nhau. Vì thế, mỗi câu chuyện mang một giọng kể riêng, hình ảnh nhân vật được khắc họa giàu cá tính, nổi bật hơn.

Ví như trong truyện "Sự tích dưa hấu" (Linh Nâu kể, Thái Mỹ Phương vẽ), các nhân vật như Mai An Tiêm được tái hiện qua những nét vẽ ngộ nghĩnh, hiện đại. Ngược lại, truyện "Từ Thức gặp tiên" lại được họa sĩ Hà Dũng Hiệp vẽ với phong cách cổ điển, những đại cảnh với núi non hùng vĩ, sông suối, cây tùng… giống như tranh thủy mặc có thể in ra, treo tường.

Các họa sĩ đã dụng công sáng tạo ra những trang tranh truyện gần gũi với đời sống thiếu nhi hiện đại. Truyện "Bốn anh tài" kể chàng trai ăn khỏe "thủng nồi trôi rế" sang đòi nợ vua Tàu, trong đó có một trang vẽ anh chàng với dòng chữ "Những việc cần làm ngay: 1. Ăn, 2. Ăn, 3. Sang Tàu đòi nợ". Trang vẽ này vừa có gì ngồ ngộ, vừa có gì đó gần gũi với các em thiếu nhi hiện đại. Hoặc trong "Đeo nhạc cho mèo", họa sĩ Bút Chì đã hiện đại hóa thế giới cổ tích bằng những tranh vẽ sinh động.

Đoạn hội đồng nhà chuột ra tỉnh mua chuông để đeo cổ mèo vẽ quang cảnh phố phường hiện đại với nhà cửa san sát, những bức tường chằng chịt dòng chữ "Khoan cắt bê tông", cửa hàng game online có nhiều trò chơi "Võ lâm truyền kỳ", "Gunny", "Boom"…

Ngay cả ngôn ngữ kể chuyện cũng thể hiện sự phá cách. Trong "Quạ và công" (Minh Châu kể, Trần Minh Tâm vẽ), đoạn quạ và công bàn tới chuyện lông cánh xấu xí của mình có những câu như "…làng chim ta từ thuở hồng hoang đã có câu Nhất dáng nhì lông…" hoặc "Ờ, dáng thì bó tay, giời sinh ra thế thì chịu vậy…".

Thay phụ huynh đọc truyện
Đơn vị biên soạn bộ sách "Truyện tranh Cổ tích Việt Nam" - Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam, đã biên soạn bộ audio lời đọc từng truyện. Đại diện đơn vị xuất bản cho biết, sở dĩ họ làm vậy là muốn "gỡ bí" cho các vị phụ huynh lúc bận rộn. "Các bậc phụ huynh nếu quá bận, không thể đọc truyện cho con nghe thì có thể mở audio, các em thiếu nhi vừa nghe, vừa xem tranh cũng thấy thú vị". Giọng đọc truyền cảm, nhẹ nhàng, chậm rãi cũng có thể giúp trẻ dễ hiểu, cảm nhận câu chuyện cổ tích tốt hơn.

Đại diện Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam cho biết, bộ "Truyện tranh Cổ tích Việt Nam" sẽ không dừng lại ở 9 cuốn. Họ vẫn đang tiếp tục biên soạn và cho phát hành những câu chuyện cổ tích khác của Việt Nam trong những ngày hè tới đây.

Hy vọng rằng, cách "giải bài toán" truyền đạt cho các em nhỏ theo hướng mới mẻ, hiện đại sẽ thúc đẩy hơn nữa thị trường sách thiếu nhi, nhất là sách dân gian Việt Nam.

(Theo HNMO)

Các tin khác

YBĐT - Đã có 106 tác phẩm bảo chí của gần 100 phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí trung ương và địa phương trên toàn tỉnh Yên Bái đăng ký tham gia Giải báo chí Yên Bái năm 2010.

Tham dự liên hoan có hơn 90 bộ phim của Việt Nam và các nước Singapore, Italy, Thái Lan, Lào, Uganda, Brunei.

Siphiwo Ntshebe, ca sĩ opera do đích thân cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela chọn để trình diễn trong lễ khai mạc World Cup 2010, đã bất ngờ qua đời ở tuổi 34 vào ngày 26-5.

Lễ hội Áo dài - Một chương trình đặc sắc mang thương hiệu Festival Huế.

Ngày 26/5, ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2010 cho biết, đã có 27 quốc gia, với hơn 40 đoàn nghệ thuật đăng ký tham dự Festival Huế 2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục