Văn Chấn khôi phục, gìn giữ các điệu xoè Thái

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/11/2010 | 2:58:32 PM

YBĐT - Nắng ban mai đầu đông óng ánh trải rộng trên cánh đồng Mường Lò đang mùa vụ. Đưa tôi về xứ sở của những điệu múa xòe mê hoặc.

Nồng say đêm xòe. (Ảnh: Lê Bác Đạt)
Nồng say đêm xòe. (Ảnh: Lê Bác Đạt)

Cô gái Trần Thị Liễu, Đội phó Đội Thông tin lưu động Phòng Văn hoá, Thông tin huyện Văn Chấn ngồi sau khe khẽ hát: "Đêm Mường Lò, trăng đang lên dần, xoè đi anh, xoè đi em, tay cầm tay múa xoè cùng em... Đừng sợ say đôi tay ngà đón chờ người ơi, này hội vui...". Tiếng hát trầm bổng của cô gái như đưa tôi hoà mình vào không gian của đêm  trăng sáng, bên ánh lửa hồng bập bùng, các cô gái Thái trẻ trung, tươi tắm như những bông hoa rừng uyển chuyển trong những làn điệu dân vũ.

"Đây là lời bài hát trong điệu múa xoè hay nhất mà em từng biết. Ở các xã như: Hạnh Sơn, Sơn A, Tú Lệ, Gia Hội, Thạch Lương..., cứ ở đâu có người Thái sinh sống là ở đó có xoè, cả các thôn cũng có đội múa xoè. Vào dịp lễ, hội do huyện tổ chức là ngay lập tức huy động được hàng nghìn người tham gia vòng xoè. Vui và đẹp lắm!" - Liễu kể.

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Lò Văn Cù ở bản Tèn, xã Phù Nham. Tuy đã gần 80 tuổi, nhưng cụ  vẫn còn minh mẫn và hoạt bát lắm. Cụ chia sẻ: "Ngay khi về hưu, tôi đã chủ động đứng ra thành lập hội những người cao tuổi.

Điều đầu tiên của hội phải làm đó là xây dựng đội múa xoè, vì xoè chính là con người, tình người dân tộc Thái chúng tôi. Hơn thế nữa, vào các buổi sinh hoạt, lễ hội, đội xoè gồm 8 người cao tuổi biểu diễn cho các con, các cháu xem, vừa là thú vui tuổi già và cũng mong muốn thế hệ sau thấy được cái hay, cái đẹp của điệu xoè dân tộc mình mà gìn giữ phát huy chúng. Tuy nhiên, xòe hiện nay của thanh niên biểu diễn có đôi chút khác và cải biên hiện đại hơn so với xoè cổ..."

- Vậy xoè hiện nay và xoè cổ khác nhau như thế nào thưa cụ?

- Về cơ bản thì không khác nhau nhiều. Xoè cổ đơn giản hơn và cũng rất tinh tế! Xoè hiện nay thì đẹp hơn, hấp dẫn hơn vì có nhạc, có tiết tấu, trang phục lại bắt mắt, các động tác uyển chuyển hơn.

- Thế thanh niên trong thôn mình có đội múa xoè không thưa cụ?

- Có chứ, nhưng không thường xuyên, liên tục như trước vì các cháu cũng bận làm ăn, nhiều thiếu nữ thì lấy chồng ở xa, song các ngày lễ, hội của dân tộc mình thì các cháu tham gia rất đông vui.
Hiện nay, ở huyện Văn Chấn không chỉ có xã Phù Nham mà các xã khác có người Thái sinh sống thì các làn điệu múa, hát truyền thống của dân tộc Thái vẫn luôn được duy trì và phát huy, trong đó múa xoè là chủ lực.

Ngoài các đội múa xoè ở các xã thì hầu hết các thôn, bản người Thái cũng thành lập được đội xoè riêng. Anh Nguyễn Xuân Hồng, cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Văn Chấn cho biết: "Mường Lò chính là cái nôi của người Thái đen Tây Bắc, là khởi nguồn của các làn điệu xoè. Xoè có 6 điệu cổ là gốc, để từ đó phát triển thành các điệu xoè thì không chỉ dựa trên các suy luận lịch sử mà cái chính, 6 điệu xoè gồm: xoè vòng, xoè vòng vỗ tay, điệu xoè bổ bốn, điệu tiến lùi, điệu nâng khăn mời rượu, điệu tung khăn này thể hiện đầy đủ nhất các thế chân, thế tay và các hình cơ bản của nghệ thuật dân vũ Thái...".

Qua trao đổi với anh Hồng chúng tôi được biết thêm về sự phát triển và những thăng trầm của các điệu xoè. Thời kỳ được coi là hoàng kim nhất đối với xoè Thái là những năm 1985 về trước. Lúc đó, từ đứa trẻ lên ba cũng đã biết xoè. Người Thái xoè ở khắp mọi nơi, trong lao động, sản xuất, rồi xoè ngay tại gia đình. Một bếp lửa rực hồng là tất cả mọi người không kể già trẻ, lớn, nhỏ đều có thể tham gia xoè, tưng bừng, say sưa bên chén rượu nồng... Nhất là vào các dịp lễ hội như: Hội lồng tồng, vui xuân... thì cứ gọi là đại xoè vì hàng trăm, hàng nghìn người cùng tham gia, đằm thắm, náo nức lòng người.

Ở đâu có người Thái sinh sống là xoè. Xoè như là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong bất cứ cộng đồng người Thái lúc bấy giờ... Bước sang thời kỳ kinh tế thị trường, do người dân phải đi làm ăn xa và việc tiếp nhận của lớp trẻ có phần đi xuống nên xòe chỉ được tổ chức vào các dịp lễ hội.

Trước những khó khăn, thách thức trong việc gìn giữ những làn điệu múa hát truyền thống các dân tộc, thì Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII với nội dung "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Đảng đã góp phần cổ vũ, thúc giục và khơi dậy niềm say mê các làn điệu múa hát dân ca của những nghệ nhân, những người yêu mến văn hóa dân gian.

Cùng lúc đó, Huyện ủy Văn Chấn đã có nghị quyết chuyên đề và chương trình hành động cụ thể để duy trì và khôi phục lại những giá trị văn hoá của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, đặc biệt là múa xoè của dân tộc Thái. Phòng Văn hoá - Thông tin đã chủ động tham mưu cho UBND huyện cử cán bộ trực tiếp xuống các địa phương khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu, phối hợp với các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, những người hiểu biết về xoè xây dựng kế hoạch khôi phục và bảo tồn. Ban đầu bằng việc xây dựng lại các đội múa xoè ở các xã, rồi tập trung xuống các thôn, bản của người Thái.

Anh Trần Việt Dũng - Đội trưởng Đội Thông tin lưu động thuộc Phòng Văn hoá - Thông tin huyện cho biết: "Bằng những việc làm cụ thể đến nay, về cơ bản từ huyện đến các xã, thôn, bản nơi có đồng bào Thái sinh sống đều đã xây dựng và khôi phục được các đội múa xoè. Tuy nhiên, chỉ ở mức độ nhất định, khi có yêu cầu của huyện, của xã về trưng tập các đội múa xoè để biểu diễn hoặc tham gia các hội thi thì nhân dân mới tham gia đông; còn bình thường thì thanh niên đi làm xa nên cũng rất khó để tập trung được họ...".

Ngày nay, xoè Thái ở vùng Mường Lò ngày càng được nhiều người biết đến. Nhưng để xoè Thái mãi mãi giữ được bản sắc dân tộc thì đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành mà trước hết là ngành văn hoá. Để không chỉ trường tồn với thời gian, nồng say, mời gọi tìm tòi, khám phá về một vùng đất, nét đặc trưng văn hóa của một tộc người, xoè Thái còn thể hiện được cả tình đoàn kết của không chỉ riêng người Thái mà nó còn gắn kết với các dân tộc khác.

Ngọc Sơn

Các tin khác

Bảng xếp hạng các ứng viên sáng giá cho ngôi vị Hoa hậu trái đất 2010 tiếp tục được trang web chuyên về sắc đẹp uy tín thế giới Missosology công bố. Bảng xếp hạng lần thứ 5 này, đại diện Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 4, dẫn đầu bảng là người đẹp đến từ Ecuador.

Bộ VH,TT&DL vừa phê duyệt đề án sản xuất phim phóng sự giới thiệu các di tích lịch sử - văn hóa theo hành trình tour du lịch tại bốn quốc gia (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar) với tiêu đề "Bốn quốc gia, một điểm đến" nằm trong chương trình xúc tiến du lịch quốc gia năm 2010.

Đại diện sắc đẹp Việt Nam Lưu Thị Diễm Hương đã xuất sắc vượt qua 78 thí sinh đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, để giành danh hiệu Hoa hậu Trang phục áo tắm, trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2010, vừa diễn ra tại sân khấu Sao Mai (TP Tuy Hòa, Phú Yên), tối 20.11.

Tối 20-11, ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 6 với chủ đề “Dấu ấn Thăng Long - Hà Nội và Tuổi trẻ với di sản văn hóa Việt Nam” đã khai mạc tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục